Rà soát và ước tính sản lượng các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, đảm bảo nguồn cung phù hợp với sức tiêu thụ thực tế và tránh tình trạng dự trữ lượng hàng không đủ hoặc quá lớn so với nhu cầu tiêu dùng.
Đây là mục tiêu hướng đến của các sở, ngành Thành phố Hồ Chí Minh và doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trong chiến lược cung ứng hàng hóa phục vụ Tết năm nay.
Sản lượng vượt kế hoạch
Vào thời điểm này nhiều đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đang khẩn trương hoàn thành các giai đoạn chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014.
Ông Phạm Thanh Hùng, Phó Giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn Ba Huân, chia sẻ mặc dù công bố lượng hàng hóa chuẩn bị cho mùa Tết năm nay có tổng giá trị trên 71 tỷ đồng, nhưng thực tế chuẩn bị cao hơn rất nhiều, nhằm đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa cho thị trường, phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân. Hướng đến phát triển sản xuất, kinh doanh bền vững, Công ty Ba Huân đang tập trung vào hai khâu quan trọng gồm tạo nguồn cung và lưu thông, phân phối hàng hóa. Riêng ở khâu tạo nguồn cung luôn duy trì đẩy mạnh liên kết với các hộ chăn nuôi, đồng thời chú trọng ứng dụng, đầu tư công nghệ hiện đại trong phát triển con giống, gia cầm…
Đại diện Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) cho biết họ đã chuẩn bị hơn 4.600 tấn hàng hóa gồm hơn 12.000 tấn lương thực; 8.000 tấn thịt gia súc, gia cầm; 3.600 tấn thực phầm chế biến và 16.000 tấn rau củ, quả với tổng trị giá khoảng 3.900 tỷ đồng để phục vụ người tiêu dùng.
Theo ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan), đơn vị này đã chuẩn bị lượng hàng hóa tăng 20% so với cùng kỳ năm trước, với tổng giá trị khoảng 853 tỷ đồng. Một số đơn vị khác như Công ty cổ phần Thực phẩm Công nghệ Sài Gòn chuẩn bị khoảng 195 tỷ đồng hành hóa, Công ty trách nhiệm hữu hạn Phạm Tôn 287,4 tỷ đồng…
Hiện tại, tổng giá trị hàng hóa của các doanh nghiệp chuẩn bị cho hai tháng trước và sau Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014 đạt khoảng 7.581 tỷ đồng, tăng hơn 40% so với Tết Quý Tỵ 2013; trong đó, tổng giá trị hàng hóa chuẩn bị cho nguồn hàng bình ổn thị trường là 4.900 tỷ đồng, tăng 1.879 tỷ đồng, tăng gần 63% so với năm trước.
Đối với chín nhóm mặt hàng lương thực, thực phẩm phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, hầu hết các doanh nghiệp đều nhận định có khả năng cung ứng vượt kế hoạch được giao, tăng bình quân 114% và có khả năng chi phối từ 30-60% nhu cầu tiêu dùng của thị trường thành phố.
Điển hình khả năng cung ứng mặt hàng lương thực (gạo, nếp, mì, bún khô) trong tháng Tết trên 15.000 tấn; đường 6.186 tấn; thịt gia súc trên 5.800 tấn; trứng gia cầm hơn 40 triệu quả; rau củ, quả trên 4.500 tấn...
Về giải pháp triển khai cung ứng các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014 tại thành phố, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, nhấn mạnh từ nay đến cuối năm là thời điểm quan trọng cho việc chuẩn và phục vụ hàng Tết, vì vậy Sở Công Thương cần phối hợp với các sở, ngành liên quan theo dõi tình hình cung-cầu hàng hóa, bám sát diễn biến giá cả trên thị trường.
Các sở, ngành sẽ là đơn vị làm cầu nối, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng mối liên kết chặt giữa các bên gồm chủ vườn, chủ trại-nhà sản xuất, kinh doanh-nhà phân phối, đại lý để chủ động ở khâu cân đối cung-cầu hàng hóa và có chiến lược kinh doanh phù hợp với nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó, để đảm bảo mục tiêu ổn định thị trường hàng hóa trong thời điểm Tết Nguyên đán 2014, các doanh nghiệp phải cam kết và thực hiện nghiêm túc về giá bán, nguồn hàng, hệ thống phân phối…
Tích cực liên kết mở rộng điểm bán
Theo Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, Chương trình bình ổn các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu của thành phố đã phát triển khoảng 3.240 điểm bán, tăng thêm 174 điểm bán so với đầu năm 2013.
Đặc biệt, hầu hết các doanh nghiệp đều chú trọng củng cố và phát triển bền vững điểm bán trong khu vực nội thành; tăng cường giới thiệu hàng hóa vào hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi; mở rộng hệ thống phân phối hàng bình ổn ra các quận, huyện ngoại thành, khu chế xuất-khu công nghiệp, địa bàn đông dân cư; trong đó có thể kể đến sự tham gia tích cực của một số đơn vị như Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra), Saigon Co.op, Vissan, Ba Huân, Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố, Thành Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh…
Trong 10 tháng năm 2013, Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố vận động các tiểu thương phát triển hơn 690 điểm bán hàng bình ổn, đồng thời phối hợp cùng Saigon Co.op mở khoảng 63 cửa hàng Co.op. Riêng Thành Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh liên kết với Saigon Co.op và Satra triển khai các điểm bán hàng bình ổn tại khu vực ngoại thành, khu lưu trú công nhân.
Ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan, cho biết tính đến thời điểm này, công ty Vissan đã tiến hành mở mới hơn 30 điểm bán; đồng thời từ nay đến hết năm 2013 sẽ tiếp tục phát triển cửa hàng giới thiệu sản phẩm, điểm bán ra các khu dân cư, tiến đến hoàn thiện việc tái cấu trúc hệ thống mạng lưới phân phối. Ngoài ra, Công ty Vissan cũng tích cực tham gia đưa sản phẩm vào các trường học, bệnh viện, khu chế xuất-khu công nghiệp; đồng thời thực hiện nhiều chuyến bán hàng lưu động tại vùng sâu, vùng xa…
Hiện nay, tổng đàn gia cầm của Công ty Ba Huân gồm con giống, gia cầm đẻ trứng, gia cầm lấy thịt… đạt khoảng 500.000 con và mỗi ngày cung ứng ra thị trường 200.000 quả trứng các loại. Từ đầu năm 2013, Công ty Ba Huân đã triển khai chỉnh trang lại hệ thống lưu thông, phân phối hàng hóa tại các siêu thị, chợ truyền thống, cửa hàng, điểm bán.
Ông Phạm Thanh Hùng, Phó Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Ba Huân nhận định với hệ thống hơn 300 điểm bán sẽ là điều kiện thuận lợi cho sản phẩm của Công ty Ba Huân lưu thông rộng khắp trên các địa bàn khu dân cư, khu chế xuất-khu công nghiệp, bệnh viện… Đặc biệt là tại các điểm bán này còn đang tích cực phát triển thêm những mặt hàng mới ngoài trứng gia cầm như thịt gà, gạo.
Bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết dự kiến đến hết Tết Nguyên đán Giáp Ngọ năm 2014, thành phố sẽ phát triển thêm khoảng 500 điểm bán, tổ chức hơn 650 chuyến bán hàng lưu động, đồng thời nâng cao chất lượng hàng hóa và dịch vụ phục vụ người dân trên địa bàn.
Đặc biệt vào giai đoạn cao điểm phục vụ hàng Tết, các doanh nghiệp sẽ tăng tần suất các chuyến bán hàng lưu động, chú trọng khu vực đông dân cư, quận, huyện ngoại thành, khu chế xuất-khu công nghiệp; trong đó, Saigon Co.op sẽ phối hợp cùng các đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố triển khai 150 chuyến bán hàng lưu động với giá trị trên 20 tỷ đồng để phục vụ bà con vùng sâu và công nhân các khu công nghiệp, khu chế xuất./.