TP.HCM: Không phát "giấy thông hành", sử dụng bản đồ nguy cơ với 4 màu

Theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, việc cấp giấy thông hành có thể khiến một số người dân lợi dụng giấy này để ra ngoài khi không thực sự cần thiết, làm tăng nguy cơ lây nhiễm cộng đồng.
TP.HCM: Không phát "giấy thông hành", sử dụng bản đồ nguy cơ với 4 màu ảnh 1Công an làm nhiệm vụ tại chốt kiểm soát trên Quốc lộ 1K (giáp ranh tỉnh Bình Dương). (Ảnh: Thành Chung/TTXVN)

Chiều 9/7, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức phát động thi đua cao điểm triển khai Công văn số 2279/UBND-VX của Ủy ban Nhân dân Thành phố về áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo tinh thần nội dung Chỉ thị số 16/CT-TTg và kế hoạch điều phối xét nghiệm SARS-CoV-2 trên địa bàn Thành phố.

Trước đó, ngày 8/7, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Công văn số 2279/UBND-VX về áp dụng Chỉ thị 16 trên toàn Thành phố trong 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 9/7.

Đây là lần thứ 4 Thành phố Hồ Chí Minh thay đổi, kéo dài biện pháp giãn cách xã hội. Thành phố đã trải qua 2 đợt giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15/CT-TTg  từ 31/5 đến hết 18/6 và Chỉ thị số 10 của Ủy ban Nhân dân Thành phố từ 19/6 đến 8/7.

Việc cấp “giấy thông hành” là không cần thiết

Liên quan đến kế hoạch xét nghiệm SARS-CoV-2, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Hoài Nam cho biết khi giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, để đảm bảo quy định 5K, Thành phố sẽ tổ chức cho các nhân viên y tế lấy mẫu kháng nguyên nhanh tại chỗ theo hộ gia đình, đến từng nhà dân để lấy mẫu.

Trong trường hợp gặp khó khăn khi lấy mẫu theo hộ, đặc biệt là tại các khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao, khu cách ly, phong tỏa có thể lấy mẫu gộp PCR hoặc cân nhắc cách thức khác theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các quận, huyện và thành phố Thủ Đức sao cho phù hợp với tình hình thực tế tại mỗi địa phương nhưng vẫn đảm bảo không tụ tập đông người theo tinh thần Chỉ thị 16.

Ông Nguyễn Hoài Nam cho biết, do nguyên tắc của Chỉ thị 16 là người dân ở nhà, chỉ ra ngoài khi cần thiết nên để công tác lấy mẫu xét nghiệm diễn ra nhanh chóng, những hộ gia đình có dưới 5 người sẽ chọn một người đại diện lấy mẫu; hộ gia đình có trên 5 người chọn 2 người lấy mẫu.

[Nhiều bệnh viện TW chi viện cho các cơ sở điều trị COVID-19 tại TP.HCM]

Đại diện được chọn sẽ là người thường xuyên tiếp xúc với cộng đồng, có nguy cơ cao hơn so với các thành viên khác. Sau khi lấy mẫu, người dân sẽ ở nhà để chờ kết quả, khi có F0 sẽ thu dung.

Bên cạnh đó, tổng công suất lấy mẫu xét nghiệm PCR tại các khu cách ly, phong tỏa nơi có nguy cơ rất cao hiện đang được gia tăng hàng ngày, xét nghiệm lặp lại 2-3 ngày/lần; nơi nguy cơ cao được lấy mẫu xét nghiệm lặp lại 5-7 ngày/lần.

Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã chủ động phân bổ các đội lấy mẫu cho từng địa phương cùng nhiều phân đội lấy mẫu dự phòng; trong trường hợp cần thêm nhân lực, địa phương chủ động liên hệ Sở để đề xuất tăng đội lấy mẫu.

Về vấn đề đi lại của người dân và di chuyển của các phương tiện trên địa bàn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Ngô Minh Châu cho biết Thành phố đã tái kích hoạt 12 chốt kiểm soát tại các cửa ngõ. Ngoài ra, thành phố Thủ Đức và các quận, huyện sẽ tái lập 157 chốt kiểm soát tại địa phương để thực hiện Chỉ thị 16.

Trước nhiều ý kiến đề nghị cấp “giấy thông hành” cho người dân ra ngoài khi cần thiết để lực lượng chức năng thuận lợi kiểm soát, ông Ngô Minh Châu cho rằng, qua nghiên cứu, việc này không cần thiết bởi có khả năng sau khi phát giấy đi lại, một số người sẽ lợi dụng giấy này để ra ngoài khi không thực sự cần thiết, làm tăng nguy cơ lây nhiễm cộng đồng.

Ông Ngô Minh Châu yêu cầu lực lượng kiểm soát dịch cần nắm bắt đầy đủ các quy định pháp luật và văn bản của Ủy ban nhân dân Thành phố để thực hiện kiểm soát kiên quyết nhưng phải ứng xử khéo léo nhẹ nhàng với người dân, đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ cũng như giữ mối quan hệ với nhân dân.

Mở rộng vùng xanh trên bản đồ COVID-19

Tại cuộc họp, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết qua theo dõi, đánh giá việc triển khai thực hiện Chỉ thị 16 trong ngày đầu tiên, lãnh đạo Thành phố nhận thấy các quận, huyện và thành phố Thủ Đức đã triển khai nghiêm túc tất cả các mặt công tác về phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn; đảm bảo việc cung ứng hàng hóa cho người dân; giữ vững an ninh trật tự, không để xảy ra tụ tập đông người ở khu vực công cộng.

TP.HCM: Không phát "giấy thông hành", sử dụng bản đồ nguy cơ với 4 màu ảnh 2Nhân viên siêu thị Co.opmart bổ sung mặt hàng trứng gia cầm lên quầy/kệ. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Trong những ngày tới, Thành phố mong muốn thường trực Quận ủy, Huyện ủy và Thành ủy Thủ Đức, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các quận, huyện, thành phố tập trung phân chia nhiệm vụ, lên kế hoạch cụ thể để triển khai Chỉ thị 16 đến từng khu phố, từng hộ gia đình và người dân.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi lưu ý, một trong những điểm hạn chế trong công tác phòng, chống dịch thời gian qua, cụ thể là trong việc thực hiện Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 10  của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh là người dân chưa hiểu đầy đủ, chi tiết về yêu cầu của từng chỉ thị, dẫn đến lúng túng, khó khăn khi thực hiện; kết quả đạt được chưa như mong muốn. Do đó, Thành phố đề nghị lãnh đạo địa phương trong 15 ngày tới tích cực quán triệt, động viên, tuyên truyền, vận động người dân hiểu đúng, thực hiện nghiêm Chỉ thị 16.

“Mục tiêu sau 15 ngày, Thành phố sẽ hoàn toàn kiểm soát được tình hình dịch, giảm số lượng ca nhiễm, không để xảy ra tình huống mới. Để làm được điều này, tất cả các cấp, ngành, toàn quân, toàn dân của Thành phố cần phải đồng lòng tuân thủ nghiêm túc kế hoạch điều phối xét nghiệm SARS-CoV-2 trên địa bàn, cùng các chương trình, hoạt động thi đua phòng, chống dịch theo Chỉ thị 16,” ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Về việc phát động thi đua cao điểm trong thực hiện Công văn số 2279/UBND-VX của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh Lâm Đình Thắng cho biết phong trào thi đua thực hiện Chỉ thị 16 trên địa bàn Thành phố trong 15 ngày tới có tên “Mở rộng vùng xanh trên bản đồ COVID-19.”

Mục tiêu của phong trào thi đua nhằm vận động toàn thể hệ thống chính trị, nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cùng đồng lòng, chung sức, nỗ lực tham gia đẩy lùi dịch COVID-19, giảm số F0 trong cộng đồng.

Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong vấn đề theo dõi tình hình phòng, chống dịch theo thời gian thực tế, giúp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Thành phố và các ban chỉ đạo địa phương định hướng, chỉ đạo hiệu quả cho công tác phòng, chống dịch tại từng đơn vị. 

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Thành phố Hồ Chí Minh sẽ sử dụng bản đồ nguy cơ COVID-19 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 kết hợp bản đồ của Thành phố Hồ Chí Minh để theo dõi, đánh giá phong trào thi đua tại các địa phương, đơn vị.

Bản đồ nguy cơ COVID-19 với 4 mức độ nguy cơ được thể hiện tới cấp xã trên bản đồ chống dịch với màu xanh là mức bình thường mới; màu vàng là mức nguy cơ; màu cam là mức nguy cơ cao; mức đỏ là mức nguy cơ rất cao.

Các đơn vị thi đua kéo giảm số ca phát sinh F0 trong cộng đồng hàng ngày để giảm cấp độ màu tùy theo từng địa phương với mục tiêu xanh hóa toàn bản đồ COVID-19 của Thành phố.

Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh sẽ có hình thức khen thưởng cho các tập thể nỗ lực kéo giảm các ca F0 trong cộng đồng phát sinh hàng ngày với số lượng cao và trong thời gian ngắn. Đồng thời, thành phố sẽ khen thưởng các cá nhân tham gia tích cực, hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch bệnh của địa phương, đơn vị.

Tính từ ngày 27/4 đến trưa 9/7, Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận 9.895 trường hợp mắc COVID-19 và hiện đang là địa phương có số ca mắc cao nhất cả nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục