TP.HCM: Giáo viên hạn chế kiểm tra bài đột xuất, bất chợt với học sinh

Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM cho rằng có nhiều lý do khiến việc kiểm tra đột xuất, bất chợt không nên được sử dụng nhiều trong giáo dục, bởi cách kiểm tra này sẽ không đảm bảo tính khách quan.
Một tiết học của học sinh lớp 6/2 Trường THCS Huỳnh Khương Ninh (quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh). (Ảnh: Thu Hoài/TTXVN)

Tối 21/9, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã có thông tin rõ hơn về việc đổi mới kiểm tra đánh giá trong trường học.

Đây là vấn đề đang được xã hội quan tâm, sau khi có ý kiến yêu cầu giáo viên không nên, hạn chế kiểm tra miệng đầu giờ đột xuất, bất chợt, khi phát biểu trong một hội nghị của ngành.

Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng có nhiều lý do khiến việc kiểm tra đột xuất, bất chợt không nên được sử dụng nhiều trong giáo dục, bởi cách kiểm tra này sẽ không đảm bảo tính khách quan.

Không có thời gian chuẩn bị có thể dẫn đến việc học sinh không thể thể hiện được hết khả năng của mình hoặc có thể trả lời sai câu hỏi vì họ không nhớ hoặc không biết cách giải.

Cách kiểm tra này cũng tạo áp lực cho học sinh, khiến các em lo lắng và căng thẳng. Áp lực này có thể ảnh hưởng đến kết quả kiểm tra của học sinh.

Mục tiêu giáo dục không chỉ là đánh giá kết quả học tập của học sinh mà còn là giúp học sinh phát triển các năng lực. Trong khi đó, việc kiểm tra đột xuất, bất chợt không đánh giá hết được quá trình học tập của học sinh.

Hiện nay, việc kiểm tra đánh giá được thực hiện theo hình thức đánh giá thường xuyên (thông qua hỏi-đáp, viết, thuyết trình, thực hành, thí nghiệm, sản phẩm học tập) và đánh giá định kỳ.

[Thành phố Hồ Chí Minh tránh tình trạng lạm thu trong trường học]

Năm học này, cùng với đổi mới phương pháp dạy học, ngành Giáo dục thành phố tập trung đổi mới kiểm tra đánh giá, từ tư duy đến hành động.

Đổi mới kiểm tra đánh giá theo hướng tiếp cận năng lực sẽ giúp học sinh phát triển toàn diện. Đây là một thay đổi mang tính chất căn bản, đòi hỏi sự thay đổi nhận thức của các cấp quản lý, giáo viên và học sinh.

Lãnh đạo ngành Giáo dục thành phố cho rằng để đổi mới kiểm tra đánh giá theo hướng tiếp cận năng lực, cần có những thay đổi cả về mục đích, nội dung, hình thức kiểm tra đánh giá.

Trước đây, kiểm tra đánh giá thường chỉ được coi là công cụ để đánh giá kết quả học tập của học sinh. Nhưng theo quan điểm của Chương trình Giáo dục phổ thông mới, kiểm tra đánh giá là một quá trình nhằm thu thập thông tin về sự tiến bộ của học sinh trong quá trình học tập; trong đó kiểm tra đánh giá cần tập trung vào các năng lực của học sinh.

Hình thức kiểm tra đánh giá cũng cần đa dạng như kiểm tra vấn đáp, viết, thực hành, thông qua dự án, kiểm tra năng lực giải quyết vấn đề của học sinh. Giáo viên cần sử dụng các tiêu chí đánh giá rõ ràng và cụ thể để kiểm tra đánh giá đảm bảo tính khách quan, công bằng, chính xác.

“Đổi mới kiểm tra đánh giá đòi hỏi sự thay đổi nhận thức của toàn xã hội chứ không riêng trong ngành Giáo dục. Kiểm tra đánh giá là một quá trình, học sinh tham gia là để đánh giá tự tiến bộ của bản thân chứ không phải để so sánh điểm số với học sinh khác,” ông Hồ Tấn Minh, Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục