Bảo tàng là một thiết chế văn hóa quan trọng, nơi lưu giữ các tư liệu hiện vật có giá trị, góp phần tích cực bảo vệ và phát huy các di sản văn hóa, lịch sử của dân tộc.
Tuy nhiên, cơ sở vật chất cũ kỹ, thiếu trang thiết bị chuyên dụng, nguồn nhân lực èo uột, các dự án đầu tư cải tạo, tu bổ vẫn còn dang dở... đang là thực trạng chung mà các bảo tàng tại Thành phố Hồ Chí Minh phải gồng gánh.
“Rủ nhau” xuống cấp
Hiện tại, Thành phố Hồ Chí Minh có 13 bảo tàng công lập, trong đó có 7 bảo tàng do Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố quản lý như Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Bảo tàng Tôn Đức Thắng, Bảo tàng Mỹ thuật, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, Bảo tàng Lịch sử thành phố…
Nhiều năm qua, các bảo tàng này được xem là địa điểm quen thuộc để nhiều công ty du lịch lữ hành giới thiệu cho khách trong và ngoài nước lựa chọn tham quan, tìm hiểu về văn hóa, lịch sử của Thành phố. Tuy nhiên, những bảo tàng đều được xây dựng từ trước giải phóng, lại chưa được trùng tu sửa chữa lần nào nên đa phần cơ sở vật chất đều xuống cấp trầm trọng.
Trải qua gần 100 năm tồn tại, Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (Quận 1) là một tòa nhà mang kiến trúc độc đáo, kết hợp giữa hai trường phái mỹ thuật Á-Âu nhưng khi nhìn từ bên ngoài đã ít nhiều vơi đi nét thẩm mỹ với những mảng tường vôi bong tróc, vết nứt chạy dài theo tường, bờ rào hoen rỉ…
Ngoài yếu tố thời gian, việc thi công công trình cao ốc Tứ giác Bến Thành giáp Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (phía đường Lê Thị Hồng Gấm) cũng gây ảnh hưởng lớn đến các công trình của Bảo tàng.
[Đà Nẵng: Tham quan Bảo tàng Điêu khắc Chăm bằng công nghệ scan 3D]
Theo Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh Trịnh Xuân Yên, từ ngày xây dựng tới nay, công trình chưa được tu bổ toàn diện lần nào nên nhiều hạng mục xảy ra tình trạng hư hại, xuống cấp trầm trọng.
Hiện cả ba tòa nhà mà Bảo tàng sử dụng làm không gian trưng bày đều đã được thành phố công nhận là “Di tích kiến trúc nghệ thuật” nên cần tu bổ, trùng tu ngay để bảo đảm độ bền vững công trình cũng như bảo vệ các tài sản tinh thần của Bảo tàng.
Tương tự, Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh (Quận 1) là bảo tàng đầu tiên và lâu đời nhất ở thành phố. Tuy nhiên, từ năm 1975 đến nay, hầu như chưa có lần trùng tu lớn nào, mỗi năm Bảo tàng chỉ tu sửa vài chỗ nhỏ không đáng kể.
Ở góc độ quản lý, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh Hoàng Anh Tuấn cho biết, việc trùng tu ở một số bảo tàng như Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh không phải đơn giản, vì đây là di tích kiến trúc nghệ thuật nên không thể tu sửa như công trình xây dựng thông thường, việc trùng tu phải có đội ngũ am hiểu về kiến trúc di tích.
Về mặt thẩm mỹ, số lượng hiện vật hiện tại khá nhiều so với không gian trưng bày nên việc trưng bày chưa thật sự gây được ấn tượng đối với khách tham quan.
Ứng dụng công nghệ để hút khách tham quan
Hệ thống bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh rất phong phú và đa dạng. Tuy nhiên, từ lâu, bảo tàng không còn là địa điểm giải trí được giới trẻ lựa chọn mỗi khi có nhu cầu tìm nơi để tham khảo, tìm tòi hay vui chơi.
Nhiều bảo tàng ở thành phố đã tổ chức các cuộc trưng bày chuyên đề, đưa ra giới thiệu những sưu tập hiện vật đặc biệt quý hiếm, song vẫn phải chịu cảnh đìu hiu, vắng vẻ.
Trong bối cảnh đó, một số bảo tàng tại Thành phố Hồ Chí Minh đã áp dụng công nghệ mới để thu hút khách tham quan. Tuy nhiên, hiện mới có ba điểm tham quan được thí điểm ứng dụng công nghệ mới là Bảo tàng Tôn Đức Thắng, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ và Khu di tích Địa đạo Củ Chi.
Giám đốc Bảo tàng Tôn Đức Thắng Phạm Thành Nam cho rằng, với sự phát triển của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hoạt động trưng bày không thể thụ động với việc chỉ bày các hiện vật, chú thích đầy đủ thông tin, thuyết minh, giới thiệu nội dung trưng bày theo các bài được chuẩn bị sẵn.
Bảo tàng hiện đại phải hiểu rõ nhu cầu tìm hiểu, mong muốn học tập, trải nghiệm của công chúng để xây dựng các nội dung, các hoạt động phù hợp.
Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ sở hữu hơn 25.000 tài liệu, hiện vật về phụ nữ Nam Bộ nhưng không có không gian trưng bày.
Một số hiện vật tiêu biểu trưng bày với mật độ dày đặc, thiếu lối đi cho khách tham quan, mang nặng hình thức tuyên truyền. Bên cạnh đó, nhiều bảo tàng cũng chịu chung cảnh ngộ khi không có hiện vật gốc để trưng bày, chủ yếu sử dụng hiện vật phục chế do bảo tàng không đảm bảo an ninh bảo vệ hiện vật.
Đến tham quan tại bảo tàng, chị Phùng Mỹ Lệ (Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, ngoài việc trưng bày các hiện vật lịch sử, các bảo tàng vẫn chưa có những hoạt động thú vị nào kèm theo. Một số nơi có các chương trình mang tính giáo dục, nhưng lặp đi lặp lại một cách khuôn mẫu như các buổi hội thảo, diễn thuyết...
Bên cạnh đó, hầu hết các bảo tàng không có hướng dẫn viên cho đối tượng khách lẻ, thiếu thông tin giới thiệu, thiếu các buổi trò chuyện, tương tác về các câu chuyện văn hóa-lịch sử…
Đồng quan điểm, anh Phùng Chí Kiên (ở quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, bảo tàng được xem là nơi đáp ứng yếu tố giáo dục, làm giàu tri thức và giải trí cho cộng đồng nhưng về cách bài trí không gian chưa được hấp dẫn.
Cụ thể là cách bày hiện vật cần phải mang tính thẩm mỹ, hệ thống ánh sáng bắt mắt, các đồ vật khác nhau có những cách chiếu đèn sao cho tinh tế để giúp cho người tham quan có cảm hứng khi tới đây.
Theo Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ Nguyễn Thị Thắm, sau khi được Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đầu tư xây dựng, Bảo tàng đã cải tạo khu trưng bày và hiện đại hóa bảo tàng theo yêu cầu của khách tham quan.
Cuối tháng 10/2020, Bảo tàng đưa các công cụ thiết bị trình chiếu để hỗ trợ khách tham quan tương tác và trải nghiệm mô hình bảo tàng 3 chiều (3D) thông qua thiết bị Hologram kết hợp ứng dụng phần mềm bảo tàng tương tác thông minh 360 độ trong trưng bày bảo tàng số, hỗ trợ công nghệ thực tế ảo (VR) giúp khách tham quan có thể thưởng lãm hiện vật ở nhiều góc độ khác nhau.
“Làm mới” bảo tàng
Do nhu cầu không ngừng tăng cao về đời sống văn hóa cùng với sự năng động chung của thành phố, trước làn gió mở cửa theo cơ chế thị trường, tình trạng thưa vắng vẻ, thưa khách vẫn tiếp diễn, một số bảo tàng ở thành phố đã tự tìm cách tạo nguồn thu qua các dịch vụ như ăn uống, bán hàng lưu niệm, bán các tờ gấp giới thiệu về bảo tàng.
Nhằm xóa bỏ khái niệm “cũ và chán” cho bảo tàng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Thanh Thúy cho rằng, những hình thức tiếp cận mới với khách tham quan cũng là điều các bảo tàng cần lưu ý bên cạnh không gian kiến trúc, hiện vật...
Từ hình thức quảng bá trên một số nền tảng mạng xã hội chia sẻ video, hình ảnh hữu hiệu trong thời buổi công nghệ và mạng xã hội rầm rộ. Hiện, nhiều bảo tàng chưa chú trọng vào việc này, giao diện website còn nhàm chán, thông tin, hình ảnh chưa thật sự ấn tượng và fanpage chưa tiếp cận được nhiều với khách tham quan. Chính vì vậy, bảo tàng cần được “thay áo” không chỉ về mặt không gian, kiến trúc mà còn để phát triển xứng tầm hơn trong hiện tại và tương lai.
Cùng chung quan điểm, bà Lê Tú Cẩm, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, để thu hút thêm nhiều du khách trong và ngoài nước đến với bảo tàng nói riêng và thành phố nói chung, các bảo tàng cần quan tâm hơn nữa đến việc trình chiếu phim tư liệu, hình ảnh hiện vật trong từng không gian trưng bày để hấp dẫn du khách.
Các bảo tàng tăng cường liên kết với các cơ sở giáo dục để học sinh, sinh viên có thêm cơ hội tiếp xúc, tìm hiểu với những giá trị văn hóa, lịch sử dân tộc thông qua hiện vật, tư liệu trưng bày tại bảo tàng.
Đặc biệt, với sự tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, để thu hút công chúng đến với bảo tàng, giới chuyên gia cho rằng, vấn đề sống còn hiện nay là phải đổi mới “linh hồn” của bảo tàng, đó chính là đổi mới hoạt động trưng bày, nếu không hiện vật sẽ thành vô tri, vô giác.
Theo đó, mỗi bảo tàng cần xác định khách tham quan là mục tiêu phục vụ cần hướng đến, phải nhanh chóng loại bỏ tâm lý chủ quan, duy ý chí, trưng bày cái mình có thay vì đáp ứng, thỏa mãn những yêu cầu công chúng kỳ vọng khi tìm đến với bảo tàng.
Trên cơ sở đó, đổi mới cách tổ chức, vận hành của bảo tàng, kiện toàn đội ngũ theo hướng tinh gọn, chất lượng, cập nhật ứng dụng công nghệ, thích ứng với xu hướng chung của thế giới, phù hợp nhu cầu ngày càng đa dạng của khách tham quan.
Chỉ khi làm được điều này, bảo tàng mới thật sự phát huy được vai trò tích cực trong đời sống và trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách./.