TP.HCM: Hai giải pháp ứng phó với biến chủng Omicron trong dịp Tết

Lo ngại về biến chủng Omicron trong dịp Tết Nguyên đán năm 2022, Thành phố Hồ Chí Minh đang giám sát chặt chẽ các bước kiểm soát dịch COVID-19 như kiểm soát người nhập cảnh, tăng cường ở các cửa khẩu.
(Ảnh minh họa: Thanh Vũ/TTXVN)

Lo ngại về biến chủng Omicron trong dịp Tết Nguyên đán năm 2022, Thành phố Hồ Chí Minh đang giám sát chặt chẽ các bước kiểm soát dịch COVID-19 như kiểm soát người nhập cảnh, tăng cường ở các cửa khẩu.

Đây là nội dung nổi bật được ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC) đưa ra trong cuộc họp thông tin phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế định kỳ tại thành phố, ngày 17/1.

Theo ông Nguyễn Hồng Tâm, hiện khách nhập cảnh Việt Nam phải có giấy xét nghiệm RT-PCR âm tính trong 72 giờ, đồng thời test nhanh âm tính 2 lần trước khi lên và sau khi xuống máy bay.

Trong nội địa, HCDC sẽ tiến hành tầm soát ca mắc biến chủng Omicron ở khu có nhiều người nhập cảnh hoặc số ca tăng bất thường. 

Trong thời gian tới, thành phố tiếp tục thực hiện các phương pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Bộ Y tế. Bên cạnh đó, HCDC đã và đang test nhanh COVID-19 cho tất cả người nhập cảnh tại sân bay Tân Sơn Nhất để tầm soát dịch. 

Nếu kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2, người bệnh sẽ được chuyển đến Bệnh viện dã chiến số 12 cách ly. Sau đó, các chuyên gia y tế sẽ tiến hành giải trình tự gen để xác định biến chủng và điều trị. 

[Thành phố Hồ Chí Minh phát hiện thêm 18 ca nhiễm biến chủng Omicron]

Ngoài ra, ở những khu vực bỗng nhiên có số ca F0 tăng nhanh, hay có dấu hiệu dịch bệnh nổi trội, nhân viên y tế sẽ lấy mẫu xét nghiệm để tầm soát, nếu cần thiết sẽ giải trình tự gen xác định biến chủng, quyết tâm không để Omicron lây lan trong cộng đồng. 

Sau Tết Nguyên đán, người dân quay lại Thành phố Hồ Chí Minh làm việc, học tập cũng phải tuân thủ quy tắc 5K. Dù dịch COVID-19 đang được kiểm soát tốt nhưng người dân cũng phải đảm bảo theo chủ trương thích ứng, an toàn.

Khi một người có triệu chứng hay yếu tố dịch tễ, yếu tố nghi ngờ sẽ được xét nghiệm COVID-19 và đưa vào quản lý chứ không phải ai quay trở lại thành phố sau Tết cũng phải cách ly, quản lý. 

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trước thềm Tết Nguyên đán, đơn vị này đã có văn bản gửi đến các đơn vị về việc sắp xếp, cơ cấu lại bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19.

Trong văn bản này, Sở Y tế nhận định tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố bước đầu được kiểm soát, số ca mắc mới và tử tiếp tục giảm. Hiện số lượng người bệnh điều trị tại các cơ sở y tế dã chiến chiếm khoảng 10% đến 30% công suất giường bệnh. 

(Ảnh minh họa: Thanh Vũ/TTXVN)

Tuy nhiên, sự xuất hiện của biến chủng Omicron có nguy cơ làm bùng phát dịch bệnh trở lại. Do đó, Sở Y tế sẽ sắp xếp lại hoạt động các bệnh viện dã chiến trong giai đoạn nghỉ Tết Nguyên đán. Nhân viên y tế, nhân viên khác sẽ tạm thời trở về công tác tại đơn vị chủ quản. Việc này cũng tạo điều kiện cho nhân viên y tế tham gia chống dịch có thời gian phục hồi sức khỏe đồng thời luôn sẵn sàng ứng phó khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng đề nghị lãnh đạo các bệnh viện luôn sẵn sàng lực lượng tham gia công tác phòng, chống dịch trong vòng 24 giờ khi Sở chỉ đạo kích hoạt lại hoạt động của các bệnh viện dã chiến. 

“Bệnh viện dã chiến số 12 được phân công tiếp nhận khách nước ngoài, điều trị ca bệnh nhiễm Omicron. Bệnh viện này sẽ tiếp tục hoạt động và được bố trí thêm lực lượng khác để hỗ trợ. Suốt thời gian Tết Nguyên đán, các cơ sở y tế điều trị COVID-19 tại thành phố đảm bảo hoạt động xuyên suốt, đề phòng tình huống biến chủng Omicron phức tạp,” bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai nói.

Về tình hình dịch bệnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện thành phố đang điều trị 3.631 bệnh nhân, trong đó có 75 trẻ em dưới 16 tuổi, 270 bệnh nhân nặng đang thở máy, 17 bệnh nhân can thiệp ECMO. 

Nhìn qua biểu đồ cho thấy, số ca nhập viện giảm dần. Cụ thể, ngày 12/1 có 275 trường hợp nhập viện, ngày 13/1 xuống còn 245 trường hợp; ngày 14/1 giảm xuống 218; ngày 15/1 giảm xuống còn 168 và trong ngày 16/1 chỉ còn 123 trường hợp nhập viện. 

Tương tự, số ca tử vong tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng giảm liên tục trong thời gian qua. Cụ thể, ngày 12/1 ghi nhận 19 trường hợp tử vong; ngày 13/1 có 15 trường hợp; ngày 14/1 có 16 trường hợp; ngày 15/1 ghi nhận 15 trường hợp và ngày 16/1 số ca tử vong xuống còn 12 trường hợp. 

Ông Phạm Đức Hải, Phó Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, mặc dù trong những ngày qua, số ca mắc mới, số ca nhập viện và số ca tử vong giảm, tuy nhiên người dân cần tiếp tục cảnh giác thực hiện tốt 5K, tuyệt đối không chủ quan, lơ là. 

“Ngày Tết gần đến đồng nghĩa với những hoạt động tiếp xúc gần, các hoạt động giao lưu ngày càng tăng. Do đó, người dân cần phải cảnh giác hơn nữa để giữ vững được thành quả mà thành phố đã đạt được,” ông Phạm Đức Hải nhấn mạnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục