Với số điểm 280, Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên trong cả nước đạt điểm tuyệt đối theo bảng điểm đơn vị loại trừ bệnh phong của Bộ Y tế, được công nhận loại trừ bệnh phong cấp thành phố theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế.
Đó là thông tin tại Hội nghị tổng kết kiểm tra công nhận loại trừ bệnh phong tại Thành phố Hồ Chí Minh do Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 17/9.
Thông tư của Bộ Y tế về tiêu chuẩn và cách thức tổ chức kiểm tra đơn vị loại trừ bệnh phong theo tiêu chuẩn Việt Nam quy định, các địa phương được công nhận loại trừ bệnh phong phải đạt được 4 nội dung chủ yếu là quản lý bệnh nhân phong, phát hiện bệnh nhân phong mới, phòng tránh tàn tật, giáo dục y tế.
Kết quả kiểm tra tại 10 điểm ngẫu nhiên tại các quận, huyện của Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, 100% số bệnh nhân phong phát hiện đều được đa hóa trị liệu và uống thuốc đủ liều, có bệnh án theo dõi và ghi chép đầy đủ những diễn biến trong quá trình điều trị, 3 năm liên tục có tỷ lệ lưu hành bệnh phong dưới 0,02/10.000 dân.
Việc khám, phát hiện bệnh nhân phong được lồng ghép vào mạng lưới đa khoa và các chuyên khoa khác. Ở những phường, xã 3 năm liền có bệnh nhân phong được khám toàn dân theo 5 bước cải tiến.
Công tác phòng tránh tàn tật cũng được chú trọng, 100% số người loét lỗ đáo được điều trị, tất cả bệnh nhân phong có bàn chân mất cảm giác đều được cấp giấy phòng ngừa, tỷ lệ tàn tật độ 2 trong bệnh nhân phong mới ở thời điểm kiểm tra dưới 15%...
Theo số liệu của Bệnh viện Da liễu Thành phố Hồ Chí Minh, từ năm 2000 đến nay, số bệnh nhân phong quản lý của thành phố hàng năm giảm dần theo thời gian, từ 1.199 xuống còn 203 bệnh nhân. Năm 2014, phát hiện được 16 bệnh nhân mới rải rác khắp các quận, huyện, giảm 165 bệnh nhân so với năm 2000.
Trong 6 tháng đầu năm 2015, toàn thành phố chỉ phát hiện được 6 bệnh nhân mới. Tỷ lệ trẻ em mắc bệnh phong cũng giảm dần từ năm 2002, trong 3 năm liên tục (2013-2015) đã không còn bệnh nhi nào mắc. Điều này thể hiện sự ổn định về dịch tễ bệnh phong của chương trình.
Giám đốc Bệnh viện Da liễu Thành phố Hồ Chí Minh, ông Vũ Hồng Thái cho biết để đạt được những kết quả trên, bên cạnh sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp lãnh đạo, các tổ chức quốc tế trong công tác phát hiện, khám, điều trị, quản lý bệnh nhân, nhiều hoạt động trong chương trình đã được chú trọng thực hiện như thanh sát và báo cáo, truyền thông giáo dục sức khỏe về bệnh phong, phòng chống tàn tật, phẫu thuật phục hồi chức năng, hỗ trợ bệnh nhân phong phục hồi kinh tế, hòa nhập cộng đồng…
Trong ba năm gần đây, Bệnh viện Da liễu thành phố kết hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tập huấn kiến thức về bệnh phong cho hơn 1.000 giáo viên, các ban, ngành, đoàn thể thuộc tuyến phường, xã cũng được truyền thông ít nhất 1 lần/năm.
“Việc kiểm tra và được công nhận loại trừ bệnh phong không có nghĩa là không còn bệnh phong. Sau khi loại trừ bệnh phong cấp thành phố, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục phấn đấu tiến tới loại trừ bệnh phong cấp quận, huyện đến năm 2020. Công cuộc chiến đấu chống lại bệnh phong phải được duy trì lâu dài cho đến khi thanh toán hoàn toàn bệnh phong” - ông Vũ Hồng Thái cho biết thêm.
Thành phố Hồ Chí Minh là nơi tập trung nhiều khu công nghiệp, do đó số người nhập cư lớn nên hoạt động khám, phát hiện bệnh phong cũng có nhiều biến đổi cho phù hợp với tình hình thực tế.
Nhiều phương pháp khám phát hiện khác nhau đã được thực hiện như khám điều tra nhanh theo 5 bước cải tiến (LEC) ở một số địa bàn, khám tiếp xúc trong gia đình bệnh nhân mới phát hiện, khám nhóm, kết hợp với khám sức khỏe tại các cơ quan, xí nghiệp có đông công nhân, khám nghĩa vụ quân sự, khám tại các khu công nghiệp; đồng thời, đẩy mạnh công tác truyền thông các kiến thức về bệnh phong nhằm nâng cao nhận thức về bệnh phong trong cộng đồng.
Bên cạnh đó, lồng ghép công tác phòng chống bệnh phong vào các dịch vụ của mạng lưới y tế đa khoa có sẵn, dễ tiếp cận, nhất là trong giai đoạn bệnh nhân hoàn thành điều trị chuyển sang giai đoạn giám sát và chăm sóc tàn tật./.