TP.HCM: Giá hàng tiêu dùng chịu tác động mạnh từ biến động nguồn cung

Khi các nguyên liệu đầu vào sản xuất kinh doanh tăng giá đã dẫn đến biến động cung-cầu, có những nhóm mặt hàng nguồn cung dồi dào, giảm giá sâu, cũng có một số nhóm mặt hàng nguồn cung khan hiếm...
TP.HCM: Giá hàng tiêu dùng chịu tác động mạnh từ biến động nguồn cung ảnh 1Người dân mua sắm tại một siêu thị. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Trước thực trạng một số nhóm mặt hàng đặc biệt như xăng dầu điều chỉnh tăng giá liên tục trong thời gian qua, cơ quan quản lý Nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp, nhà bán lẻ... đã không ngừng nỗ lực bình ổn giá trên thị trường Thành phố Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, khi các nguyên liệu đầu vào sản xuất kinh doanh tăng giá đã dẫn đến biến động cung-cầu, có những nhóm mặt hàng nguồn cung dồi dào, giảm giá sâu, cũng có một số nhóm mặt hàng nguồn cung khan hiếm, giá tăng đáng kể trên thị trường.

Ghi nhận thực tế tại thị trường Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều mặt hàng nông sản, thực phẩm nội địa ở hàng loạt tỉnh, thành đổ về thành phố tiêu thụ với giá bán giảm sâu hơn bao giờ hết. Trong đó, có thể kể đến những mặt hàng trái cây như dưa hấu, thăng long, bưởi da xanh, thơm, mít, dừa...

Theo anh Thanh Hùng, chủ điểm bán dưa hấu Long An trên đường Phạm Văn Đồng, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh, hiện mặt hàng này vào mùa thu hoạch nhưng gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ, trong khi đường vào kênh bán lẻ hiện đại quá nhiều thách thức. Để hỗ trợ người nông dân ở tỉnh Long An tiêu thụ bớt phần nào sản lượng dưa hấu, nhiều đơn vị kinh doanh đã thu mua trực tiếp tại vườn và vận chuyển về Thành phố Hồ Chí Minh để bán lẻ trực tiếp.

Anh Thanh Hùng cho biết thêm khi thương nhân mua sản phẩm tại vườn và bán đến tận tay người tiêu dùng, không phải qua khâu trung gian giảm được một số chi phí nên giá thành rất cạnh tranh. Với mặt hàng dưa hấu, giá bán lẻ tại thị trường Thành phố Hồ Chí Minh đang phổ biến là 6.000 đồng/kg, nếu người mua với số lượng nhiều từ hàng chục kilogam trở lên thì có thể được giảm thêm 500-1.000 đồng/kg.

[Nhiều nhà cung cấp đề xuất tăng giá hàng hóa tiêu dùng thiết yếu]

Còn chị Minh Anh, chủ điểm bán bưởi da xanh trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh cho hay mặc dù so với thời điểm cùng kỳ, mặt hàng bưởi da xanh có giá bán lẻ thấp hơn 10-30% và chỉ dao động ở mức 40.000-45.000 đồng/kg trên thị trường Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, nhà vườn ở nhiều địa phương cũng đang gặp khó trong việc tìm đầu ra cho mặt hàng này, do đó gia đình đã quyết định vận chuyển sản phẩm từ tỉnh Đồng Nai về Thành phố Hồ Chí Minh để bán trực tiếp cho người tiêu dùng.

"Sau khi tính toán, khấu hao và trừ chi phí mặt hàng bưởi da xanh được bán với mức giá 25.000 đồng/kg. Với mức giá này, gia đình đã giảm phần lời lại và chỉ mong muốn có thể tiêu thụ hết sản phẩm trong mùa thu hoạch lần này," chị Minh Anh chia sẻ thêm.

Khảo sát trên nhiều tuyến đường lớn, hoặc khu vực liền kề các chợ truyền thống tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày càng xuất hiện nhiều điểm bán đa dạng mặt hàng trái cây nội địa với biển "giải cứu nông sản." Bên cạnh đó, giá những mặt hàng này rất cạnh tranh so với kênh bán lẻ hiện đại, chuỗi cửa hàng, mạng lưới chợ truyền thống... nên thu hút được người tiêu dùng, nhưng sức mua trên thị trường vẫn duy trì ở mức yếu trong thời gian qua nên sản lượng của hầu hết điểm bán cũng không khả quan như mong đợi.

Không riêng gì mặt hàng trái cây các loại, ở ngành hàng thịt gia súc, giá lợn hơi nội địa cũng lao dốc từ cuối tháng 2/2022 đến nay. Cụ thể, giá lợn hơn xuất chuồng tại khu vực phía Nam có xu hướng giảm liên tục và đang dao động ở mức 50.000-60.000 đồng/kg, tùy địa phương.

Nhiều doanh nghiệp chăn nuôi lớn tại Việt Nam như Masan, Hòa Phát, CP, CJ, Emivest, Cargill... đã và đang xây dựng từng bước hệ thống trang trại liên kết chuỗi. Đây được đánh giá là bước chuyển dịch cơ cấu chăn nuôi để hiện đại hóa ngành chăn nuôi. Khi các chuỗi này phát huy hiệu quả theo đúng kế hoạch, dự kiến sẽ rút ngắn khâu trung gian từ chăn nuôi đến vận chuyển, giết mổ, sơ chế, tiêu thụ ổn định cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Diễn biến trái chiều, nhóm mặt hàng thực phẩm chế biến, đóng gói... trong nước lẫn nhập khẩu lại có xu hướng điều chỉnh giá tăng, hoặc đơn vị sản xuất, nhà cung ứng đã thông báo đề xuất tăng giá trong thời gian tới. Đơn cử, từ tháng 3/2022, một số nhãn hàng mỳ gói ăn liền đã điều chỉnh giá tăng 10%, tương đương từ 1.000-2.000 đồng/sản phẩm.

TP.HCM: Giá hàng tiêu dùng chịu tác động mạnh từ biến động nguồn cung ảnh 2 Một số nhãn hàng mỳ gói ăn liền đã điều chỉnh giá tăng 10%. (Ảnh minh họa:

Còn ở nhóm ngành hàng sữa, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dinh dưỡng 3A-đơn vị nhập khẩu và phân phối sữa Abbott đã thông báo tăng giá 45 mặt hàng của nhãn hiệu Abbott Grow, Similac, Pediasure. Tương tự, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Frieslandcampina Việt Nam tăng 5% giá bán lẻ, áp dụng với 21 sản phẩm sữa dinh dưỡng công thức cho trẻ từ 0-6 tuổi.

Trao đổi với phóng viên TTXVN, bà Mai Thu, cư ngụ tại quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh cho biết mặt hàng sữa Ensure Original loại 397g mà gia đình thường xuyên dùng đã đứt hàng trong những ngày gần đây. Khi gia đình tìm mua ở những đại lý, đơn vị nhập khẩu khác, được báo giá tăng từ 20.000-35.000 đồng/thùng 6 lon, còn nếu mua lẻ giá tăng thêm 10.000-15.000 đồng/lon.

Với tâm trạng lo lắng, bà Mai Thu cho rằng dịch bệnh và chiến tranh đã tác động trực tiếp đến nhiều nhóm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, nhất là nhóm hàng hóa nhập khẩu không chỉ bị đứt hàng mà còn tăng giá phi mã. Trong khi đó, hàng hóa nội địa không có sản phẩm thay thế nên người tiêu dùng bắt buộc phải chấp nhận mặt bằng giá mới để mua được hàng hóa tiêu dùng thiết yếu.

Ghi nhận ý kiến những người tiêu dùng khác trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho thấy nguồn cung một số nhóm ngành hàng khan hiếm, sản phẩm đứt hàng, hoặc nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất tăng giá kéo theo giá thành hàng hóa tăng, nên người tiêu dùng phải cẩn trọng cân đối chi tiêu để đảm bảo ổn định đời sống hàng ngày. Song song đó, người tiêu dùng có xu hướng ưu tiên tìm kiếm sản phẩm thay thế hoặc tương đồng, nhưng giá thành rẻ hơn so với chủng loại hàng hóa tiêu dùng phổ biến từ trước đến nay.

Nhiều người tiêu dùng tại Thành phố Hồ Chí Minh còn có xu hướng chú trong "săn" hàng khuyến mãi, giảm giá ở tất cả ngành hàng từ thực phẩm tươi sống, nông sản... cho đến nhu yếu phẩn như gạo, dầu ăn, nước mắm... Đặc biệt, đối với những nhóm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu có thể dự trữ, bảo quản trong thời gian dài, gồm: giấy vệ sinh, nước giặt; các loại đậu hạt, càphê... khi nhà bán lẻ chạy chương trình ưu đãi là nhận được sự hưởng ứng tích cực của người tiêu dùng ngay lập.

Báo cáo nhanh của các nhà bán lẻ tại Thành phố hồ Chí Minh cũng chỉ ra rằng trong những tháng đầu năm 2022, người tiêu dùng có xu hướng thắt chặt chi tiêu ở một số nhóm ngành hàng như thời trang may mặc, giày dép, túi xách; hóa mỹ phẩm; đồ dùng gia đình; bánh, kẹo... Cùng với đó, đơn hàng của người dân mua sắm tại trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi như Giga Mall, Aeon Mall, Saigon Co.op, Satramart, LOTTE Mart... phổ biến rơi vào nhóm ngành hàng lương thực, thực phẩm; đồ dùng trẻ; chăm sóc sức khỏe cá nhân; vệ sinh nhà cửa...

Trước những biến động về giá cả lẫn chuỗi cung-cầu, các nhà bán lẻ dự báo sức mua trên thị trường Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp trong ngắn hạn. Do đó, các nhà bán lẻ đã và đang lên kế hoạch cơ cấu lại nhóm ngành hàng với ưu tiên tập trung vào những nhóm ngành hàng và hàng hóa tiêu dùng thiết yếu đáp ứng ứng được xu hướng tiêu dùng mới của người dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục