TP.HCM: Hỗ trợ hàng triệu lao động tiếp cận các gói chính sách

Bảo hiểm xã hội thành phố giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ 0,5% xuống 0% từ ngày 1/7/2021 đến 30/6/2022 cho hơn 101.300 đơn vị doanh nghiệp với hơn 2,3 triệu lao động.
Tặng quà cho lao động nghèo, gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 tại phường Hiệp Thành, quận 12. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

Ngày 9/9, Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh đã thông tin nhanh tình hình hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết 68, Quyết định 23 của Chính phủ và Nghị quyết 09 của Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

Bảo hiểm xã hội thành phố đã giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất cho hơn 190 đơn vị doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, với hơn 37.300 lao động tạm dừng đóng số tiền hơn 290 tỷ đồng.

Đồng thời, Bảo hiểm xã hội thành phố giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ 0,5% xuống 0% từ ngày 1/7/2021 đến 30/6/2022 cho hơn 101.300 đơn vị doanh nghiệp với hơn 2,3 triệu lao động với tổng số tiền hơn 1.060 tỷ đồng để doanh nghiệp hỗ trợ người lao động phòng, chống dịch COVID-19.

Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã phối hợp cùng Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố xác nhận cho 19.657 đơn vị với 296.640 lao động nghỉ việc không lương, tạm hoãn hợp đồng lao động, không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp.

Điều này giúp người lao động được nhận hỗ trợ từ 1,8 triệu đồng đến 3,71 triệu đồng theo Nghị quyết 68 của của Chính phủ; giúp cho doanh nghiệp và người lao động giải quyết phần nào khó khăn để cùng vượt qua đại dịch.

Liên quan đến vấn đến bảo hiểm trong thời gian giãn cách xã hội kéo dài, ông Phan Văn Mến, Giám đốc Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh cho biết đơn vị đã có hướng dẫn cụ thể nhằm tạo thuận lợi cho người dân thành phố được khám chữa bệnh và thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Bệnh nhân tại các khu vực bị cách ly, phong tỏa được khám chữa bệnh ở bất kỳ cơ sở khám chữa bệnh nào vẫn được hưởng đầy đủ quyền lợi khi tham gia bảo hiểm y tế theo luật định.

“Đặc biệt, các bệnh nhân mắc bệnh mãn tính, ngành y tế thành phố chỉ đạo tổ chức quản lý khám, cấp thuốc tại các cơ sở tuyến dưới đủ năng lực hoặc khám chữa bệnh từ xa; cấp thuốc qua người thân hoặc gửi bưu điện tới người bệnh, đồng thời thực hiện chuyển tuyến người bệnh theo yêu cầu chuyên môn và khả năng tiếp nhận của tuyến trên," ông Mến cho biết.

Theo ông Phan Văn Mến, bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện dã chiến, cơ sở thu dung điều trị COVID-19, khi khám chữa bệnh được ngân sách chi trả.

Nếu bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế mắc các bệnh khác thì được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán, tuyệt đối không để người bệnh phải tự chi trả chi phí khám chữa bệnh thuộc phạm vi quyền lợi và mức hưởng bảo hiểm y tế.

Người bệnh có bảo hiểm y tế được làm các xét nghiệm chẩn đoán COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế và được quỹ bảo hiểm y tế hoặc ngân sách nhà nước chi trả theo quy định./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục