Chiều 17/2 (mùng 6 Tết), Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 (từ ngày 9-17/2), thành phố ghi nhận có khoảng 1.800 khách đặt phòng lưu trú.
Đây là số liệu báo cáo của 22/124 khách sạn (từ 3-5 sao hoặc tương đương) trên địa bàn Thành phố.
Theo báo cáo sơ bộ từ các doanh nghiệp lữ hành hàng đầu trên địa bàn, lượng khách du lịch trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu sụt giảm mạnh ở hầu hết hành trình du lịch. Trong đó, có thể kể đến chương trình du lịch dành cho khách đoàn doanh nghiệp, khách lẻ, khởi hành theo lịch định sẵn...
Mặt khác, dịch COVID-19 bùng phát vào thời điểm ngày 28/1 - thời gian cao điểm đặt chương trình du lịch Tết Nguyên đán, không chỉ làm giảm sức mua của khách hàng, còn dẫn đến tình trạng khách hàng mong muốn hủy/hoãn, hoàn tiền, dời ngày và đổi tuyến tour...
Tuy nhiên, ghi nhận xu hướng người dân không về quê ăn Tết vì quan ngại nguy cơ bị cách ly, đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19 nên tạo cơ hội cho chương trình du lịch tại chỗ ở Thành phố Hồ Chí Minh hoặc địa điểm không nằm trong vùng dịch.
Do đó, một số công ty lữ hành vừa nâng cao biện pháp an toàn phòng, chống dịch COVID-19, vừa đẩy mạnh chương trình du lịch ngắn ngày, chủ yếu sử dụng phương tiện ôtô, tặng combo khẩu trang y tế và nước rửa tay.
Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, trong kỳ nghỉ Tết, để chủ động công tác phòng, chống dịch bệnh, cũng như hỗ trợ cung cấp thông tin cho ngành Y tế kịp thời truy vết khi cần thiết, Sở Du lịch Thành phố đã đề nghị các cơ sở lưu trú báo cáo tình hình hoạt động và số lượng khách đặt phòng lưu trú.
Bên cạnh đó, Sở tiếp tục phối hợp với doanh nghiệp lữ hành và cơ sở lưu trú du lịch rà soát những đoàn khách du lịch đến, đi từ địa phương có dịch.
Hiện, Sở đã phối hợp Sở Y tế tham mưu Ủy ban Nhân dân thành phố công nhận 29 cơ sở lưu trú du lịch làm điểm cách ly, tương ứng 2.053 buồng/phòng.
Ngoài ra, có 4 cơ sở lưu trú đã được Sở Y tế thẩm định để trình Ủy ban Nhân dân Thành phố và đề xuất khảo sát, thẩm định mới thêm 33 cơ sở lưu trú đã đăng ký với Sở Du lịch.
Đặc biệt, các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn đều thực hiện nghiêm Bộ tiêu chí an toàn đối với ngành Du lịch của Ủy ban Nhân dân Thành phố ban hành, đảm bảo triển khai thực hiện biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.
Điển hình, cơ sở lưu trú du lịch rà soát, nắm bắt đầy đủ thông tin cá nhân của khách lưu trú du lịch đến từ vùng dịch; cập nhật, gửi thông tin khách đang lưu trú về Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh.
Các cơ sở lưu trú cũng thực hiện giám sát y tế khách lưu trú và biện pháp đảm bảo an toàn cho khách lưu trú, người lao động; áp dụng biện pháp 5K "Khẩu trang-Khử khuẩn-Khoảng cách-Không tụ tập-Khai báo y tế."
Dự báo năm 2021, lượng khách lưu trú đến các cơ sở lưu trú du lịch có nhiều biến động do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, dẫn đến tâm lý e ngại, nên du khách cũng như người dân chưa có dự định đặt phòng và trải nghiệm dịch vụ tại khách sạn.
Thống kê công suất phòng lưu trú ghi nhận đến thời điểm hiện tại ở các cơ sở lưu trú trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đạt dưới 10%.
[Việt Nam ghi nhận 18 ca mắc mới COVID-19 đều tại Hải Dương]
Cùng ngày, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An Phạm Tấn Hòa chủ trì Hội nghị trực tuyến với các sở, ngành và địa phương về việc dừng tổ chức các lễ hội trên địa bàn tỉnh nhằm phòng chống dịch COVID-19.
Trong tháng Giêng, tỉnh Long An có nhiều lễ hội thu hút đông đảo du khách thập phương như: Lễ hội Làm Chay (huyện Châu Thành), Lễ hội Vía Bà Ngũ Hành (huyện Cần Giuộc), Cúng rằm tháng Giêng tại chùa Nổi (huyện Vĩnh Hưng), Cúng lễ Kỳ Yên tại Đình Vạn Phước (huyện Cần Đước)...
Tuy nhiên, do dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Long An phối hợp các sở, ngành và địa phương tham mưu tạm dừng tổ chức các hoạt động tập trung đông người, lễ hội, hội nghị, hội thảo trên địa bàn. Đồng thời bảo đảm các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong các hoạt động tại di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh nhằm hạn chế sự lây lan dịch bệnh.
Tại Hội nghị trực tuyến, đại diện lãnh đạo các địa phương thống nhất chấp hành nghiêm chủ trương của Thủ tướng và tinh thần chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19, cho rằng việc tạm dừng các lễ hội đầu xuân là cần thiết nhằm chung tay phòng, chống dịch COVID-19.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An Phạm Tấn Hòa nhấn mạnh, các địa phương vẫn tiếp đón người dân các nơi về cúng bái, thắp hương các nơi thờ tự, tuy nhiên phải bảo đảm giãn cách xã hội tốt, thực hiện tốt quy tắc 5K.
Cũng trong ngày 17/2, xét đề nghị của Sở Giáo dục và Đào tạo Long An, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã đồng ý cho học sinh từ cấp học Mầm non đến Trung học phổ thông, học viên thuộc hệ giáo dục thường xuyên, học viên các trường nghề và sinh viên các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn tỉnh tạm nghỉ học đến hết ngày 28/2 để phòng, chống dịch COVID-19.
Tại Lâm Đồng, dịch COVID-19 cũng ảnh hưởng không nhỏ tới ngành du lịch tỉnh trong dịp Tết Nguyên đán năm nay.
Theo thông tin từ Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Lâm Đồng, trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm nay, lượng khách tới địa phương tham quan, nghỉ dưỡng chỉ đạt 45.000 lượt, giảm 83% so với cùng kỳ năm 2020.
Ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 khiến nhiều khách từ các tỉnh, thành trong cả nước hủy phòng, tour đã đăng ký trước đó.
Theo ông Nguyễn Viết Vân, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, riêng trong lĩnh vực du lịch, cá nhân, tổ chức đã hủy khoảng 34.000 phòng đến 70.000 đêm phòng, chiếm 80% số phòng đã đặt, gây thiệt hại khoảng 36 tỷ đồng.
Đối với các khu, điểm du lịch, các Công ty lữ hành đã hủy 90% tour, gây thiệt hại 9,6 tỷ đồng. Trong lĩnh vực lữ hành, vận chuyển, du khách đã hủy khoảng 95% tour đã đăng ký, gây thiệt hại khoảng 20 tỷ đồng.
Như vậy, dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu, du lịch Lâm Đồng bị thiệt hại khoảng 65,6 tỷ đồng do dịch bệnh gây ra.
Bà Trần Thị L, chủ một khách sạn lớn trên đường Nguyễn Đình Chiểu cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh, để đảm bảo cho du khách đến từ các vùng an toàn, bà đã liên hệ hủy phòng các đoàn đến từ vùng dịch ở phía Bắ
Tuy nhiên sau đó, khách đặt phòng từ các tỉnh, thành phía Nam, trong đó chủ yếu từ Thành phố Hồ Chí Minh cũng liên hệ hủy phòng, chuyển sang kỳ nghỉ 30/4. Những người hủy phòng cho biết khu vực họ cư trú đang nằm trong vùng phong tỏa…
Trong thời gian nghỉ Tết Nguyên đán, tình hình an ninh trật tự, an toàn thực phẩm tại các điểm du lịch, cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng được đảm bảo. Giá các dịch vụ du lịch tăng từ 10-20% so với ngày thường, chủ yếu là dịch vụ lưu trú và ăn uống, trong đó, các khách sạn 3-5 sao hầu như không tăng giá.
Hầu hết các đơn vị kinh doanh dịch vụ trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch trên địa bàn thực hiện nghiêm yêu cầu trong công tác phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế và cơ quan chức năng, thực hiện thông điệp 5K: Khẩu trang-Khử khuẩn-Khoảng cách-Không tụ tập-Khai báo y tế…/.