Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh vừa có tờ trình Đề án Phát triển hệ thống cấp cứu ngoài bệnh viện theo hướng chuyên nghiệp tại thành phố giai đoạn từ nay đến năm 2030 và những năm tiếp theo.
Trong đó, Sở Y tế đề xuất với Ủy ban Nhân dân thành phố bổ sung phát triển thêm loại hình cấp cứu bằng đường thủy và đường hàng không.
Theo Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, trong 10 năm qua, thành phố đã xây dựng được mạng lưới hệ thống cấp cứu ngoài bệnh viện gồm các trạm vệ tinh cấp cứu 115 bao phủ khắp các quận, huyện và thành phố Thủ Đức với phương tiện chủ yếu là xe cứu thương và môtô cứu thương, đã đáp ứng ngày càng nhiều hơn nhu cầu cấp cứu của người dân.
Tuy nhiên, do những khó khăn chung về tình trạng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, phương tiện vận chuyển và nguồn nhân lực nên hoạt động cấp cứu ngoài bệnh viện tại Thành phố Hồ Chí Minh vẫn chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng. Thành phố có đặc thù mật độ dân số cao, đường bộ thường xuyên ùn tắc, có hệ thống kênh rạch, có đảo xa đất liền… rất cần các loại hình tiếp cận hiện trường khác như đường thủy, đường hàng không nhằm đa dạng hóa loại hình vận chuyển người bệnh cấp cứu, phù hợp với nhu cầu của người dân và đặc điểm địa lý.
Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh nhận định việc cấp cứu khẩn cấp trên đường thủy nội địa, vùng giáp biển, đảo, vùng sâu và vùng xa… đang vượt quá khả năng của các cơ sở y tế. Với các tình huống đe dọa tính mạng, cần chuyển ngay người bệnh đến các bệnh viện tuyến trên, các phương tiện cấp cứu đường bộ không thể đáp ứng.
Nhằm cung cấp dịch vụ cấp cứu kịp thời cho người dân khu vực huyện Cần Giờ và các vùng lân cận, Sở Y tế đề xuất trong giai đoạn từ năm 2023 đến năm 2025, triển khai hoạt động cấp cứu đường thủy tại huyện Cần Giờ với vị trí bến đỗ là cảng đóng quân của Bộ đội Biên phòng Cần Giờ.
[TP.HCM: Công bố danh sách 9 cơ sở dịch vụ hỗ trợ, vận chuyển cấp cứu]
Sở Y tế cũng kiến nghị Ủy ban Nhân dân thành phố đầu tư một tàu cứu thương đầy đủ trang thiết bị y tế chuyên dụng; đồng thời, tuyển chọn và đào tạo nguồn nhân lực cấp cứu đường thủy, đảm bảo các điều kiện sức khỏe và năng lực chuyên nhận cấp cứu phù hợp.
Song song, Sở Y tế kiến nghị Ủy ban Nhân dân thành phố xây dựng và ban hành quy chế phối hợp cấp cứu bằng đường thủy; trong đó Trung tâm Cấp cứu 115 sẽ đảm bảo nhiệm vụ chuyên môn y tế, còn Bộ đội Biên phòng Cần Giờ đảm nhận nhiệm vụ vận hành, bảo trì, sửa chữa phương tiện cấp cứu. Từ sau năm 2025, trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện giai đoạn 1, ngành Y tế thành phố sẽ đề xuất mở rộng mô hình cấp cứu đường thủy tại khu vực trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh với bến đỗ tại bến Bạch Đằng (quận 1).
Bên cạnh đó, Thành phố Hồ Chí Minh là nơi tổ chức nhiều sự kiện kinh tế, văn hóa, xã hội mang tầm quốc tế, thu hút nhiều tập đoàn, khách du lịch trong và ngoài nước, việc phát triển cấp cứu đường không là rất cần thiết. Dự kiến sẽ thành lập Trung tâm Cấp cứu 115 khu vực Gò Vấp trên cơ sở hạ tầng hiện có của Bệnh viện Quân y 175 nhằm đảm trách việc cấp cứu ngoại viện cho người dân khu vực này, đồng thời phối hợp vận chuyển cấp cứu bằng đường hàng không.
Trong giai đoạn từ năm 2023 đến năm 2030, ngành Y tế thành phố sẽ triển khai hoạt động cấp cứu đường hàng không trên cơ sở phối hợp với Bệnh viện Quân y 175, sử dụng hạ tầng là bãi đáp trực thăng của bệnh viện; tuyển chọn và đào tạo nhân lực đường hàng không có năng lực chuyên môn cấp cứu phù hợp, đảm bảo các tiêu chuẩn sức khỏe và an toàn bay khi hoạt động trên trực thăng cấp cứu.
Giai đoạn từ 2030 trở về sau, ngành Y tế thành phố phối hợp với Công ty trực thăng miền Nam (trực thuộc Binh đoàn 18-Bộ Quốc phòng) mở rộng hoạt động cấp cứu đường hàng không, khai thác hiệu quả các sân đỗ trực thăng hiện hữu tại các bệnh viện trên địa bàn gồm Bệnh viện Quân y 175, Bệnh viện Nhi đồng thành phố, Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 và Bệnh viện Đa khoa Khu vực Hóc Môn.
Cùng với bổ sung phát triển 2 loại hình vận chuyển cấp cứu, Sở Y tế thành phố còn kiến nghị xây dựng mới Trung tâm Cấp cứu 115 tại Cụm Y tế Tân Kiên (huyện Bình Chánh), xây dựng Cổng tiếp nhận và điều phối cấp cứu 115 theo hướng chuyên nghiệp, triển khai chương trình đào tạo loại hình nhân viên y tế, xây dựng cơ chế chính sách thu hút nguồn nhân lực phục vụ hệ thống cấp cứu ngoài bệnh viện./.