TP.HCM giữ được tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định

Tổng sản phẩm nội địa (GDP) trên địa bàn TP.HCM sáu tháng đầu năm ước đạt 340.912 tỷ đồng, đạt mức tăng 7,86% so với cùng kỳ năm trước.
Ngày 28/6, phát biểu tại Hội nghị bàn về tình hình kinh tế-xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, ông Lê Hoàng Quân - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố nhận định sáu tháng đầu năm nay, kinh tế thành phố giữ tốc độ tăng trưởng ổn định, chỉ số giá giảm thấp, ổn định dần thị trường tài chính, tín dụng, góp phần kiềm chế lạm phát trên địa bàn.

Tổng sản phẩm nội địa (GDP) trên địa bàn thành phố sáu tháng đầu năm ước đạt 340.912 tỷ đồng, đạt mức tăng 7,86% so với cùng kỳ năm trước. Trong tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn hiện nay, đây là mức tăng trưởng đáng khích lệ. Trong khu vực dịch vụ, mức tăng trưởng đã đạt con số 9,1%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đã tăng 11,14%, cho thấy quy mô thị trường nội địa có xu hướng tăng cao dần, tháng sau tăng cao hơn tháng trước. Sức tiêu thụ hàng hóa của người dân đang dần được cải thiện.

Trong thời gian này, kim ngạch xuất khẩu của thành phố đạt khoảng hơn 13,7 tỷ USD, có mức tăng 6,2% (cùng kỳ năm trước chỉ có mức tăng 5,5%). Kim ngạch nhập khẩu đạt 12,7 tỷ USD và có mức tăng 15,5%, nhưng chủ yếu là nhập nguyên liệu đầu vào cho sản xuất như sữa và các sản phẩm sữa, nhiên liệu, vải các loại, nguyên phụ liệu dệt may da, dược phẩm, chất dẻo nguyên liệu, máy tính và linh kiện điện tử. Lượng khách quốc tế đến thành phố đạt hơn 1,9 triệu lượt người, có mức tăng 5%, nhưng doanh thu toàn ngành du lịch lại đạt hơn 41.000 tỷ đồng, tăng tới 30%.

Ở lĩnh vực sản xuất công nghiệp-xây dựng, chỉ số phát triển có mức tăng 5,2%. Quy mô sản xuất công nghiệp tiếp tục mở rộng, có dấu hiệu khởi sắc; cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp tiếp tục có bước chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng của các ngành chế biến, giảm dần tỷ trọng của ngành khai khoáng. Trong nông nghiệp, giá trị sản xuất có mức tăng 6,6%.

Thành phố tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ và có hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và dịch hại trên cây trồng; tăng cường kiểm tra, kiểm soát, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố, bên cạnh những những chuyển biến mới về phát triển kinh tế, Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai có hiệu quả nhiều chương trình đảm bảo an sinh xã hội, ổn định tâm lý người lao động, nâng cao năng suất, cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong sản xuất kinh doanh như giải quyết việc làm, thực hiện đầy đủ các chính sách hỗ trợ thất nghiệp, chăm lo đời sống cho công nhân ở các doanh nghiệp, giải quyết kịp thời các vụ tranh chấp xảy ra nhằm xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, lành mạnh tại doanh nghiệp và tuyên truyền phổ biến tốt pháp luật lao động...

Tích cực triển khai thực hiện kế hoạch sản xuất-kinh doanh sáu tháng cuối năm, Thành phố Hồ Chí Minh tập trung tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các doanh nghiệp trong đó chú trọng việc thực hiện các chủ trương của Chính phủ tại Nghị quyết 02/NQ-CP: chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện chủ trương cho vay hỗ trợ nhà ở; tiếp tục thực hiện đề án tái cơ cấu hệ thống ngân hàng; xử lý nợ xấu; thực hiện tốt công tác quản lý vàng, ngoại tệ; tháo gỡ khó khăn về lãi suất...

Thành phố cũng tăng cường đối thoại giữa chính quyền, cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp, giúp tháo gỡ khó khăn vướng mắc, hỗ trợ, tạo điều kiện và môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp duy trì ổn định hoạt động sản xuất, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế thành phố.

Đồng thời, thành phố tăng cường phối hợp với các tổ chức xúc tiến trong và ngoài nước, thương vụ, tham tán thương mại... nhằm đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư-thương mại-dịch vụ, hỗ trợ xuất khẩu một cách chuyên nghiệp và hiệu quả./.

Hà Huy Hiệp (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục