TP.HCM hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng KHCN

TP.HCM đã có 70 doanh nghiệp báo cáo lập Quỹ phát triển khoa học-công nghệ doanh nghiệp; trong đó có 29 doanh nghiệp trích lập quỹ, với tổng số tiền 380 tỷ đồng.

Ngày 13/6, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân đã chủ trì buổi làm việc với các sở ngành và các tổng công ty, doanh nghiệp trực thuộc Ủy ban Nhân dân thành phố về Chương trình ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp nhằm mở rộng thị trường của các doanh nghiệp trong điều kiện hiện nay.

Tại cuộc họp, ông Lê Hoàng Quân, đề nghị các sở ngành, các viện, trường của thành phố tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh, tránh tình trạng mạnh ai nấy làm... Đồng thời, cần tăng cường liên kết giữa các viện, trường với các doanh nghiệp; trong đó các doanh nghiệp cần chủ động hơn nữa trong việc liên kết với các viện, trường trong phát triển khoa học công nghệ.

Với tình hình kinh tế khó khăn hiện nay, Chủ tịch Lê Hoàng Quân chỉ đạo các sở ngành, doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh liên kết để phát triển, hợp tác với thị trường các nước để không lệ thuộc một thị trường duy nhất. Hiện hàng hóa của Việt Nam đã đi đến 160 nước nên các doanh nghiệp tiếp tục nghiên cứu, đẩy mạnh các hợp tác mới; trong đó cần chú ý các thị trường lớn, thị trường mới.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố cũng đề nghị Sở Công Thương thành phố cùng các ngành, phối hợp với các viện, trường, nghiên cứu hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ để nghiên cứu nhập khẩu các thiết bị tiên tiến phục vụ cho sản xuất cũng như sản xuất các sản phẩm có chất lượng phục vụ cho các hoạt động trong xuất, nhập khẩu của thành phố đạt hiệu quả cao; doanh nghiệp phối hợp với các viện, trường, sở, ngành để đào tạo, xây dưng nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất hàng hóa chất lượng cao, tạo điều kiện cho phát triển các thị trường mới.

Theo Sở Khoa học và Công nghệ thành phố, trong những năm qua, việc đầu tư, đổi mới công nghệ phục vụ sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố đã có kết quả tích cực, nâng cao cả về chất lượng và số lượng.

Từ năm 2008-2013, Chương trình chế tạo thiết bị sản phẩm thay thế nhập khẩu của Ủy ban Nhân dân thành phố đã có sức lan tỏa rất lớn, 13 doanh nghiệp đã tham gia đầu tư 64,9 tỷ đồng cho chương trình chế tạo thiết bị, sản phẩm thay thế nhập khẩu; 100% đề tài, dự án của Chương trình chế tạo thiết bị sản phẩm thay thế nhập khẩu đều có địa chỉ ứng dụng tại doanh nghiệp; trong đó 82,7% các dự án thực hiện thuộc các ngành ưu tiên của thành phố như cơ khí, điện tử-công nghệ thông tin, hóa dược, nhựa-cao su...

Bên cạnh đó, chương trình chế tạo robot đã từng bước giúp doanh nghiệp tiếp cận khoa học công nghệ trong các lĩnh vực điện tử, cơ khí, công nghệ thông tin nhằm tiến tới làm chủ công nghệ tự động hóa trong sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ...

Về xây dựng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp, tính đến nay đã có 70 doanh nghiệp đã báo cáo thành lập Quỹ với Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh. Cụ thể, có 29 doanh nghiệp đã trích lập quỹ với tổng số tiền 380,7 tỷ đồng, trong đó quỹ đã chi cho đầu tư cho đổi mới công nghệ, thiết bị,.. với tổng cộng 124,3 tỷ đồng.

Theo đánh giá của ông Phan Minh Tân, Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp trên địa bàn đã dần quan tâm đến việc trích lập quỹ để đầu tư cho các hoạt động khoa học và công nghệ của chính doanh nghiệp nhằm phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả. Vì vậy, nếu thu hút được nhiều doanh nghiệp thành lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ thì đây là nguồn lực đáng kể lớn hơn nhiều so với nguồn ngân sách thành phố đầu tư cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới công nghệ.

Mặc dù việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất của các doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh đã đạt được nhiều kết quả, nhiều mô hình ứng dụng thành công như Công ty cao su Thống Nhất, Tổng công ty công nghiệp Sài Gòn… nhưng trên thực tế, số doanh nghiệp tham gia chương trình còn ít.

Nhiều ý kiến cho rằng, tái cấu trúc doanh nghiệp hiện nay còn khó khăn do khả năng tài chính doanh nghiệp hạn chế; vấn đề hàng gian, hàng lậu, hàng giả, kém chất lượng, tình trạng gian lận thuơng mại đã cản trở doanh nghiệp đầu tư, ứng dụng khoa học vào các mặt hàng chất lượng cao. Hơn nữa, chính sách thu hút chuyên gia tại các viện, trường để hỗ trợ, đào tạo cho các doanh nghiệp vẫn còn hạn chế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục