TP.HCM: ''Lùm xùm'' tại BQL dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị

Tiến độ Dự án Vệ sinh môi trường Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2 bị ngưng trệ do một số "lình xình" - khiếu nại kết quả trúng thầu tại gói thầu XL-02, khiếu nại về công tác nhân sự.
TP.HCM: ''Lùm xùm'' tại BQL dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị ảnh 1Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cùng Giám đốc quốc gia World Bank tại Việt Nam Ousmane Dione thị sát thực địa tại giếng S5-S6 (tại quận 2) thuộc dự án Vệ sinh môi trường Thành phố Hồ Chí Minh (giai đoạn 2). (Nguồn: TTXVN)

Ban Quản lý đầu tư dự án vệ sinh môi trường Thành phố Hồ Chí Minh (nay là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị Thành phố Hồ Chí Minh) là chủ đầu tư gói thầu XL-02 (thiết kế Nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc-Thị Nghè, quận 2) thuộc Dự án Vệ sinh môi trường thành phố giai đoạn 2.

Thời gian qua, tiến độ chung dự án bị ngưng trệ do một số "lình xình" - khiếu nại kết quả trúng thầu tại gói thầu XL-02, khiếu nại về công tác nhân sự sau khi Ban Quản lý đầu tư dự án vệ sinh môi trường thành phố sáp nhập thành Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị.

Điều này gây tâm lý bức xúc, hoài nghi trong cán bộ, người lao động đang làm việc tại Ban Quản lý đầu tư dự án vệ sinh môi trường thành phố.

Loại nhà thầu bỏ giá thầu thấp nhất

Dự án Vệ sinh môi trường thành phố giai đoạn 2 có tổng vốn đầu tư 524 triệu USD; trong đó vốn ODA của Ngân hàng Thế giới (viết tắt là WB) là 450 triệu USD còn lại là vốn đối ứng của Thành phố Hồ Chí Minh. Gói thầu XL-02 có tổng mức đầu tư 307,3 triệu USD, triển khai theo hình thức đấu thầu cạnh tranh quốc tế có sơ tuyển.

Hiện đã có 7 nhà thầu đạt sơ tuyển, trong đó có liên danh Samsung-Kolon-TSK (gọi tắt là liên danh 1), liên danh Acciona-Vinci (gọi tắt là liên danh 2). Theo hồ sơ, liên danh 1 bỏ giá thầu thấp nhất là 222,88 triệu USD nhưng vẫn bị loại vì chủ đầu tư đã chọn liên danh 2 có giá dự thầu 240,64 triệu USD (cao hơn 14,76 triệu USD) liên quan đến vấn đề "xung đột lợi ích" trong đấu thầu.

Theo đại diện liên danh 1, “xung đột lợi ích” có thể tồn tại giữa các công ty trong trường hợp hai công ty là công ty liên kết lẫn nhau. Theo hướng dẫn về đấu thầu, việc áp dụng khái niệm các công ty liên kết phải được giải thích theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Thực tế, TSK và Công ty Nippon Koei (công ty tư vấn đấu thầu của gói thầu) không có mối quan hệ chi phối lẫn nhau. Việc chủ đầu tư lựa chọn liên danh 2 trong khi liên danh này bỏ giá thầu cao hơn liên danh 1 đã vi phạm quy định của pháp luật về đấu thầu; trong đó có việc lựa chọn nhà thầu thành công cần được thực hiện trên cơ sở đảm bảo tính cạnh tranh, công bằng, minh bạch, hiệu quả kinh tế vì lợi ích của chủ dầu tư và của quốc gia.

['Lình xình' trong đấu thầu thi công dự án vệ sinh môi trường TP.HCM]

Theo phản hồi của đại diện Ngân hàng Thế giới, mặc dù bỏ giá thầu thấp hơn nhưng liên danh 1 vẫn bị loại là do Công ty TSK (Nhật Bản) thuộc liên danh này có "xung đột lợi ích" với công ty tư vấn đấu thầu của gói thầu là Công ty Nippon Koei.

Lý giải về việc không trao thầu cho liên danh 1, đại diện Ban Quản lý đầu tư dự án vệ sinh môi trường thành phố cho biết, trong quá trình đánh giá giá thầu cho gói XL-02, các đơn vị liên quan phát hiện TSK - thành viên của liên doanh 1 sở hữu 2,32% cổ phần vốn tại Nippon Koei, là chuyên gia tư vấn quốc tế giúp chủ đầu tư đánh giá các đơn đăng ký sơ tuyển, chuẩn bị hồ sơ dự thầu và đánh giá hồ sơ dự thầu.

Trên cơ sở tham khảo ý kiến của Ngân hàng Thế giới, chủ đầu tư kết luận rằng có "xung đột về lợi ích" theo tài liệu đấu thầu, nguyên tắc đấu thầu mà Ngân hàng Thế giới đưa ra.

Tình huống này xảy ra trong một khoảng thời gian dài nhưng không được liên danh 1 báo cáo, khi được phát hiện muộn trong thủ tục đấu thầu, chủ đầu tư đã quyết định không trao thầu cho liên danh 1 mà trao thầu cho liên danh 2 là liên danh bỏ giá thầu thấp thứ 2, chỉ sau liên danh 1.

Tuy nhiên, theo quan điểm của Cục An ninh Kinh tế, Bộ Công an, gói thầu XL-02 đã triển khai đấu thầu cạnh tranh quốc tế có sơ tuyển theo hướng dẫn của Ngân hàng Thế giới. Kết quả có 5 nhà thầu được chọn qua sơ tuyển và bỏ giá thầu; trong đó có liên danh 1 bỏ giá thấp nhất là 222,88 triệu USD.

Ngày 8/3/2019, chủ đầu tư đã ký hợp đồng trao thầu cho liên danh 2 có giá thấp thứ 2, cao hơn liên doanh 1 tới 14,76 triệu USD (tương đương 343 tỷ đổng).

Lý do chủ đầu tư quyết định không trao thầu cho liên danh 1 là dựa trên kết luận của Ngân hàng Thế giới, có “xung đột lợi ích” khi TKS, thành viên của liên doanh 1 sở hữu 2,32% cổ phần trong Nippon Koei, là đơn vị tư vấn gói thầu XL-02.

Tuy nhiên, tại kết quả chấm thầu trước đó của đơn vị tư vấn đấu thầu xác định, không có "xung đột lợi ích" trong trường hợp này. Vì thế, việc lựa chọn liên danh 2 trúng gói thầu XL-02 chưa thật sự thuyết phục, có nguy cơ làm Nhà nước mất hàng trăm tỷ đồng do chênh lệch giá trị hợp đồng giữa liên doanh 1 với liên doanh 2.

"Trong vai trò chủ đầu tư được Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh giao trách nhiệm quản lý dự án, mặc dù chủ đầu tư có báo cáo Ủy ban Nhân dân thành phố về những khó khăn trong việc đấu thầu gói thầu XL-02 nhưng không có ý kiến phản hồi lại cho Ngân hàng Thế giới và không đề nghị Ngân hàng Thế giới làm rõ kết luận "xung đột lợi ích," cho thấy chủ đầu tư chưa thật sự quyết liệt trong việc đấu tranh với Ngân hàng Thế giới về kết luận này và bảo vệ kết quả xét thầu khách quan của đơn vị tư vấn cũng như bảo vệ lợi ích quốc gia.

Bộ Công an đề nghị Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xem xét lại kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu XL-02, đồng thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết luận của WB về 'xung đột lợi ích' để Chính phủ chỉ đạo các đơn vị chức năng làm việc với Ngân hàng Thế giới về vấn đề này nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia, tránh gây thiệt hại kinh tế cho Nhà nước do chênh lệch giá trị hợp đồng," Cục An ninh Kinh tế, Bộ Công an nêu rõ quan điểm.

Về phía Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban Nhân dân thành phố đã có văn bản kiến nghị phía Ngân hàng Thế giới có ý kiến chính thức bằng văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng và các cơ quan Trung ương có liên quan để khẳng định quan điểm liên quan đến vụ việc nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án, đảm bảo tính hiệu quả, khả thi, tiết kiệm và đúng pháp luật.

Bổ nhiệm cán bộ có vấn đề?

 Trong khi những "lình xình" về kết quả trúng thầu chưa được giải quyết dứt điểm thì tại Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị Thành phố Hồ Chí Minh còn tồn tại khiếu nại về bổ nhiệm cán bộ.

Ngày 23/11/2018, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 5345/QĐ-UBND về thành lập Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị trực thuộc Ủy ban Nhân dân thành phố, trên cơ sở tách chức năng quản lý dự án của Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước thành phố và hợp nhất với Ban Quản lý đầu tư dự án Vệ sinh môi trường thành phố (trực thuộc Sở Giao thông Vận tải).

Ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước thành phố giữ chức Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị.

Ủy ban Nhân dân thành phố phân công ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng tạm thời chịu trách nhiệm điều hành hoạt động và thực hiện các giao dịch tài chính của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị đến khi có quyết định bổ nhiệm Giám đốc ban này theo quy định.

Ngày 3/10/2019, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 114/QĐ-UBND điều động, bổ nhiệm ông Bùi Thanh Tân, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận 4 về làm Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị thành phố.

Ngày 7/10, Ủy ban Nhân dân thành phố chính thức trao quyết định bổ nhiệm cho ông Bùi Thanh Tân.

Tuy nhiên, điều lạ lùng và gây bức xúc đối với cán bộ, công nhân viên, người lao động đang làm việc tại Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị là trong thời gian chưa bổ nhiệm chức vụ Giám đốc Ban Quản lý, ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng với tư cách Phó Giám đốc đã ký đồng loạt các quyết định bổ nhiệm cán bộ tại Ban Quản lý.

Điều này đặt ra câu hỏi ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng đã ký nhiều quyết định bổ nhiệm cán bộ có đúng chức năng nhiệm vụ được giao hay không, có đúng với Điều 28, Nghị định 29/2012 của Chính phủ (quy định rõ thẩm quyền bổ nhiệm cán bộ là người đứng đầu), Điều 7 của Quyết định 27/2003 của Thủ tướng Chính phủ (về quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, từ chức, miễn nhiệm cán bộ, công chức lãnh đạo) hay không?

Trước diễn biến trên, vừa qua, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh có văn bản số 9732/VP-VX yêu cầu Sở Nội vụ rà soát, báo cáo Ban Cán sự Đảng Ủy ban Nhân dân thành phố.

Trong khi đó, trao đổi với TTXVN, ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng giải thích việc bổ nhiệm cán bộ cấp Phòng thuộc Ban Quản lý dự án là do tiến độ thực hiện của các phòng còn chậm, giải ngân thấp. Nguyên nhân là chưa có lãnh đạo chính thức của cấp phòng thuộc Ban Quản lý dự án nên chưa quyết liệt trong công việc do tâm lý vị trí bổ nhiệm chưa ổn định, chờ lãnh đạo, giải quyết công việc mang tính đối phó, hiệu quả thấp.

Từ ngày 1/5/2019, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị chính thức đi vào hoạt động nhưng chưa thành lập Đảng bộ Ban Quản lý và tổ chức các đoàn thể nên Phòng Tài chính hành chính thuộc Ban Quản lý chưa thực hiện quy trình bổ nhiệm 5 bước theo quy định. Vì thế, Ban Giám đốc Ban Quản lý dự án họp thông qua danh sách bổ nhiệm của các phòng, ban giới thiệu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục