Chiến lược lao động và việc làm trên địa bàn Thành phố không chỉ có ý nghĩa quan trọng với tăng trưởng kinh tế mà còn liên quan mật thiết đến vấn đề an sinh xã hội của Thành phố trong giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn 2030.
Đây là ý kiến của hầu hết các đại biểu tại Hội thảo khoa học “Định hướng chiến lược lao động, việc làm và phát triển kỹ năng tại Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2023-2025, tầm nhìn đến năm 2030,” do Viện Nghiên cứu Phát triển Thành phố tổ chức ngày 8/11.
Theo Tiến sỹ Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, việc xây dựng đề án phát triển chiến lược, lao động việc làm với các giải pháp đi kèm chương trình hành động sẽ góp phần thúc đẩy thị trường lao động toàn diện, cải thiện phúc lợi của người lao động.
Các chính sách phúc lợi xã hội và bảo trợ xã hội với mục tiêu tốt hơn sẽ giảm thiểu những tổn thương cho người lao động, đặc biệt là những người yếu thế.
Tiến sỹ Trương Minh Huy Vũ nhận định để giải quyết được các vấn đề về lao động, việc làm phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố, thời gian tới cần thẳng thắn nhìn nhận thực trạng, thách thức, các yếu tố tác động đến cung và cầu về lao động, dự báo những thay đổi trong thị trường lao động.
Để xây dựng chiến lược ngắn hạn và dài hạn về lao động và việc làm, cần phân tích đánh giá mang tính khoa học về tình hình lao động, việc làm; cần khẳng định lại những thành tựu của Thành phố trong quá trình xây dựng và phát triển; xem xét việc đầu tư vào hoạch định chính sách đào tạo lao động có kỹ năng…
Đề xuất cho chiến lược lao động, việc làm và phát triển kỹ năng tại thành phố, Thạc sỹ Trần Văn Bích, Trưởng phòng Nghiên cứu Phát triển kinh tế, Viện Nghiên cứu Phát triển Thành phố cho rằng cần tập trung vận dụng cơ chế, chính sách về đào tạo nguồn nhân lực được quy định tại Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội; Quyết định số 2673/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân Thành phố.
Thạc sỹ Trần Văn Bích nhấn mạnh nhà đầu tư chiến lược phải có cam kết bằng văn bản về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng các điều kiện bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật Việt Nam; hỗ trợ kinh phí để đào tạo nghề đối với lao động bị ảnh hưởng tại khu vực dự án; ưu tiên tiếp nhận lao động địa phương vào làm việc tại dự án; thực hiện cam kết về việc ứng dụng, chuyển giao công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao (nếu có).
[Chương trình Quốc gia về Tăng năng suất lao động đến năm 2030]
Về các chính sách ưu đãi hỗ trợ đào tạo nghề, Thạc sỹ Trần Văn Bích cho rằng chưa thật sự tạo động lực để thu hút đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn phát triển hiện nay.
Do đó, Thạc sỹ Trần Văn Bích đề xuất Thành phố cần chú trọng xây dựng cơ chế chính sách nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp trên cơ sở Quyết định số 73/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; thực hiện Nghị quyết 31-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ về phát triển nguồn nhân lực Thành phố “Tiếp tục đầu tư xây dựng Thành phố thành trung tâm lớn về giáo dục và đào tạo, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tiệm cận trình độ quốc tế, thích ứng với quá trình chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và hội nhập.”
Từ thực tiễn lao động, việc làm hiện nay, Thạc sỹ Nguyễn Thị Lê Uyên, Viện Nghiên cứu Phát triển Thành phố cũng chia sẻ về giải pháp đảm bảo việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống cho công nhân ở Thành phố Hồ Chí Minh, nhất là vấn đề đảm bảo việc làm, quan hệ lao động hài hòa tại các doanh nghiệp.
Các giải pháp phải vừa tập trung giải quyết vấn đề lương ở công nhân, vừa đáp ứng, hỗ trợ các nhu cầu sống cơ bản còn lại của công nhân trên nguyên tắc huy động toàn bộ sức mạnh hệ thống chính trị-xã hội, nguồn lực của toàn thể xã hội và cần có sự chung tay từ phía doanh nghiệp.
Thạc sỹ Nguyễn Thị Lê Uyên cũng đề xuất nhóm giải pháp tăng trưởng kinh tế và phát triển thị trường lao động việc làm; hoàn thiện khung pháp lý về lao động, về tăng lương tối thiểu theo luật lên mức lương đủ sống; thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp về thị trường lao động, đào tạo, giáo dục nghề nghiệp và việc làm; thực hiện có hiệu quả biện pháp hỗ trợ, bảo vệ đoàn viên, cán bộ công đoàn, tổ chức công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp...
Bên cạnh đó, chú trọng đảm bảo các chế độ an sinh xã hội tối thiểu cho công nhân; xem xét xây dựng các gói an sinh xã hội dành riêng cho nhóm công nhân nghèo ở Thành phố Hồ Chí Minh; đầu tư cho tương lai của công nhân thông qua giáo dục-đào tạo, đào tạo bổ sung và đầu tư nguồn nhân lực công nhân chất lượng cao trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư…
Cũng tại Hội thảo, các đại biểu trao đổi về nguyên nhân và giải pháp lao động và việc làm tại Thành phố Hồ Chí Minh; phát triển nguồn nhân lực cho chuyển đổi xanh: nhu cầu, kinh nghiệm và một số đề xuất; giải pháp đào tạo lại lực lượng lao động trong bối cảnh mới.
Các đại biểu cũng nhìn nhận chuyển dịch sản xuất đã có những đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế của vùng và Thành phố Hồ Chí Minh, từng bước tái cơ cấu công nghiệp Thành phố trong mối liên kết vùng.
Tuy nhiên, việc chuyển dịch sản xuất đang đặt ra nhiều vấn đề về cung ứng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu thực tiễn thông qua các giải pháp cơ chế chính sách, các giải pháp đào tạo, đào tạo lại sao cho thích ứng với đặc thù sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, trình độ người lao động và quan trọng hơn hết là các thuận lợi, lực đẩy từ liên kết vùng, từ kết nối dịch chuyển sản xuất-giải quyết việc làm-đào tạo giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh.../.