​TP.HCM hỗ trợ, tư vấn sức khỏe tinh thần miễn phí cho người dân

Mục tiêu của chương trình nhằm ổn định an sinh tinh thần trong và sau đại dịch, hạn chế thấp nhất các tổn thương tinh thần do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 gây ra.
​TP.HCM hỗ trợ, tư vấn sức khỏe tinh thần miễn phí cho người dân ảnh 1Bác sỹ Quân y Học viện Quân y (thứ 2 từ trái sang) thăm khám cho người dân tại đường Đất Thánh, phường 6, quận Tân Bình. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

Ngày 5/9, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã khởi động chương trình “Vaccine tinh thần.”

Đây là chương trình hỗ trợ, tư vấn sức khỏe tinh thần miễn phí cho người dân trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Cùng với nhiều hoạt động truyền thông được triển khai, chương trình thực hiện tư vấn miễn phí trực tiếp qua tổng đài 0987111801 hoặc cổng thông tin 1022.

Kết quả nghiên cứu của nhóm giảng viên Khoa Tâm lý học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 8 vừa qua cho thấy trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, nhiều người dân cảm thấy lo âu, trầm buồn, căng thẳng, stress, buồn chán, bứt rứt, cáu gắt, mất hứng thú, mất động lực, khó tập trung, đau đầu, mất ngủ… và có nhu cầu được hỗ trợ tâm lý rất cao.

Trong đó, bệnh nhân, thân nhân, người lao động và học sinh, sinh viên là những nhóm dễ chịu tổn thương bởi COVID-19, có nhu cầu được hỗ trợ, trấn an tâm lý, tinh thần để vượt qua đại dịch.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, bên cạnh việc tiêm vaccine như một giải pháp phòng ngừa bệnh tật, con người cần có thêm "vaccine tinh thần" để có được hệ miễn dịch toàn diện để ứng phó với đại dịch COVID-19.

[Không có sự tăng đột biến số ca nhiễm trong ngày tại TP.HCM]

Chương trình tiếp cận hỗ trợ theo hướng toàn diện, từ ngăn ngừa, can thiệp chữa trị đến hỗ trợ phục hồi, hướng tới động viên sức mạnh tinh thần, củng cố niềm tin, giải quyết các vấn đề tâm lý của người dân, đội ngũ y tế và lực lượng tuyến đầu.

Mục tiêu của chương trình nhằm ổn định an sinh tinh thần trong và sau đại dịch, hạn chế thấp nhất các tổn thương tinh thần do ảnh hưởng của dịch bệnh gây ra.

Chương trình dự kiến được triển khai đến cuối năm 2022 hoặc kéo dài tùy vào tình hình diễn tiến của đại dịch với 3 nhóm nội dung chính gồm phòng ngừa phổ quát nâng cao sức khỏe tinh thần; tham vấn và trị liệu tâm lý; hỗ trợ tái hòa nhập hậu COVID-19.

Với nội dung phòng ngừa phổ quát nâng cao sức khỏe tinh thần sẽ hỗ trợ và tư vấn khẩn cấp cho người có nguy cơ thấp, giáo dục và truyền thông các chiến lược ứng phó với tác động tiêu cực của dịch.

Các hoạt động sẽ được triển khai gồm hội thảo trực tuyến, đào tạo nâng cao năng lực cho các nhóm cộng đồng dân cư trong phòng ngừa các vấn đề sức khoẻ tâm thần; phối hợp thực hiện chương trình radio Tâm an vượt qua đại dịch, phát sóng trên Đài tiếng nói Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh; phối hợp với Báo Tri thức và Cuộc sống xuất bản các bài viết tư vấn tâm lý, các chủ đề hỗ trợ về sức khỏe tâm lý…

Đặc biệt, các chuyên gia của chương trình sẽ thực hiện tư vấn và hỗ trợ khủng hoảng tâm lý thông qua fanpage chương trình hoặc cổng thông tin 1022.

Với nội dung tham vấn và trị liệu tâm lý, chương trình nhằm hỗ trợ người dân có nguy cơ vừa, trung bình đến cao.

Nhóm đối tượng này có thể là người có các biểu hiện bệnh lý về lo âu, trầm cảm, nguy cơ tự tử, bị sang chấn vì nhiễm bệnh hoặc mất người thân do COVID-19.

Cùng với đó, các chuyên gia của chương trình sẽ tư vấn cho người dân tại các khu vực cách ly, khu vực đang chữa trị; tham vấn tâm lý cho người dân có nhu cầu thông qua tổng đài 0987111801.

Trường hợp cá nhân gặp bệnh lý nặng sẽ được hỗ trợ tham vấn, trị liệu lâu dài.

Chương trình cũng triển khai các hoạt động hỗ trợ cho người dân tái phục hồi sau khi được can thiệp, giúp họ tìm thấy nguồn lực để phát triển.

Với những cá nhân tham gia trị liệu tại chương trình sẽ được tái đánh giá sức khỏe tinh thần, khả năng phục hồi và tăng trưởng của sau 3 tháng kể từ ngày kết thúc can thiệp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục