TP.HCM: Đêm nhạc cổ điển giới thiệu thành tựu âm nhạc Nga nổi tiếng

Công chúng sẽ được thưởng thức các tác phẩm nhạc kịch kinh điển của Nga như một cái nhìn bao quát về âm nhạc cổ điển Xứ sở Bạch Dương trong khoảng thời gian hơn 150 năm qua.
TP.HCM: Đêm nhạc cổ điển giới thiệu thành tựu âm nhạc Nga nổi tiếng ảnh 1Nhạc trưởng Trần Nhật Minh. (Nguồn: cand.com.vn)

Buổi hòa nhạc giới thiệu những thành tựu của âm nhạc Nga do Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh (HBSO) tổ chức sẽ diễn ra tại nhà hát thành phố vào tối 11/6.

Đêm nhạc do nhạc trưởng Trần Nhật Minh làm chỉ huy, giới thiệu đến công chúng yêu nhạc những thành tựu nổi bật; thể hiện một cái nhìn bao quát về âm nhạc Nga trong khoảng thời gian hơn 150 năm bằng những giai điệu quen thuộc đan xen với những tác phẩm ít được biết đến.

Buổi hòa nhạc bắt đầu bằng Overture từ nhạc kịch “Cô dâu của Sa hoàng” (1899) của nhà soạn nhạc Nikolai Rimsky-Korsakov.

Đây là vở nhạc kịch thứ 10 của ông (trên tổng số 15) viết về vị Sa hoàng đầu tiên của Nga.

Nhà soạn nhạc Rimsky-Korsakov (1844-1908) được người yêu nhạc quốc tế biết đến nhiều với tác phẩm “Scheherazade” dựa trên câu chuyện “Nghỉ lẻ một đêm” nổi tiếng. Tác phẩm này cũng đã được Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh biểu diễn.

Alexander Borodin (1833-1887) cũng là một nhà soạn nhạc người Nga ở thế kỷ 19 và Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh đã chọn trích đoạn trong nhạc kịch duy nhất của ông “Hoàng tử Igor,” để biểu diễn tiếp sau Overture của Rimsky-Korsakov.

Trích đoạn do nghệ sỹ Phạm Trang, một trong những giọng tenor tốt nhất của Nhà hát hiện nay thể hiện.

Khúc hát là lời than thở của Vladimir (con trai Igor), khao khát được gặp lại nàng Konchakovna xinh đẹp.

Bài hát của những thiếu nữ người Polovtsy là tiết mục nổi tiếng nhất của vở nhạc kịch “Hoàng tử Igor.”

Rất tiếc là Alexander Borodin đã ra đi, để lại vở nhạc kịch chưa hoàn thành, tác phẩm được nhiều người hoàn thành sau khi ông mất, trong đó có Rimsky-Korsakov. Vở nhạc kịch được công diễn vào năm 1890.

[Chuẩn bị ra mắt chương trình hòa nhạc 'Đêm huyền ảo']

Phần thứ nhất của buổi hòa nhạc kết thúc bằng một tác phẩm của nhà soạn nhạc Georgy Sviridov (1915-1998), một trong số những nhà soạn nhạc khá nổi tiếng của Nga thế kỷ 20.

Trong chương trình lần này, khán giả sẽ được thưởng thức tác phẩm nổi tiếng của ông “The snow storm” (Bão tuyết), ban đầu được viết cho bộ phim cùng tên vào năm 1964.

Sau đó, giai điệu của tác phẩm này đã được sử dụng làm nhạc giới thiệu cho chương trình phát sóng tin tức trên đài truyền hình và được yêu thích rộng rãi.

Ngay sau giờ giải lao, các nghệ sỹ trình diễn tác phẩm “Festive Overture” của Shostakovich.

Tác phẩm dài 7 phút này được viết vào năm 1954 nhân kỷ niệm 37 năm Cách mạng Tháng Mười năm 1917. Năm 1980, bản overture đã được chọn làm nhạc hiệu cho Thế vận hội mùa Hè tại Mosskva (Nga).

Sau đó là một tác phẩm của Reinhold Gliere (1875-1956). Năm 1943, ông viết bản Concerto màu sắc cho giọng nữ cao, dài 15 phút.

TP.HCM: Đêm nhạc cổ điển giới thiệu thành tựu âm nhạc Nga nổi tiếng ảnh 2Nghệ sỹ Phạm Khánh Ngọc. (Nguồn: songdepvn.vn)

Trong chương trình ngày 11/6, khán giả sẽ được thưởng thức tác phẩm này qua giọng hát của nghệ sỹ Phạm Khánh Ngọc.

Cô đã tốt nghiệp Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh và từng đoạt giải nhì Cuộc thi Thanh nhạc ASEAN 2016 tại Singapore. Cô hiện là một thành viên nổi bật của Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh.

Tiết mục cuối cùng của đêm hòa nhạc là bản giao hưởng số 1 của Sergei Prokofiev, có tên gọi “Cổ điển.”

Đây là một bản giao hưởng hội tụ những yếu tố truyền thống được sáng tác trong thế kỷ 19./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục