TP.HCM: Không để phát sinh khoản thu không đúng quy định ở trường học

Tránh tình trạng lạm thu vào mỗi đầu năm học, năm học 2023-2024, lần đầu tiên các trường công lập tại TP Hồ Chí Minh thực hiện các khoản thu thống nhất theo Nghị quyết 04 Hội đồng Nhân dân Thành phố.
Lễ Khai giảng năm học mới 2023-2024 tại Trường Tiểu học Phạm Ngọc Thạch, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Năm học mới bắt đầu chưa lâu, nhiều vấn đề xảy ra trong trường học như thu không đúng quy định, sắp xếp lịch học quá tải, bố trí tiết học và hoạt động tự nguyện chưa phù hợp… lại gây bức xúc trong phục huynh và xã hội. Ngành Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh đã có những chấn chỉnh quyết liệt đối với các vấn đề này.

Thu đúng, thu đủ

Tránh tình trạng lạm thu vào mỗi đầu năm học, năm học 2023-2024, lần đầu tiên các trường công lập tại Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện các khoản thu thống nhất theo Nghị quyết 04 Hội đồng Nhân dân Thành phố quy định các khoản thu và mức thu, cơ chế quản lý thu chi đối với các dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn.

Nghị quyết đã quy định rõ 26 khoản thu với bốn nhóm gồm các khoản thu phục vụ cho hoạt động giáo dục ngoài giờ học chính khóa theo quy định; các khoản thu phục vụ cho hoạt động giáo dục thực hiện theo các đề án được phê duyệt; các khoản thu dịch vụ phục vụ cho hoạt động bán trú; các khoản thu hỗ trợ cá nhân học sinh.

Tùy tình hình thực tế, cơ sở giáo dục thống nhất với cha mẹ học sinh mức thu cụ thể nhưng không vượt quá mức thu quy định tại nghị quyết và không được cao hơn 15% so với năm học 2022-2023.

[Bộ GD-ĐT: Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lạm thu đầu năm học]

Nói về quy định mới này, ông Cao Đức Khoa, Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Huỳnh Khương Ninh (Quận 1) chia sẻ Nghị quyết là cơ sở pháp lý quan trọng, tạo thuận lợi cho các trường thực hiện công tác thu chi công khai, minh bạch.

Căn cứ vào đó, nhà trường sẽ xây dựng dự toán thu chi cho từng nội dung với mức thu phù hợp với tình hình thực tế của trường chứ không phải thu tất cả các khoản ở mức trần.

Dù tạo rất nhiều thuận lợi cho trường nhưng qua triển khai thực tế cho thấy, có mức thu còn chưa phù hợp. Cụ thể, Nghị quyết quy định mức tiền ăn trưa tối đa 35.000 đồng/suất với trường ở khu vực nhóm 1 (các quận, thành phố Thủ Đức) và 32.000 đồng/suất với trường ở khu vực nhóm 2 (các huyện còn lại).

Tuy nhiên, những trường ở khu vực trung tâm khá khó khăn trong việc cân đối để đảm bảo chất lượng bữa ăn bán trú với mức thu 35.000 đồng. Thực tế, hai năm qua trường đã thu 40.000 đồng/suất ăn và nhận được sự đồng tình cao của phụ huynh. Năm nay, khi điều chỉnh theo quy định, phụ huynh cũng bày tỏ mong muốn tăng mức như mức thu cũ.

Mặt khác, có ý kiến cho rằng việc quy định mức thu tiền ăn còn bất cập khi quy định chung cho các bậc học trong khi sự phát triển thể lực, sức khỏe, nhu cầu lứa tuổi của các em khác nhau. Một số trường đề xuất có thể nghiên cứu điều chỉnh mức thu tiền ăn theo từng bậc học và tăng lên ở cho khu vực trung tâm.

Dù các khoản thu trong trường công lập đã được quy định rõ ràng, tại Thành phố Hồ Chí Minh vẫn xảy ra tình trạng thu chi không đúng quy định, không hợp lý, gây bức xúc trong phụ huynh và xã hội.

Thực tế cho thấy, 26 khoản mà trường học được thu đã được quy định rõ ràng nên các trường khó có thể làm sai. Các khoản thu sai quy định xảy ra trong trường học chủ yếu xuất phát từ việc vận động nguồn thu xã hội hóa, cụ thể là từ phụ huynh học sinh mà không có sự đồng thuận.

Theo quy định, nếu có nhu cầu vận động nguồn thu xã hội hóa để thực hiện công trình, hạng mục trong nhà trường, lãnh đạo nhà trường phải xây dựng đề án cụ thể trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt, sau đó công khai thông tin rộng rãi để huy động nguồn tài trợ.

Đối tượng vận động tài trợ rất đa dạng chứ không chỉ là phụ huynh song ở nhiều trường lại “đẩy” về cho lớp thực hiện, quá trình vận động phụ huynh dễ phát sinh việc thu không đúng quy định, gây bức xúc.

Ngoài ra, nhiều trường, nhiều lớp còn nhập nhằng giữa các quy định trong Thông tư 16 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và Thông tư 55 về Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh.

Liên quan đến công tác thu chi của các trường công lập, ông Trần Khắc Huy, Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh các trường không để phát sinh các nguồn thu bất hợp lý, không thu quỹ lớp, quỹ trường.

Dù đã có hướng dẫn việc thực hiện các khoản thu, nhưng một số đơn vị chưa thực hiện nghiêm, tạo dư luận không tốt về vấn đề này. Các trường cần nghiên cứu kỹ Nghị quyết 04 của Hội đồng Nhân dân Thành phố, trong đó phải đảm bảo thu đúng tên 26 nội dung thu của 4 nhóm đã được quy định rõ ràng, các trường không được đặt tên thêm hoặc bổ sung thêm các khoản thu khác sai quy định.

Tất cả 26 khoản thu trong Nghị quyết này là mức tối đa, các trường phải xây dựng dự toán thu chi cho từng nội dung phù hợp chứ không phải đều thu ở mức trần; tổ chức thu đúng quy định, thu đủ, chi đủ, không phát sinh khoản dư của các nội dung này.

Về việc chấn chỉnh công tác thu chi ở các trường công lập, Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh Hồ Tấn Minh nhấn mạnh Hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm về tất cả các hoạt động thu trong nhà trường, không thể có chuyện trong trường có nguồn thu mà Hiệu trưởng không biết.

Trước khi thu, trường phải có dự toán mức thu như thế nào và công khai rõ ràng cho phụ huynh về mục đích thu, chi. Đơn vị nào làm sai quy định, không đúng quy trình thì sẽ bị xử lý nghiêm.

Tránh quá tải cho học sinh

Triển khai Chương trình Giáo dục Phổ thông 2018 với khung chương trình thống nhất, các cơ sở giáo dục tổ chức thực hiện theo điều kiện và nhu cầu thực tế của đơn vị. Bên cạnh các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, trường học tổ chức thêm nhiều hoạt động phát triển năng lực, kỹ năng theo các chương trình, đề án để học sinh đăng ký tham gia.

Hoạt động dạy và học tại Trường Trung học Cơ sở Sương Nguyệt Anh, quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thu Hoài/TTXVN)

Tại một số trường trung học dạy học 2 buổi/ngày, việc bố trí thời khóa biểu có thể quá số tiết trong một ngày theo quy định khiến phụ huynh lo ngại học sinh bị quá tải. Sau khi nhận phản ánh, Sở Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu tất cả trường làm đúng quy định; với học sinh học 2 buổi/ngày các trường trung học chỉ được xếp thời khóa biểu tối đa 8 tiết/ngày và không quá 7 tiết/ngày với học sinh tiểu học.

Dù phải điều chỉnh thời khóa biểu theo đúng quy định, nhưng theo lãnh đạo một số trường Trung học phổ thông, nếu xếp thời khóa biểu không quá 8 tiết mỗi ngày, học sinh sẽ phải học vào thứ Bảy.

Đề cập đến việc này, ông Đỗ Đình Đảo, Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Hữu Thọ (Quận 4) chia sẻ ngoài chương trình chính khóa, trường cũng thực hiện các đề án dạy tin học theo chuẩn quốc tế, dạy học ngoại ngữ, tăng cường thể dục thể thao...

Các chương trình này triển khai đều phải dựa trên sự đồng thuận của cha mẹ học sinh song nhà trường cũng gặp khó trong việc sắp xếp thời khóa biểu cho các môn học.

Cụ thể, các môn học và hoạt động bắt buộc theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 trung bình 30 tiết/tuần, thêm vào đó là các tiết học buổi 2, các tiết theo chương trình nhà trường, tổng cộng lên đến trên 40 tiết/tuần.

Nếu thực hiện đúng quy định thời khóa biểu không quá 8 tiết/ngày thì học sinh phải học thêm cả ngày thứ Bảy. Khi được lấy ý kiến, đa phần phụ huynh đồng thuận cho con học nhiều tiết hơn để được nghỉ ngơi cả hai ngày cuối tuần.

Vì thế, trường đề xuất Sở có cơ chế mở cho các trường trong việc sắp xếp thời khóa biểu phù hợp với tình hình thực tế, trên cơ sở đồng thuận của phụ huynh và học sinh.

Trao đổi về góc độ chuyên môn, ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng quy định về số tiết học tối đa mỗi ngày đối với các lớp 2 buổi/ngày đã được nghiên cứu kỹ để đảm bảo hiệu quả tiếp thu của học sinh.

Việc dạy học và sắp xếp thời khóa biểu phải vừa sức học sinh, nếu quá tải sẽ không hiệu quả trong việc học. Việc tăng tiết sẽ khiến học sinh quá tải, vì thế các trường cần cân đối sắp xếp thời khóa biểu hợp lý. Ví dụ, học sinh cuối cấp, nếu đã tăng thời gian học và ôn thi thì nên giảm các tiết học theo chương trình, đề án.

Sắp xếp thời khóa biểu các tiết học ngoài giờ chính khóa, chương trình liên kết cũng là vấn đề nhiều phụ huynh quan tâm. Theo một số phụ huynh, những giờ học được tổ chức trên tinh thần tự nguyện đăng ký nhưng lại xếp lịch vào giờ chính khóa khiến phụ huynh băn khoăn.

Nếu không cho con học cũng khó có lựa chọn khác, còn nếu chọn học, bên cạnh việc phát sinh thêm chi phí cũng có thể khiến các em bị quá tải.

Trước phản ánh của phụ huynh, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường triển khai hoạt động ngoài giờ chính khóa trên tinh thần tự nguyện, tổ chức theo nhu cầu của phụ huynh. Các trường không gây quá tải hoặc ép học sinh tham gia; không xếp lịch các hoạt động giáo dục tự nguyện vào giờ học chính khóa nếu trong lớp học có những học sinh không có nhu cầu đăng ký tham gia.

Ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh nhìn nhận trước đây, học sinh chỉ đơn thuần học kiến thức từ sách giáo khoa thì ngày nay cùng với sự phát triển của xã hội, học sinh cần được bổ trợ kiến thức, kỹ năng.

Vì thế, các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, đề án về tin học, ngoại ngữ... được đưa vào nhà trường nhằm giúp học sinh phát triển toàn diện. Việc này là cần thiết nhưng thực tế triển khai cũng gặp một số khó khăn như đảm bảo sự cân đối trong tổ chức các chương trình, đề án nâng cao năng lực học sinh và khi triển khai phải có sự đồng thuận của cha mẹ học sinh, của giáo viên, tất cả đều hướng đến học sinh.

Để triển khai hiệu quả các hoạt động giáo dục, các trường cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để có sự đồng thuận trong cả giáo viên, phụ huynh, học sinh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục