TP.HCM: Đề Toán nhiều bài thực tế đòi hỏi thí sinh phải có tư duy tốt

Trưa 3/6, gần 87.000 thí sinh đã hoàn thành bài thi môn Toán - môn thi bắt buộc cuối cùng của kỳ thi vào lớp 10 công lập năm học 2018-2019 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
TP.HCM: Đề Toán nhiều bài thực tế đòi hỏi thí sinh phải có tư duy tốt ảnh 1Thí sinh trao đổi bài sau khi kết thúc thi môn Toán. (Ảnh: Quang Nhựt/TTXVN)

Trưa 3/6, gần 87.000 thí sinh đã hoàn thành bài thi môn Toán - môn thi bắt buộc cuối cùng của kỳ thi vào lớp 10 công lập năm học 2018-2019 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Kết thúc giờ làm bài, nhiều thí sinh cho biết đề thi năm nay có nhiều đổi mới so với năm trước, nhất là nhiều bài toán thực tế hơn. Đề thi không khó nhưng dài, nếu không phân tích kỹ đề sẽ dễ mất điểm.

Em Trương Thị Hiền dự thi tại hội đồng thi Trường Trung học phổ thông Trưng Vương cho biết, đề thi năm nay được đổi mới so với năm trước rất nhiều.

Đề có nhiều câu ứng dụng thực tế hơn. Dù không quá khó nhưng đòi hỏi thí sinh phải phân tích và hiểu được mới có thể làm tốt. Tuy nhiên đề hơi dài nên nhiều bạn sẽ không làm kịp. Đối với đề này học sinh có học lực khá làm được khoảng 7 điểm.

Đề thi năm nay được nhiều giáo viên đánh giá là đúng theo tinh thần đổi mới, giảm tính hàn lâm tăng tính thực tiễn. Nhiều giáo viên cho rằng, đề thi không quá khó nhưng dài và nhiều dữ liệu nên đòi hỏi thí sinh phải có kỹ năng phân tích đề, tư duy tốt mới làm được trọn vẹn bài thi.

Thầy Phan Minh Nhựt, Tổ trưởng Tổ Toán, Trường Trung học cơ sở Phong Phú, huyện Bình Chánh, nhận định, đề năm nay khác hẳn so với năm trước.

Cụ thể, đề gồm 8 bài thay vì 5 bài như năm trước. Đặc biệt, năm nay bài toán thực tế nhiều hơn hẳn năm trước, chiếm gần nửa số bài trong đề thi.

[Kỳ thi lớp 10 công lập TP Hồ Chí Minh: Đề thi Ngữ văn có tính mở]

Với bài toán thực tế, dù không quá khó nhưng đòi hỏi ở thí sinh kỹ năng phân tích, tư duy tốt. Nếu các em học sinh không đọc kỹ đề, không có kỹ năng phân tích đề sẽ dễ dẫn đến sai sót, mất điểm.

Theo thầy Phan Minh Nhựt, đề thi năm nay có tính phân loại rất cao; đồng thời, đề thi có rất nhiều dữ liệu dễ khiến học sinh “rối.”

Vì vậy, học sinh không dễ để đạt được khá, giỏi. Trong đó, bài 1, bài 2 và bài 3 là kiến thức cơ bản nhất học sinh đều dễ dàng lấy trọn điểm.

Bắt đầu từ bài 4 có sự phân loại, câu này lại nằm ở kiến thức lớp 8 nên mặc dù không khó nhưng có thể nhiều học sinh không ôn tập sẽ không làm được.

Bài 5 và bài 6 có tính vận dụng tương đối cao, học sinh phải có kiến thức thực tế mới ứng dụng được.

Bài 7 và bài 8 là vận dụng cao, cần có tư duy tốt. Bài 8 - thuộc phần hình học là bài khó nhất trong đề thi, bài này phân loại thí sinh rõ nhất./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục