Dự án xây dựng tuyến metro số 1 Thành phố Hồ Chí Minh (Bến Thành-Suối Tiên) đã đạt tổng khối lượng hơn 95%.
Khó khăn vướng mắc của dự án cũng đang được từng bước tháo gỡ, với mục tiêu hoàn thành dự án cuối năm 2023 và đưa vào khai thác năm 2024.
Gỡ khó cho công ty vận hành
Cuối tháng Sáu vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã chủ trì cuộc họp nghe báo cáo về vốn điều lệ của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Đường sắt đô thị số 1 Thành phố Hồ Chí Minh (Công ty HURC1). Doanh nghiệp được thành lập nhằm vận hành khai thác khi metro Bến Thành-Suối Tiên đi vào hoạt động, đã gặp khó khăn suốt 2 năm qua do thiếu kinh phí hoạt động.
Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa được Văn phòng Chính phủ thông báo nhấn mạnh việc bảo đảm nguồn lực để duy trì hoạt động, tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật và công nghệ đáp ứng tiến độ vận hành khai thác thương mại tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành-Suối Tiên của Công ty là cần thiết, cấp bách.
Năm 2015, Ủy ban Nhan dân Thành phố Hồ Chí Minh trình Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Đường sắt đô thị số 1 Thành phố Hồ Chí Minh và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý. Tháng 12/2015, Ủy ban Nhân dân thành phố ban hành quyết định thành lập công ty, vốn điều lệ là 14 tỷ đồng.
Giai đoạn trình hồ sơ đề nghị thành lập Công ty, dự án tuyến metro số 1 có kế hoạch khai thác từ năm 2018 nhưng dự án đến nay chưa thể hoàn thành. Gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, với thời gian hoàn thành thi công là cuối quý 4 năm nay.
Các nhà thầu đã có kế hoạch và yêu cầu cung cấp nhân sự để triển khai đào tạo, chuyển giao công nghệ theo dự án. Tuy nhiên, do công ty vận hành metro số 1 chưa có kinh phí hoạt động nên chưa đáp ứng được yêu cầu về cung cấp nhân sự. Điều này ảnh hưởng đến việc hoàn thành, đưa dự án vào vận hành, khai thác.
[TP.HCM mở thêm 22 tuyến xe buýt kết nối metro Bến Thành-Suối Tiên]
Trong báo cáo khẩn gửi Bộ Tài chính hồi tháng Tư vừa qua, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết Công ty HURC1 đang đứng trước nguy cơ phải tạm dừng hoạt động vì thiếu kinh phí, nhân sự. Từ tháng 8/2021, công ty này đã sử dụng hết kinh phí tạm ứng từ nguồn vốn điều lệ ban đầu 14 tỷ đồng. Từ đó đến nay, người lao động công ty vẫn chưa được thanh toán lương và đóng các khoản bảo hiểm xã hội. Tổng các khoản nợ tính đến nay khoảng 6,7 tỷ đồng.
Số người lao động thôi không tiếp tục làm việc tại Công ty HURC1 từ tháng 8/2021 là 21/36 người, trong khi số nhân sự cần tuyển dụng để đáp ứng yêu cầu vận hành, bảo trì tuyến metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên vào cuối năm nay là 706 người. Cũng từ thời gian trên, do không có kinh phí để trả các khoản điện nước, viễn thông, dịch vụ bảo vệ… nên công ty phải ngừng sử dụng trụ sở tạm được Ủy ban Nhân dân thành phố bố trí.
Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ đã tháo gỡ vướng mắc lớn nhất cho HURC1. Cụ thể, lãnh đạo Chính phủ giao Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh rà soát, quyết định phê duyệt mức vốn điều lệ của công ty cho giai đoạn chuẩn bị trước khi khai thác thương mại phù hợp với tiến độ thực tế của dự án metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên và quy định về mức vốn điều lệ tối thiểu khi thành lập Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng giao cho Bộ Tài chính theo dõi, giám sát việc triển khai thực hiện, chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan liên quan về nội dung báo cáo, đề xuất. Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến việc bổ sung vốn điều lệ cho doanh nghiệp và thành lập doanh nghiệp, bảo đảm đáp ứng yêu cầu thực tiền, thuận lợi, thống nhất trong thực hiện.
Tại tờ trình gửi Chính phủ hôm 15/6 vừa qua, Bộ Tài chính nêu rõ về lộ trình triển khai, trong quý 3 năm nay, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ cấp vốn điều lệ từ nguồn chi đầu tư phát triển của ngân sách Thành phố Hồ Chí Minh cho công ty là 268 tỷ đồng (bao gồm 14 tỷ đồng vốn điều lệ ban đầu).
Chuẩn bị cho khai thác
Theo ông Nguyễn Quốc Hiển, Phó Trưởng ban phụ trách Ban Quản lý Đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh (chủ đầu tư metro số 1), dự án hiện đang tiếp tục triển khai thi công khối lượng còn lại như kiến trúc, lắp đặt thiết bị hệ thống, cầu bộ hành, tòa nhà văn phòng, gói thầu hệ thống công nghệ thông tin; đấu chọn thầu đánh giá chứng nhận an toàn hệ thống, với mục tiêu hoàn thành xây dựng năm 2023 và khai thác thương mại trong năm 2024.
Tổng khối lượng thực hiện toàn dự án đến nay đạt trên 95%, với tổng số giờ lao động an toàn đạt hơn 56 triệu giờ. Dự kiến dự án sẽ vận hành thử toàn tuyến vào dịp 2/9 tới.
Ông Nguyễn Quốc Hiển cho biết từ tình hình thi công thực tế tại công trường và để đảm bảo tiến độ thi công hoàn thành dự án theo các mốc thời gian mới được phê duyệt, Ban Quản lý đã phối hợp Tư vấn chung NJPT và các nhà thầu thi công cập nhật, điều chỉnh tiến độ tổng.
Thời gian qua, chủ đầu tư đã tập trung đẩy nhanh các nhóm công việc chính: xây dựng lắp đặt; đánh giá an toàn hệ thống; công tác đào tạo cho nhân sự vận hành tuyến metro số 1; chuẩn bị và xây dựng quy trình định mức cho vận hành khai thác; chuẩn bị đề cương công tác nghiệm thu đưa vào sử dụng.
Trên công trường, hiện các nhà thầu đang nỗ lực, khẩn trương thi công hoàn thiện kiến trúc, cơ điện cho các nhà ga đoạn ngầm và trên cao. Hạng mục xây dựng các cầu bộ hành kết nối với 9 nhà ga trên cao đang được gấp rút thi công tại nhà ga Tân Cảng, Thảo Điền, An Phú, Rạch Chiếc, Phước Long, Bình Thái, Thủ Đức, Khu Công nghệ cao, Đại học Quốc gia để kịp hoàn thành xây dựng cùng tuyến metro số 1 cuối năm nay. Các cầu bộ hành cũng sẽ được đề xuất bổ sung thêm thiết kế thang máy trong thời gian sắp tới nhằm phục vụ người dân “an toàn-tiện lợi-văn minh.”
Để chuẩn bị cho công tác khai thác, vận hành, Ban Quản lý Đường sắt đô thị và Công ty HURC1 đang phối hợp triển khai thực hiện các công việc liên quan đến hoàn thiện đề án thí điểm khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị; hoàn chỉnh phương án giá vé trong giai đoạn đầu khai thác.
Theo bảng giá vé Ban Quản lý đường sắt đô thị thành phố đang được xây dựng, metro Bến Thành-Suối Tiên có giá vé từ 9.000-24.000 đồng/lượt; giá vé thanh toán bằng thẻ nạp tiền là 7.000-18.000 đồng/lượt. Giá vé 1 ngày là 48.000 đồng và giá vé 3 ngày là 108.000 đồng (hai loại vé này không giới hạn lượt đi). Giá vé tháng là 330.000 đồng cho khách phổ thông và 165.000 đồng cho học sinh, sinh viên.
Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thuộc Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết giá vé được xây dựng trong giai đoạn đầu đưa vào vận hành là phù hợp. Mức giá vé tuyến metro Bến Thành-Suối Tiên tính theo quãng đường di chuyển (bình quân số km) tương đồng với tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông (Hà Nội), đồng thời giá vé phù hợp với khả năng chi trả của hành khách.
Hiện chủ đầu tư cũng đang hoàn thiện mẫu thẻ IC (thẻ thông minh không tiếp xúc) sử dụng để đi tuyến metro số 1 (Bến Thành-Suối Tiên). Mặt trước của thẻ có ý tưởng thiết kế từ các công trình tiêu biểu của Thành phố Hồ Chí Minh như trụ sở Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân thành phố, chợ Bến Thành, Nhà hát thành phố, Nhà thờ Đức Bà, tòa nhà Bitexco, tòa nhà Landmark...
Với nỗ lực trên công trường cùng những định hướng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của Chính phủ, Metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên đang dẫn về địch. Dự án hướng tới chạy thử toàn tuyến vào tháng Chín tới đây và hoàn thành thi công cuối năm nay như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong đợt khảo sát dự án giữa tháng Tư vừa qua./.
Tuyến metro số 1 (Bến Thành-Suối Tiên) có tổng mức đầu tư hơn 47.000 tỷ đồng là dự án đường sắt đô thị đầu tiên của Thành phố Hồ Chí Minh. Metro Bến Thành-Suối Tiên dài khoảng 19,7km với 3 ga ngầm và 11 ga trên cao. Tuyến này có tổng cộng 17 đoàn tàu, mỗi đoàn tàu chở tối đa 930 khách; trong đó, có 147 chỗ ngồi và 783 chỗ đứng. |