Hầu hết di chứng hậu COVID-19 ở các bệnh nhân được ghi nhận có ảnh hưởng về hô hấp cấp và hô hấp mãn tính, một di chứng về tim mạch, một số bệnh lý xuất huyết não, nhồi máu não, stress, lo âu, rối loạn giấc ngủ.
Đây là vấn đề nổi bật được ông Phan Minh Hoàng, Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra trong cuộc họp định kỳ thông tin phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế, ngày 13/1.
12/12 ca nhiễm biến chủng Omicron đã xuất viện
Theo ông Phan Minh Hoàng, Bệnh viện Phục hồi chức năng Thành phố Hồ Chí Minh là một trong các đơn vị tiếp nhận, điều trị bệnh nhân mắc di chứng hậu COVID-19 trên địa bàn. Hiện bệnh viện ghi nhận, điều trị hơn 1.000 ca bệnh, trong đó 341 ca điều trị nội trú, còn lại điều trị ngoại trú.
Nhằm phát hiện sớm tình trạng bệnh nhân mắc di chứng hậu COVID-19, bệnh viện khuyến cáo bệnh nhân sau khi xuất viện và có kết quả âm tính cần quay lại bệnh viện để tái khám trong khoảng thời gian từ 2-4 tuần để kiểm tra định kỳ xét nghiệm, thực hiện chụp X-quang chuyên sâu tim để đánh giá tổng quát, tầm soát.
Liên quan đến tình hình số ca nhiễm Omicron tại thành phố, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết Thành phố hiện có 12 ca mắc biến chủng Omicron và đã được cách ly điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 12.
Đến 15 giờ ngày 13/1, toàn bộ các trường hợp này đều đã được xuất viện. Trong 12 ca này, chỉ 2 ca có triệu chứng sổ mũi nhẹ, ho, còn lại không có triệu chứng. Các trường hợp xuất viện đều đảm bảo quy định của Sở Y tế. Với những người ngồi cùng chuyến bay với ca nhiễm, có tiếp xúc gần, ngành y tế đã xét nghiệm trên 2.000 người và chưa phát hiện trường hợp lây nhiễm.
Về mức độ miễn dịch cộng đồng của Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay, theo bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, về lý thuyết, nếu toàn dân số đã được tiêm, trừ người chống chỉ định, thành phố đạt miễn dịch cộng đồng và bảo vệ được nhóm không tiêm. Nhưng trên thực tế, dù tiêm với 100% dân số, thành phố vẫn gặp khó khăn trong biến động dân số, di dân. Ngoài ra, biến chủng mới cũng là một nguy cơ.
Theo khuyến cáo của các chuyên gia trên thế giới, việc tiêm mũi bổ sung hiện hiệu quả với Omicron nhưng trong tương lai chưa thể dự báo thêm các biến chủng mới khác. Do đó, Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục “đi từng ngõ, gõ từng nhà” khuyến khích người dân tiêm vaccine.
[TP.HCM chú trọng chăm lo, điều trị cho người dân hậu COVID-19]
Hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh đang điều trị 4.152 bệnh nhân COVID-19, trong đó có 82 trẻ em dưới 16 tuổi, 301 bệnh nhân nặng đang thở máy, 18 bệnh nhân can thiệp ECMO.
Ngày 12/1 có 275 bệnh nhân nhập viện, 292 bệnh nhân xuất viện, 19 trường hợp tử vong. Tính đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh có 20.182 ca tử vong do COVID-19. Thành phố đã tiêm hơn 3 triệu liều vaccine nhắc lại và hơn 492.000 liều vaccine bổ sung.
Bình thường hóa các quy định đảm bảo dạy và học cho học sinh
Về kế hoạch cho học sinh khối lớp 6 trở lại trường học, ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng Phòng Chính trị tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết Ủy ban Nhân dân thành phố đã ban hành kế hoạch tổ chức dạy và học trở lại đối với khối giáo dục mầm non. Do đó, từ tháng 2, trẻ em đến trường tham gia hoạt động vui xuân theo tinh thần tự nguyện.
Về lộ trình, Sở đang trình, tham mưu Ủy ban Nhân dân thành phố kế hoạch sau Tết Nhâm Dần năm 2022, trong đó bao gồm lộ trình cho trẻ từ lớp 1 đến lớp 6.
Theo ông Trịnh Duy Trọng, Sở đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục chuẩn bị được đón trẻ đi học trực tiếp trở lại. Với trường hợp cơ sở thiếu giáo viên bảo mẫu, Sở chỉ đạo các cơ sở chuẩn bị điều chỉnh nhân sự, mời các giáo viên bảo mẫu quay trở lại trường; đồng thời tuyển thêm giáo viên Mầm non còn thiếu.
Trước nhiều ý kiến của phụ huynh về việc có nên mở lại cơ sở bán trú, nội trú tại trường do lo ngại yếu tố phòng dịch, ông Trịnh Duy Trọng cho rằng, hiện, không có quy định cấm các cơ sở giáo dục đăng tin tổ chức bán trú, nội trú. Tuy nhiên, trong các buổi họp giao ban gần đây, Sở có yêu cầu, khuyến cáo các cơ sở giáo dục bình thường hóa các quy định đảm bảo dạy và học cho các em, trong đó có việc mạnh dạn mở lại các cơ sở bán trú, nội trú cho học sinh.
Không bắn pháo hoa dịp Tết Âm lịch Nhâm Dần
Liên quan đến việc bắn pháo hoa, trên tinh thần thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Trung ương và Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh Võ Trọng Nam cho biết dịp Tết Âm lịch này, thành phố không tổ chức bắn pháo hoa vào đêm giao thừa.
Dựa trên cơ sở đề xuất, Thành phố Hồ Chí Minh có 18 hoạt động trong dịp Tết Âm lịch, kéo dài từ nay đến hết tháng Hai, trong đó, nhiều hoạt động nổi bật như triển lãm Mừng Xuân Nhâm Dần; gặp mặt kiều bào; hội hoa Xuân, chợ hoa Tết; chợ hoa Xuân “Trên bến, dưới thuyền”; Lễ dâng hương dâng hoa Chủ tịch Hồ Chí Minh; Lễ hội đường sách; đường hoa Nguyễn Huệ; các hoạt động mừng Xuân Nhâm Dần-mừng Đảng quang vinh; chương trình biểu diễn nghệ thuật 92 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; gặp mặt truyền thống cách mạng Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định; sân khấu hóa kỷ niệm 233 năm chiến thắng Đống Đa lịch sử…
Ngoài ra, Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục tổ chức hoạt động trang trí ánh sáng nghệ thuật đường phố trên các tuyến đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Đồng Khởi, Lê Duẩn, Nguyễn Huệ, Võ Thị Sáu, Lê Lợi. Khoảng một tuần nữa, các con đường này sẽ hoàn thiện.
Theo ông Võ Trọng Nam, để tôn vinh vai trò của bác sỹ, y tế trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, dù chưa tròn năm chẵn của ngành nghề, nhưng lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tổ chức các hoạt động nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2 để tôn vinh đóng góp của lực lượng tuyến đầu thành phố./.