"Công an Thành phố cần phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân Thành phố lựa chọn một số án điểm về nhập cảnh trái phép, thực hiện thủ tục rút gọn theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự để kịp thời đưa ra truy tố, xét xử, tạo sự răn đe."
Đây là chỉ đạo của ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh,tại buổi giao ban công tác phòng, chống dịch COVID-19 của 24 quận, huyện trong toàn Thành phố diễn ra chiều 17/8.
Theo ông Nguyễn Thành Phong, dù đã trải qua 15 ngày không có ca mắc trong cộng đồng nhưng với mật độ dân cư đông, việc giao thương, đi lại phức tạp, Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát dịch COVID-19.
Đặc biệt, từ tháng 5/2020 đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh phát hiện 152 trường hợp nhập cảnh trái phép, trong đó có một trường hợp người nhập cảnh trái phép dương tính với virus SARS-CoV-2.
Nhận định đây là nguồn lây bệnh nguy hiểm nếu không được kiểm soát chặt, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu Công an Thành phố cần tổ chức đợt cao điểm tổng kiểm tra, rà soát người nhập cảnh trái phép trên địa bàn, lập chốt chặn, kiểm soát dịch bệnh ở các vị trí trọng yếu.
Ông Nguyễn Thành Phong cũng yêu cầu lãnh đạo Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, phường, xã, thị trấn phải chịu trách nhiệm trước Ủy ban Nhân dân Thành phố nếu có người nhập cảnh trái phép trên địa bàn.
Đặc biệt, Công an Thành phố phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân Thành phố lựa chọn một số án điểm về nhập cảnh trái phép, thực hiện thủ tục rút gọn theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự để kịp thời đưa ra truy tố xét xử, tạo sự răn đe.
[Tây Ninh bắt giam 2 đối tượng đưa người nhập cảnh trái phép]
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Thành Phong yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện không được lơ là, mất cảnh giác bởi dịch COVID-19 từ Đà Nẵng đã lây lan sang 15 tỉnh, thành phố khác trong nước.
"Chúng ta cần triển khai quyết liệt hơn nữa các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, nếu để ca nhiễm phát sinh trong cộng đồng thì sẽ vô cùng nguy hiểm bởi mật độ dân cư của Thành phố đông, hoạt động kinh tế nhộn nhịp, do đó tốc độ lây lan cũng sẽ nhanh hơn các địa phương khác."
Nhận định tình hình dịch bệnh sẽ tiếp tục có diễn biến phức tạp, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện cần chuẩn bị các kịch bản ứng phó chống dịch dài hơi hơn, căn cơ hơn.
Theo báo cáo của Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, tính đến ngày 17/8, Thành phố phát hiện 76 ca mắc COVID-19 và 1 ca chuyển viện từ Bệnh viện Bạc Liêu; trong đó 62 trường hợp đã được điều trị khỏi bệnh, vẫn còn 15 trường hợp đang được tiếp tục điều trị.
Hiện sức khỏe của 15 bệnh nhân này ổn định. Trong ngày 17/8, Thành phố vẫn còn 182 người có triệu chứng viêm đường hô hấp đang được cách ly theo dõi và xét nghiệm chẩn đoán tại khu cách ly của các bệnh viện.
Liên quan đến công tác xét nghiệm cho người từng đến Đà Nẵng từ 1/7/2020, tính đến 11 giờ 30 phút ngày 17/8, đã có 53.317 người khai báo y tế.
Ngành Y tế đã lấy mẫu xét nghiệm cho tất cả các trường hợp này, hiện đã có 52.675 người có kết quả âm tính, 6 người có kết quả dương tính đã được Bộ Y tế công bố (gồm bệnh nhân số 510, 517, 518, 567, 568, 589), còn lại đang chờ kết quả.
Trong hai ngày 13 và 14/8/2020, Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức đón 632 người ở Đà Nẵng trở về địa phương qua sân bay Tân Sơn Nhất. Tất cả đều đã được Sở Y tế Đà Nẵng xét nghiệm, kiểm tra và được bố trí cách ly tập trung tại Thành phố Hồ Chí Minh (297 người) và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (335 người).
Trong những ngày tới, ngành Y tế và chính quyền các địa phương của Thành phố tiếp tục vận động người từng đến Đà Nẵng khai báo y tế để được xét nghiệm, kiểm tra, theo dõi sức khỏe (trong hai ngày 15-16/8 đã có 868 người khai báo thêm).
Ngoài ra, Thành phố sẽ mở rộng việc rà soát, xét nghiệm sàng lọc đối với người đến từ các địa phương có nhiều ca mắc trong cả nước như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Hà Nội, Hải Dương.../.