Ngày 3/7, tại buổi họp giao ban về tình hình dịch bệnh với các trung tâm y tế quận, huyện, bác sỹ Nguyễn Trí Dũng - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Thành phố Hồ Chí Minh cho biết dự kiến bắt đầu từ tháng Tám, thành phố sẽ tổ chức tiêm vắcxin viêm não Nhật Bản trên toàn thành phố cho trẻ em từ 1 đến 5 tuổi.
Theo các bác sỹ, bệnh viêm não virus thường gây tổn thương ở não, để lại di chứng thần kinh và nguy cơ tử vong cao. Biểu hiện chính của bệnh là sốt cao và kèm theo các triệu chứng liên quan đến tổn thương hệ thần kinh trung ương.
Bệnh do nhiều loại virus gây nên, trong đó có virus viêm não Nhật Bản, virus herpes, các virus đường ruột, virus sởi, quai bị…
Trong 5 tháng đầu năm 2014, số lượng trẻ mắc viêm não do virus tại Thành phố Hồ Chí Minh là 34 trẻ.
Số lượng các bệnh nhân mắc viêm não do virus ở các bệnh viện Nhi Đồng cao hơn chủ yếu là từ các tỉnh, thành khác chuyển tới. Bệnh viêm não virus chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và mới chỉ có viêm não Nhật Bản là có vắcxin phòng bệnh.
Vắcxin viêm não Nhật Bản đã được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng từ năm 1997, nhưng chỉ tổ chức tiêm ngừa ở những khu vực trọng điểm, những vùng có dịch bệnh viêm não Nhật Bản.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, 4 quận, huyện trọng điểm có nguy cơ phát sinh viêm não Nhật Bản gồm quận 9 và các huyện Hóc Môn, Củ Chi và Bình Chánh.
Nhiều năm qua, các trạm y tế đều có tổ chức tiêm vắcxin viêm não Nhật Bản theo chỉ đạo của chương trình tiêm chủng mở rộng quốc ở khu vực phía Nam.
Trước tình hình bệnh viêm não do virus xuất hiện liên tục khi đang bắt đầu bước vào đỉnh dịch, trong đó có viêm não Nhật Bản, mới đây Bộ Y tế đã quyết cho tổ chức tiêm đại trà vắcxin viêm não Nhật Bản.
Dự kiến, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tổ chức tiêm vắcxin viêm não Nhật Bản cho tất cả 24 quận, huyện trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Chương trình này sẽ được thực hiện sau chiến dịch tiêm sởi và dự kiến thực hiện vào tháng Tám tới cho trẻ từ 1 đến 5 tuổi.
Trung tâm Y tế dự phòng Thành phố Hồ Chí Minh cũng khuyến cáo, nguồn lây của virus viêm não Nhật Bản là từ lợn, chim và véttơ truyền bệnh chủ yếu là muỗi.
Trong khi đó, hiện nay Thành phố Hồ Chí Minh đang bước vào mùa mưa, thời điểm thuận lợi để phát sinh muỗi, nên nguy cơ xuất hiện nhiều hơn những bệnh liên quan đến véttơ muỗi, trong đó có viêm não Nhật Bản.
Do đó, tại những khu vực nuôi lợn tập trung, người nuôi cần giữ vệ sinh chuồng trại thật tốt, không để ổ bọ gậy xuất hiện.
Tốt nhất, khu vực nuôi lợn phải ở xa khu dân để tránh nguy cơ lây bệnh, vì khuynh hướng của muỗi chỉ bay trong phạm vi 200m.
Ngoài ra, các bậc phụ huynh cũng cần đưa trẻ đi tiêm phòng vắcxin phòng viêm não Nhật Bản đúng liều và đúng thời gian quy định./.