TP.HCM: Liên tục tiếp nhận nhiều ca dị vật vùng tai mũi họng

Các bác sỹ Bệnh viện Tai Mũi Họng Thành phố Hồ Chí Minh cảnh báo các dị vật vùng tai mũi họng có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm, song người dân vẫn chưa biết cách xử lý phù hợp.
TP.HCM: Liên tục tiếp nhận nhiều ca dị vật vùng tai mũi họng ảnh 1Bác sỹ Bệnh viện Tai Mũi Họng Thành phố Hồ Chí Minh khám cho bệnh nhân hóc dị vật 'di cư' ra vùng cổ. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

Ngày 26/10, các bác sỹ Bệnh viện Tai Mũi Họng Thành phố Hồ Chí Minh cảnh báo thời gian gần đây, đơn vị liên tục tiếp nhận nhiều trường hợp người dân bị dị vật vùng tai mũi họng.

Các dị vật này có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm, song người dân vẫn chưa biết cách xử lý phù hợp.

Mới đây, bé trai B.M.N (5 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh) được đưa đến Bệnh viện Tai Mũi Họng trong tình trạng mũi trái chảy máu rỉ rả. Gia đình cho biết 3 ngày trước mũi của bé trai bắt đầu chảy máu và tái đi tái lại nhiều lần.

Do không biết nguyên nhân nên gia đình chỉ nhét giấy vào mũi để cầm máu. Sau khi nhập viện, qua nội soi các bác sỹ phát hiện mũi trái bé trai có một dị vật hình trụ tròn, nghi ngờ là viên pin điện tử.

Các bác sỹ đã tiến hành nội soi lấy cục pin điện tử ra khỏi mũi của cháu bé, đồng thời xử lý sạch mô hoại tử, bơm rửa mũi.

[Cấp cứu bệnh nhân bị hóc hạt vú sữa trong phổi hơn 1 tháng]

Tiến sỹ, bác sỹ Lê Trần Quang Minh, Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng Thành phố Hồ Chí Minh cho biết dù đã được lấy dị vật nhưng bé trai đã bị thủng vách ngăn mũi, không thể phục hồi. Điều này sẽ ảnh hưởng đến tình trạng thông khí, dễ gây nên tình trạng viêm mũi xoang sau này của bé.

Thống kê trong khoảng 5 năm trở lại đây, có 65 trường hợp trẻ em bị dị vật là pin điện tử trong mũi đến điều trị tại Bệnh viện Tai Mũi Họng Thành phố Hồ Chí Minh. Trung bình mỗi năm có khoảng hơn 10 trường hợp trẻ em ở độ tuổi từ 2 đến 5 tuổi bị dị vật là pin điện tử trong mũi, trong đó có trường hợp trẻ tự nhét pin vào mũi cũng có trường hợp bị bạn cùng lớp đùa nghịch nhét pin vào mũi.

“Pin điện tử có chứa hóa chất nên khi lọt vào cơ thể lâu ngày có thể gây loét niêm mạc, hoại tử. Do đó, trong trường hợp nghi ngờ trẻ có dị vật trong mũi thì nên đưa đến các bệnh viện để được xử trí kịp thời. Nếu không may pin điện tử lọt vào thực quản, khí quản thì càng nguy hiểm hơn,” bác sỹ Lê Trần Quang Minh khuyến cáo.

Phụ huynh cũng nên lưu ý tránh cho trẻ nhỏ tiếp xúc với các vật nhỏ, nhọn (như tăm xỉa răng, pin), các đồ chơi có thể tháo rời. Khi trẻ có biểu hiện chảy nước mũi một bên, chảy máu mũi kèm mùi hôi, khi thở có âm thanh lạ, thở rít nhiều hơn… cần đưa đi bệnh viện kiểm tra ngay.

Một trường hợp hy hữu khác là anh P.T.G. (36 tuổi, ngụ Thành phố Hồ Chí Minh) bị hóc xương cá nhưng sau đó dị vật này đã di chuyển ra đến vùng da cổ của nạn nhân.

Cách nhập viện 3 ngày, người đàn ông bị hóc xương cá, ngay sau đó anh đã tự xử lý bằng các biện pháp dân gian như uống viên sủi C, khạc nhổ, nuốt cục cơm nhưng tình hình không cải thiện. Các triệu chứng nuốt đau, khàn tiếng, sưng đau vùng cổ tăng dần, ăn uống kém. Vì thế người đàn ông vào bệnh viện “cầu cứu” bác sỹ.

Tại Bệnh viện Tai Mũi Họng Thành phố Hồ Chí Minh, ảnh chụp CT của người đàn ông ghi nhận có dị vật là mảnh xương từ hạ hầu - miệng thực quản đâm xuyên qua vùng cổ. Đặc biệt, dị vật đã “di cư” ra vùng cổ, chỉ còn cách da 4mm.

Anh G. cũng có tình trạng viêm nhiều vị trí như tuyến giáp, hạ hầu, xoang… không loại trừ khả năng có áp xe. Sau khi dùng ống cứng nội soi vùng hạ họng-thực quản, các bác sỹ đã phải phẫu thuật mở vùng cổ để lấy dị vật là một mảnh xương cá dài khoảng 35mm.

Theo bác sỹ Lê Trần Quang Minh, dị vật “di cư” là một trong những biến chứng nguy hiểm của hóc dị vật, khi đó dị vật không còn ở đường ăn mà đã di chuyển ra các vùng lân cận.

Ngoài việc gây viêm loét, hoại tử, trên đường di chuyển, dị vật có thể gây thủng hệ thống mạch máu, nếu dị vật "di cư" xuống vùng dưới có thể gây áp xe trung thất, tràn khí màng phổi, ảnh hưởng đến màng tim, nguy hiểm tính mạng.

Bác sỹ Minh khuyến cáo người dân khi bị hóc dị vật nên đến ngay các cơ sở y tế để được xử trí kịp thời, tránh tự xử lý bằng các biện pháp như móc họng, cố gắng khạc nhổ, nuốt cục cơm…điều này sẽ khiến cho dị vật càng đi sâu, cắm sâu vào các bộ phận cơ thể gây khó khăn cho bác sỹ trong quá trình xử trí sau này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục