TP.HCM: Ghi nhận ngày đầu mở lại dịch vụ ăn uống ăn uống tại chỗ

Trong ngày đầu tiên các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tại TP.HCM được phục vụ khách hàng tại chỗ, nhiều địa điểm bán hàng vẫn thưa thớt khách, chủ yếu phục vụ khách hàng mua mang về.
Một tiệm cơm tấm tại Quận 5 vẫn chỉ chủ yếu bán mang về và giao hàng tận nhà. (Ảnh: Hồng Giang/TTXVN)

Ghi nhận trong ngày đầu tiên ở các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phục vụ khách hàng tại chỗ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy không khí bán buôn duy trì tình trạng kém sôi động như những ngày trước đó.

Đồng thời, nhiều địa điểm bán buôn vẫn thưa thớt khách hàng tại chỗ, chủ yếu phục vụ khách hàng mua mang về hoặc đội ngũ người giao hàng (shipper).

Theo chị Anh Đào, cư ngụ tại Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh, từ khi thành phố nới lỏng giãn cách xã hội, thường mua bữa sáng tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và hôm nay cũng như vậy.

Dù cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh đã được phục vụ khách hàng tại chỗ nhưng trong bối cảnh "bình thường mới," người dân vẫn phải "sống chung với dịch bệnh" nên không được chủ quan và cần đảm bảo biện pháp phòng chống dịch COVID-19.

Cùng quan điểm, anh Anh Đức, cư ngụ tại thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng khi ăn uống tại chỗ, người dân không chỉ tiếp xúc với chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, mà còn nhiều khách hàng ra vào điểm bán. Trong khi đó, đối với một bộ phận cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống có quy mô nhỏ, lẻ thì việc kiểm soát và thực hiện biện pháp phòng chống dịch COVID-19 tại điểm bán buôn vẫn còn nhiều rủi ro.

Chia sẻ ý kiến về việc các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phục vụ khách hàng tại chỗ trở lại sau thời gian dài tạm ngưng, nhiều người dân Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá đây là tín hiệu tích cực cho thấy, việc phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành đã từng bước được kiểm soát và duy trì hiệu quả.

[Nhiều tuyến xe buýt trục chính tại TP Hồ Chí Minh hoạt động trở lại]

Đặc biệt, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã từng bước tạo điều kiện thuận lợi cho các lĩnh vực kinh tế, xã hội và đời sống người dân trở lại "bình thường mới."

Tuy vậy, người dân Thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn tâm lý quan ngại dịch bệnh và hạn chế tiếp xúc gần, nhằm chủ động bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình, bạn bè... Hầu hết người dân chỉ tham gia mua sắm, ăn uống ở các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, địa điểm kinh doanh... có thực hiện đầy đủ biện pháp phòng chống dịch COVID-19 theo tiêu chí an toàn và quy định của cơ quan quản lý nhà nước.

Mặt khác, so với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống nhỏ, lẻ, những chuỗi cửa hàng ăn uống có thương hiệu đạt được hiệu quả hút khách hàng hơn trong ngày đầu tiên thực hiện phục vụ khách hàng tại chỗ.

Điển hình, ở lĩnh vực kinh doanh đồ uống, thức ăn nấu chín có những thương hiệu như Trung Nguyên Legend, Highlands Coffee, Guta cafe, Phúc Long Coffee & Tea, Passio Coffee... đã phục vụ lượng khách hàng tại chỗ đáng kể trong hôm nay.

Còn ở lĩnh vực kinh doanh món ngon đặc sản có thể kể đến thương hiệu Phở 24h, Bún bò Huế Đông Ba, bánh tráng Trảng Bàng Hoàng Ty... cũng đã triển khai phục vụ khách hàng tại chỗ. Riêng ở lĩnh vực kinh doanh thức ăn nhanh, một số thương hiệu vẫn chủ yếu bán mang về như Gà rán KFC, Lotteria, McDonald's, Jollibee...

Để triển khai mở cửa tái hoạt động kinh doanh trở lại, nhất là phục vụ khách hàng tại chỗ, tất cả cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đều phải đáp ứng đầy đủ quy định về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm và quy định liên quan đến công tác phòng chống dịch COVID-19 của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh ban hành.

Cụ thể, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phải có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; bố trí khu vực giao nhận thực phẩm đảm bảo nguyên tắc phòng chống dịch COVID-19, trang bị đầy đủ nước rửa tay, xà phòng…; đăng ký mã QR tại địa chỉ antoan-covid-19.gov.vn.

Tại điểm bán phải thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K của Bộ Y tế, quét mã QR và tuân thủ biện pháp phòng chống dịch COVID-19. Trong đó, đội ngũ nhân viên phục vụ, người bán hàng, người giao nhận - nhận hàng, người đến liên hệ... phải thực hiện nghiêm 5K, quét mã QR và tuân thủ biện pháp phòng chống dịch COVID-19.

Còn người làm việc tại cơ sở là người mắc COVID-19 đã khỏi bệnh dưới 6 tháng hoặc đã tiêm chủng vaccine COVID-19 ít nhất 1 mũi; thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 tầm soát, sàng lọc, định kỳ.

Về phía chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống có kế hoạch và chịu trách nhiệm triển khai thực hiện nghiêm biện pháp phòng chống dịch COVID-19 theo quy định. Cùng với đó, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống có phương án tổ chức kinh doanh, công khai số lượng khách tối đa được ăn uống tại điểm bán trong cùng một thời điểm và báo cáo cho Ủy ban Nhân dân phường, xã, thị trấn để quản lý, giám sát.

Với những yêu cầu nêu trên, những cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đã mở cửa tái hoạt động với hình thức bán mang về có lợi thế bắt nhịp nhanh hơn những đơn vị vẫn tạm ngưng bán buôn trong thời gian qua. Đặc biệt, khi triển khai lại hoạt động phục vụ khách hàng tại chỗ, không ít cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống gặp thách thức trong việc tìm kiếm nguồn lao động, thuê mặt bằng mới...

Trao đổi với phóng viên, chị Minh Anh, chủ quán chè Chinsu tại phường 25, quận Bình Thạnh cho hay, thời gian qua chủ yếu bán hàng online chỉ cần người đứng bếp và nhân viên giao hàng. Nhưng khi mở bán phục vụ khách hàng tại chỗ thì cần tăng cường nhân viên phục vụ, bảo vệ giữ xe...

"Mặc dù mở quán bán trở lại từ đầu tháng 10/2021 đến nay, nhưng doanh số kinh doanh vẫn thấp và thấp hơn thời điểm bình thường khi không có dịch bệnh, nên đã và đang xúc tiến vấn đề chia sẻ mặt bằng kinh doanh với một đơn vị khác. Giải pháp chia sẻ mặt bằng kinh doanh, vừa giúp đơn vị bán buôn khai thác số lượng khách hàng riêng thành chung, vừa giảm được 50% chi phí thuê mặt bằng, người lao động...," chị Minh Anh chia sẻ thêm.

Trên thực tế, thị trường bán lẻ tại Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang có làn sóng chuyển hướng sang kênh bán hàng trực tuyến (online) và thu hẹp quy mô mặt bằng kinh doanh để tiết kiệm chi phí đầu vào. Thực trạng này, không chỉ diễn ra ở những đơn vị chuyên kinh doanh online chủ động mở rộng nhóm ngành hàng mới thay vì chỉ đẩy mạnh những ngành hàng truyền thống, trong đó có các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.

Lý giải nguyên nhân dẫn đến làn sóng này, một số chuyên gia chỉ ra rằng giai đoạn giãn cách xã hội đã thúc đẩy thay đổi thói quen của người tiêu dùng, cùng với chủ trương không sử dụng tiền mặt mang lại điều kiện thuận lợi cho kênh mua sắm online.

Song song đó, trong thời điểm người dân Thành phố Hồ Chí Minh "ai ở đâu ở yên đó" đòi hỏi hầu hết đơn vị kinh doanh, bán buôn phải tìm mọi cách tiếp cận khách hàng và hình thành kênh bán hàng online, với hình thức giao nhận tận nơi cho nhóm ngành hàng đang kinh doanh.

Vì vậy, người dân Thành phố Hồ Chí Minh đã quen với kênh mua sắm online khi cần là có thể mua bất kể thời điểm nào và được phục vụ gần như 24/7.

Ngoài ra, đơn vị bán hàng online không ngừng nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh để giữ chân khách hàng nên người tiêu dùng không còn tâm lý quan ngại về chất lượng hàng hóa, phương thức thanh toán, dịch vụ hỗ trợ đổi trả hàng./.

Nhân viên và thực khách tại một quán càphê tại Quận 1 thực hiện đeo khẩu trang phòng dịch. (Ảnh: Hồng Giang/TTXVN).
Một cửa hàng càphê trên đường Nguyễn Văn Chiêm (Quận 1) chỉ phục vụ khách tại khu vực ngoài trời. (Ảnh: Hồng Giang/TTXVN)
Một cửa hàng càphê tại Quận 3 cũng phục vụ khách trong không gian ngoài trời thoáng khí. (Ảnh: Hồng Giang/TTXVN)
Một tiệm cơm tấm tại Quận 5 vẫn chỉ chủ yếu bán mang về và giao hàng tận nhà. (Ảnh: Hồng Giang/TTXVN)
Thực khách ăn uống tại một quán hủ tiếu ở quận Phú Nhuận. (Ảnh: Hồng Giang/TTXVN)
Khách hàng đầu tiên trong ngày của một quán càphê tại trung tâm Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hồng Giang/TTXVN)

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục