TP.HCM: Điểm sáng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo giữa 'tâm dịch'

2021 là năm đột phát của hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam khi lần đầu tiên các dự án khởi nghiệp thu hút được nguồn vốn đầu tư lên tới trên 1,3 tỷ USD, trong đó phần lớn là doanh nghiệp ở TP.HCM.
TP.HCM: Điểm sáng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo giữa 'tâm dịch' ảnh 1(Ảnh minh họa: Danh Lam/TTXVN)

Trong kế hoạch năm 2022, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết sẽ hỗ trợ tổ chức các sự kiện kết nối, giao thương, khóa luấn luyện nâng cao năng lực... của cộng đồng khởi nghiệp thành phố tại Không gian khởi nghiệp sáng tạo của thành phố (Sihub) để kết nối mạng lưới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, hệ sinh thái này vẫn cần những chính sách hỗ trợ để phát triển bền vững.

Cái nôi khởi nghiệp

Theo báo cáo của Saigon Innovation Hub (Sihub), năm 2020 do tác động của dịch COVID-19, đầu tư khởi nghiệp vào Việt Nam giảm hơn 60%, từ 861 triệu USD năm 2019 xuống 317 triệu USD. Tuy nhiên năm 2021, Việt Nam ghi nhận sự gia tăng vượt bậc về thu hút đầu tư khởi nghiệp với 1,3 tỷ USD. Đây là con số kỷ lục trong hoạt động đầu tư khởi nghiệp tại Việt Nam.

Thời gian qua, hàng loạt các thương vụ kêu gọi vốn đầu tư thành công, gây ấn tượng mạnh với thị trường như của Tiki, VNLife, Sky Mavis, MoMo, Equest... Những dấu hiệu này cho thấy thị trường khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam hứa hẹn sẽ bùng nổ trong những năm sắp tới.

Ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc điều hành Sihub cho biết, những dự án thanh toán (payment) và bán lẻ (retails) tiếp tục là lĩnh vực chiếm ưu thế, dù nguồn vốn đầu tư rót vào các lĩnh vực mới nổi như giáo dục, chăm sóc sức khỏe, tự động hóa doanh nghiệp đều có sự tăng trưởng đáng kể so với năm 2020; trong đó đầu tư cho lĩnh vực chăm sóc sức khỏe đạt mức cao kỷ lục.

Năm 2021, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, tác động lớn đến mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội. Dù vậy, đây lại là năm đột phát của hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam khi lần đầu tiên các dự án khởi nghiệp thu hút được nguồn vốn đầu tư lên tới trên 1,3 tỷ USD; trong đó, phần lớn là các doanh nghiệp khởi nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh. Các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội đã ảnh hưởng đến hoạt động khoa học công nghệ nói chung của thành phố. Dù vậy, hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo vẫn có những bước tiến đáng kể.

Thành phố Hồ Chí Minh hiện có 34 cơ sở ươm tạo, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo cũng như 19 không gian đầu tư. Thành phố cũng có khoảng 2.000 startup; trong đó hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin chiếm đến 65%, kế tiếp là lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ cao, chế biến lương thực thực phẩm chiếm 21%.

Theo bà Chu Vân Hải, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2021, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Thành phố Hồ Chí Minh có những hoạt động mạnh mẽ. Ước tính, lượng vốn đầu tư mạo hiểm thu hút được của các startup là 1,1 tỷ USD. Con số này chiếm 60% lượng vốn và 70% số thương vụ đầu tư mạo hiểm trên cả nước, chứng tỏ Thành phố Hồ Chí Minh vẫn là cái nôi cho hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của Việt Nam.

[Thương hiệu: Lời giải cho sự thành công của doanh nghiệp khởi nghiệp]

Nổi bật phải kể đến Ví điện tử MoMo khi cuối năm 2021 chính thức công bố hoàn thành vòng gọi vốn thứ 5 (Series E) với trị giá khoảng 200 triệu USD từ các nhà đầu tư toàn cầu Mizuho, Ward Ferry, Goodwater Capital và Kora Management. Nguồn lực này giúp MoMo được xem như “kỳ lân,” củng cố vị trí siêu ứng dụng dẫn đầu thị trường với 31 triệu khách hàng hiện hữu.

Ông Nguyễn Mạnh Tường, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị, đồng Tổng giám đốc MoMo chia sẻ, MoMo sử dụng công nghệ để cải thiện chất lượng cuộc sống người Việt, giúp người dân tiếp cận các dịch vụ tài chính và những dịch vụ thiết yếu khác của cuộc sống một cách đơn giản, thuận tiện, với chi phí thấp. Sự cam kết mạnh mẽ của các nhà đầu tư toàn cầu đối với một sản phẩm công nghệ được xây dựng bởi bàn tay và khối óc của các kỹ sư Việt Nam, chính là điều khích lệ lớn lao, thúc đẩy MoMo không ngừng đổi mới, sáng tạo và tạo ra các giá trị khác biệt.

Bền vững từ nguồn đầu tư trong nước

Việt Nam ghi nhận sự gia tăng vượt bậc về thu hút đầu tư khởi nghiệp năm vừa qua với trên 1,3 tỷ USD. Tuy nhiên, phần lớn các thương vụ là do nhà đầu tư nước ngoài thực hiện. Dù đã có bước phát triển mạnh mẽ, nhưng các chuyên gia cho rằng, thu hút đầu tư này chưa bền vững mà theo “sơ đồ hình sin”. Ngoài ra, dòng vốn từ bên ngoài vẫn là chủ đạo trong các thương vụ đầu tư.

Ông Huỳnh Kim Tước phân tích, với 3.800 doanh nghiệp khởi nghiệp của Việt Nam, nhưng mỗi năm chỉ có khoảng 100 dự án được gọi vốn; thậm chí có năm chỉ 60 dự án gọi vốn. Đơn cử năm 2021 rất thành công, nhưng chỉ có 147 dự án được gọi vốn, dù hiện có 200 tổ chức đầu tư tại Việt Nam. Trung bình mỗi quỹ đầu tư 1 năm gọi vốn chưa được một dự án.

Trong khi đó, theo chuyên gia Trương Văn Phước - thành viên Tổ Tư vấn của Thủ tướng Chính phủ, đổi mới sáng tạo Việt Nam hiện có nhiều triển vọng nhưng phải làm nghiêm túc hơn. Nhìn vào thống kê, “quanh đi quẩn lại,” đổi mới sáng tạo vẫn là payment (thanh toán, ngân hàng), tiền từ nơi này chuyển qua nơi kia, đó không phải đổi mới sáng tạo.

TP.HCM: Điểm sáng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo giữa 'tâm dịch' ảnh 2Thanh toán bằng QRCode đang trở nên phổ biến trong nhiều giao dịch. (Ảnh minh họa: TTXVN)

“Mobile Banking, Internet Banking không phải cốt lõi của đổi mới sáng tạo mà Việt Nam đang nhắm tới, cần phải đổi mới sáng tạo dựa trên công nghệ cao, phải phá vỡ những khuôn khổ. Chính phủ sẽ thay đổi thể chế để làm sao đổi mới sáng tạo phát triển, tập trung các thế hệ trẻ Việt Nam, nuôi dưỡng ý chí là chúng ta không thua Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, Mỹ…” - chuyên gia Trương Văn Phước chia sẻ.

Trong khi đó, theo ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), đổi mới sáng tạo vẫn chủ yếu dựa vào sự tự thân của người trẻ và trông đợi nhiều vào các nguồn lực đầu tư từ bên ngoài. Nguồn lực trong nước dù có nhiều nhưng chưa được khai phá. Điều quan trọng là những doanh nghiệp lớn trong nước đã đầu tư thành công trong những lĩnh vực khác, phải trở thành nhà đầu tư cho đổi mới sáng tạo-công nghệ, hình thành nhà đầu tư nội địa.

Để khai phá nguồn lực này, trong Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844) của Bộ Khoa học và Công nghệ, Sihub được giao nhiệm vụ đào tạo các startup hướng tới IPO trong tương lai. 

Trong hơn 2 năm qua, Sihub đã xây dựng chương trình đào tạo IPO cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo gồm 14 học phần; đến nay đã đào tạo khóa thứ 7 với tổng số tham gia hơn 500 học viên đại diện cho các startup. Chương trình này giúp doanh nghiệp quản trị, tổ chức công ty một cách chuẩn mực để hướng đến IPO trong tương lai.

Ông Huỳnh Kim Tước cho biết, cùng với khóa huấn luyện, startup còn được tham gia hoạt động kết nối với các tổ chức tài chính, đơn vị tư vấn để tìm kiếm cơ hội hợp tác. Một số doanh nghiệp gọi được vốn khi tham gia chương trình. Trong ba năm tới, chương trình dự kiến phát triển thêm khoảng 2.000-3.000 doanh nghiệp quan tâm và có tiềm năng để đào tạo IPO. Trong số này, dự kiến có khoảng 200-300 doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn để IPO.

Năm 2022, thành phố sẽ hỗ trợ các cơ sở ươm tạo, trường đại học phát triển, ươm tạo ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp xã hội giải quyết các vấn đề cộng đồng.

Thành phố cũng sẽ rà soát các chính sách phù hợp để thu hút nhanh, hiệu quả doanh nghiệp lớn ở trong nước và nước ngoài đầu tư có trọng tâm, chọn lọc, ưu tiên dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, quản trị hiện đại, năng lực đổi mới sáng tạo, kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu; tăng cường chuỗi liên kết giữa các doanh nghiệp nhỏ và vừa, giữa doanh nghiệp nhỏ và vừa với doanh nghiệp FDI, tập đoàn tư nhân lớn dẫn dắt trong chuỗi giá trị.

Cùng đó, thành phố sẽ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nâng cao năng suất chất lượng, đổi mới sáng tạo; hình thành mạng lưới trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển sản phẩm, thị trường.

“Đốt” hơn 1.000 tỷ đồng cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong ba năm qua, ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Yeah1 chia sẻ, trong bối cảnh toàn cầu hóa, không còn lựa chọn nào khác là buộc phải ứng dụng đổi mới sáng tạo tấn công ra thị trường. Muốn tồn tại thì phải ứng dụng công nghệ để chớp lấy cơ hội phát triển.

Dù còn nhiều khó khăn do dịch COVID-19, nhưng “điểm sáng” thu hút đầu tư của các startup trong năm vừa qua là tín hiệu tích cực cho hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh sự nỗ lực của các startup với sự đổi mới sáng tạo không ngừng dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, cần sự hỗ trợ của nhà nước và những doanh nghiệp thành công trong nước để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam bền vững./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục