TP.HCM: Đưa vào hoạt động cơ sở 2 Bệnh viện Truyền máu-Huyết học

Bệnh viện được xây dựng trên diện tích 33.000m2 với quy mô 33 khoa/phòng và bộ phận, tổng kinh phí xây dựng gần 1.000 tỷ đồng, trong đó 50% từ ngân sách Nhà nước và 50% từ vốn tự có của bệnh viện.
Ảnh minh họa. (Ảnh: Thu Hiền/TTXVN)

Ngày 19/5, Bệnh viện Truyền máu-Huyết học Thành phố Hồ Chí Minh cơ sở 2 chính thức được khánh thành, đi vào hoạt động sau bốn năm xây dựng.

Với cơ sở vật chất khang trang, trang thiết bị hiện đại, đạt chuẩn quốc tế, Bệnh viện Truyền máu-Huyết học cơ sở 2 hướng tới điều trị các bệnh lý huyết học chuyên sâu, áp dụng nhiều kỹ thuật cao, đáp ứng nhu cầu người dân, hạn chế người bệnh phải ra nước ngoài điều trị.

Tiến sỹ, bác sỹ Phù Chí Dũng, Giám đốc Bệnh viện Truyền máu-Huyết học Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết Bệnh viện Truyền máu-Huyết học cơ sở 2 được khởi công xây dựng từ năm 2018 tại cụm y tế Tân Kiên, huyện Bình Chánh.

Bệnh viện được xây dựng trên diện tích 33.000m2 với quy mô 33 khoa/phòng và bộ phận, tổng kinh phí xây dựng gần 1.000 tỷ đồng, trong đó 50% từ ngân sách Nhà nước và 50% từ vốn tự có của bệnh viện.

Cơ sở 2 Bệnh viện Truyền máu-Huyết học có 300 giường bệnh nội trú, khi cần có thể nâng công suất lên 450 giường bệnh. Cơ sở vật chất của bệnh viện được đầu tư hiện đại, đầy đủ tiện nghi; trang thiết bị đạt tiêu chuẩn quốc tế đáp ứng nhu cầu của người bệnh.

[Viện huyết học: Nỗi lo thiếu máu dự trữ trầm trọng trong 2 tuần tới]

Với mật độ xây dựng chỉ 30% trên tổng diện tích, bệnh viện đảm bảo không gian thoáng đãng, phân luồng lưu thông riêng biệt cho nhân viên, bệnh nhân, hậu cần. Các khối lâm sàng thiết kế theo kiểu hiện đại, khu văn phòng cũng được bố trí theo hình thức mở để gần gũi, thân thiện với người bệnh hơn.

Với tiêu chí 3H (Hopital-Hotel-Home), Bệnh viện Truyền máu-Huyết học cơ sở 2 hướng tới mô hình bệnh viện có trang thiết bị hiện đại, tiện nghi đẹp như khách sạn nhưng gần gũi, thân thiện như ở nhà.

Với việc đưa vào hoạt động cơ sở 2, Bệnh viện Truyền máu-Huyết học ưu tiên phát triển kỹ thuật cao, chuyên sâu để điều trị những ca khó, điều trị bệnh tái phát, tập trung hóa trị liệu, ghép tế bào gốc, giải phẫu bệnh tế bào...

“Chúng tôi phấn đấu đến năm 2025 đạt chuẩn JCI để vừa thu hút bệnh nhân là người nước ngoài vừa hạn chế tình trạng người Việt Nam phải ra nước ngoài điều trị,” Tiến sỹ, bác sỹ Phù Chí Dũng nhấn mạnh.

Đi khám bệnh vào đúng ngày Bệnh viện Truyền máu-Huyết học cơ sở 2 khánh thành, bà Lê Thị Đọ (72 tuổi, ngụ tỉnh Lâm Đồng) chia sẻ: “Trước đây khám bệnh ở cơ sở cũ rất chật chội, xuống cấp, nay có cơ sở mới khang trang, sạch đẹp, hiện đại, khám bệnh lại nhanh, không phải chờ đợi lâu, người bệnh chúng tôi rất phấn khởi.”

Bệnh viện Truyền máu-Huyết học Thành phố Hồ Chí Minh là bệnh viện tuyến cuối khu vực phía Nam, chuyên điều trị các bệnh lý huyết học, trung bình mỗi ngày tiếp nhận hơn 400 bệnh nhân ngoại trú và điều trị gần 300 bệnh nhân nội trú.

Bệnh viện thực hiện ba chức năng: Khám chữa bệnh, Ngân hàng máu, Ngân hàng tế bào gốc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục