TP.HCM: Giảm công suất sản xuất để đảm bảo phòng chống dịch

Theo Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh, tính chung 8 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) giảm 6,6% so với cùng kỳ năm trước do chịu ảnh hưởng mạnh của dịch COVID-19.
TP.HCM: Giảm công suất sản xuất để đảm bảo phòng chống dịch ảnh 1Doanh nghiệp nỗ lực vừa duy trì sản xuất vừa phòng chống dịch. (Nguồn: TTXVN)

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 đã khiến đa số ngành sản xuất có chỉ số sản xuất công nghiệp trong 8 tháng năm 2021 của Thành phố Hồ Chí Minh giảm mạnh hơn so với cùng kỳ.

Dự báo thời gian tới sẽ còn tiếp tục nhiều khó khăn chồng chất, với nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất do toàn thành phố tập trung mọi nguồn lực để kiểm soát dịch COVID-19 trước 15/9/2021, ưu tiên bảo vệ sức khỏe của người dân.

Ghi nhận thực tế hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, nhiều nhà máy phải giảm công suất hoặc dừng hoạt động để phòng chống dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, nguồn nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất bị gián đoạn, thị trường tiêu thụ hàng hóa trong nước và quốc tế gặp nhiều khó khăn đang tạo ra thách thức không nhỏ đối với doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp.

Theo Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh, tính chung 8 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) giảm 6,6% so với cùng kỳ năm trước do chịu ảnh hưởng mạnh của đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4.

Riêng trong tháng 8, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp giảm 22,4% so với tháng 7. Đối với ngành công nghiệp cấp 2 trong 8 tháng năm 2021 cũng chỉ có 6/30 ngành đạt chỉ số sản xuất công nghiệp tăng so với cùng kỳ năm trước; trong đó, các ngành có mức tăng cao như sản xuất kim loại tăng 15,3%; sản xuất thiết bị điện tăng 9,8%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế) tăng 9,1%; công nghiệp chế biến chế tạo khác tăng 5,7%.

Trong xu hướng giảm chung chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh, chỉ số tiêu thụ của nhiều ngành sản xuất công nghiệp cũng giảm so với cùng kỳ năm trước.

[TP.HCM: Doanh nghiệp với "cuộc chiến" vừa sản xuất, vừa chống COVID-19]

Điển hình, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 8 tháng năm 2021 giảm 7,2% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó, một số ngành có chỉ số tiêu thụ giảm so với cùng kỳ năm 2020, gồm: sản xuất đồ uống; sản xuất trang phục; công nghiệp chế biến, chế tạo.

Trước bối cảnh này, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh và các sở, ngành nỗ lực đồng hành cùng doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh tại những khu vực, địa điểm sản xuất thuộc vùng xanh (khu vực chưa có dịch) để duy trì sản xuất.

Song song đó, thành phố Thủ Đức cùng chính quyền các quận, huyện đã và đang ưu tiên tiêm vaccine phòng dịch cho đối tượng công nhân, người lao động, nhất là tại khu công nghiệp, khu công nghệ cao trên địa bàn thành phố.

Theo thống kê, hiện tại có khoảng 700 nhà máy, doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Các doanh nghiệp khu chế xuất-khu công nghiệp (HBA) đang hoạt động theo phương án "3 tại chỗ" và "1 cung đường-2 điểm đến."

Tuy vậy, những đơn vị sản xuất kinh doanh này vẫn đang gặp khó khăn ở khâu Giấy đi đường theo quy định về giãn cách xã hội “ai ở đâu ở yên đó,” nhà cách ly với nhà, tổ dân phố cách ly tổ dân phố, khu phố-ấp cách ly khu phố-ấp, phường-xã-thị trấn cách ly phường- xã thị trấn” từ 0 giờ, ngày 23/8/2021.

Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội HBA cho biết, HBA đã có văn bản đề xuất Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh, Ban Quản lý Khu chế xuất-khu công nghiệp (Hepza), Ban Quản lý Khu công nghệ cao (SHTP)... hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết ách tắc trong vận chuyển.

TP.HCM: Giảm công suất sản xuất để đảm bảo phòng chống dịch ảnh 2Mô hình 3 tại chỗ của công nhân Công ty cổ phần Thép Việt Nhật. (Ảnh: Hoàng Ngọc/TTXVN)

Có thể kể đến nhóm đối tượng xe vận tải hàng hóa, xe đưa rước công nhân và Giấy đi đường của nhân viên xuất nhập khẩu, cung ứng lương thực trong thực hiện "3 tại chỗ" tại khu chế xuất-khu công nghiệp. 

Mặt khác, doanh nghiệp "3 tại chỗ" còn đối mặt với sự trì truệ trong hoạt động kết nối với mạng lưới đối tác và chuỗi cung ứng bên ngoài. Nếu doanh nghiệp không nhập được nguyên liệu theo đúng thời gian, hay người lao động không được đảm bảo bữa ăn hàng ngày thì hoạt động sản xuất của nhà máy, công xưởng phải tạm dừng và ảnh hưởng đến tiến độ trả đơn hàng, cũng như ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng của ngành.

Ông Nguyễn Ngọc An, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) cho biết sau một thời gian tạm ngưng hoạt động sản xuất để tiến hành sàng lọc, tổ chức khoanh vùng, phong tỏa tạm thời những khu vực có ca nghi nhiễm và thực hiện các quy định theo hướng dẫn của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều phân xưởng sản xuất chế biến và thực phẩm tươi sống vừa hoạt động trở lại vào cuối tháng 8/2021.

Đồng thời, số lượng công nhân đi làm là 600 công nhân, chiếm khoảng 45% so với lượng công nhân của công ty.

Dự kiến các xưởng sản xuất chế biến xúc xích tiệt trùng, đồ hộp có thể cung cấp ra thị trường từ 10 đến 25 tấn/ngày; xưởng sản xuất giò lụa, thịt nguội, lạp xưởng có thể cung cấp khoảng 2 tấn/ngày... đạt khoảng 50% công suất so với ngày thường.

Đối với mặt hàng thực phẩm tươi sống là thịt heo, hiện tại Vissan đang cung cấp cho thị trường Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 1.200 thịt lợn mảnh/ngày, tương đương gần 50 tấn thịt lợn pha lóc/ngày... đạt khoảng 70% công suất so với ngày thường. 

Vissan hiện đang từng bước tháo gỡ khó khăn về bố trí nhân sự sản xuất, dự kiến sắp tới tùy theo nhu cầu thực tế sẽ tăng thịt lợn tươi sống và chuẩn bị đưa vào sản phẩm chế biến; trong đó, nhằm đảm bảo nguồn cung cho thị trường Thành phố Hồ Chí Minh không bị đứt gãy, Vissan đã tái lập phương án "3 tại chỗ" với những yêu cầu, đòi hỏi kiểm soát chặt chẽ hơn về biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trong doanh nghiệp. 

Đánh giá về thách thức của doanh nghiệp hiện nay, nhiều đơn vị sản xuất kinh doanh trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, không chỉ Thành phố Hồ Chí Minh siết chặt biện pháp phòng chống dịch COVID-19, mà đây còn là cơ chế chung của cả nước.

Riêng các tỉnh, thành cũng tăng cường bảo vệ địa phương trước dịch bệnh nên dẫn đến tình trạng ách tắc và nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất của các nhà máy, công xưởng.

Trong hoạt động sản xuất kinh doanh thì luân chuyển hàng hóa, nguyên liệu... là vấn đề sống còn của doanh nghiệp. Chính vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh kỳ vọng song song với biện pháp phòng chống dịch COVID-19 có hiệu quả, chính quyền thành phố cần phối hợp với Chính phủ và các tỉnh, thành đồng bộ về cơ chế chính sách, nhất là những quy định về hoạt động doanh nghiệp để giảm bớt thủ tục hành chính và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục