TP.HCM đẩy mạnh kết nối thương vụ Việt Nam ở nước ngoài

Tăng cường liên kết giữa các bộ, ngành trong và ngoài nước với chính quyền địa phương trong việc đẩy mạnh xuất khẩu là một trong những giải pháp quan trọng.
Chế biến cá ngừ đóng hộp xuất khẩu. (Ảnh: Phương Vy/TTXVN)

Ngày 25/12, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị tham tán thương mại tại Thành phố Hồ Chí Minh nhằm tăng cường kết nối thông tin về hoạt động xúc tiến thương mại giữa chính quyền địa phương và cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhận định mục tiêu trong năm 2014 đặt ra nhiệm vụ nặng nề, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế thế giới vẫn tồn tại nhiều khó khăn.

Với mục tiêu đạt tăng trưởng xuất khẩu 10% (đạt 147 tỷ USD), nhập siêu 6% là thách thức rất lớn cho toàn bộ nền kin tế cũng như trách nhiệm của từng bộ, ngành của chính quyền trung ương và địa phương.

Vì vậy, theo Thứ trưởng Trần Tuấn Anh, Bộ đã xác định tăng cường liên kết giữa các bộ, ngành trong và ngoài nước với chính quyền địa phương trong việc đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam là một trong những giải pháp quan trọng.

Thứ trưởng Trần Tuấn Anh chỉ đạo cùng với những chương trình cụ thể trong khuôn khổ chung đã đề ra, các bên cần tập trung, phân tích làm rõ những bất cập, tồn tại cả về mặt cơ chế chính sách lẫn công tác phối hợp giữa trong và ngoài nước, Trung ương và địa phương, cơ quan quản lý với hiệp hội, doanh nghiệp.

Về phần mình, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Hồng cho rằng những biến động của thị trường thế giới sẽ tiếp tục ảnh hưởng mạnh mẽ đến lĩnh vực xuất khẩu của cả nước nói chung và các địa phương nói riêng.

Cùng với sự nỗ lực của thành phố trong hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, mở rộng hợp tác quốc tế, tăng cường giao thương với các nước, Thành phố kiến nghị các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đẩy mạnh hỗ trợ, phối hợp với chính quyền địa phương và doanh nghiệp nhiều hơn nữa.

Cùng chung quan điểm đó, nhiều đơn vị đã kiến nghị các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài xây dựng mạng lưới thông tin dự báo và diễn biến thị trường; cung cấp chính sách, pháp luật quốc tế; quảng bá, thu hút đầu tư; kết nối doanh nghiệp trong và ngoài nước theo chiều sâu, góp phần giúp doanh nghiệp hạn chế rủi ro trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy hải sản Việt Nam, cho biết trong thời gian qua, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã tích cực hỗ trợ cho Hiệp hội và các doanh nghiệp ngành thủy hải sản. Tuy nhiên, các cơ quan này cần tăng cường hơn nữa các hoạt động xúc tiến, tạo cầu nối đối thoại với chính quyền nước sở tại để hoạt động xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng cao, phát huy lợi thế cạnh tranh hơn.

Cũng tại hội nghị, Tham tán Công sứ Đào Trần Nhân, Thương vụ tại Hoa Kỳ, khuyến nghị các đơn vị khi tổ chức xúc tiến thương mại và đoàn doanh nghiệp sang Hoa Kỳ cần trao đổi, liên hệ với cơ quan đại diện Việt Nam để nhận được sự hỗ trợ.

Theo ông Nhân, các đơn vị này cần thông báo trước ít nhất một tháng để đối tác Hoa Kỳ có thời gian chuẩn bị và sắp xếp lịch trình làm việc phù hợp.

Bên cạnh đó, ông Nhân cho rằng các chính quyền địa phương nên cố gắng xây dựng danh mục ngành hàng, doanh nghiệp uy tín và cung cấp cho các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tham tán và tùy viên dễ dàng hỗ trợ khi doanh nghiệp có yêu cầu.

Thứ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh cùng với những chương trình cụ thể trong khuôn khổ hoạt động chung, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cần ưu tiên và chủ động tham gia các hoạt động nghiên cứu thị trường, xây dựng chiến lược phát triển thị trường cho ngành hàng; tạo cầu nối cho các đối tác trong và ngoài nước hợp tác, khai thác kịp thời cơ hội giao thương; nắm bắt đặc thù cơ cấu kinh tế của nước sở tại để hỗ trợ các đơn vị trong nước có chiến lược hoạt động phù hợp.

Theo ước tính của liên bộ, năm 2013, Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu 132,3 tỷ USD, tăng 15,4%, và xuất siêu hơn 800 triệu USD.

Đáng chú ý, Việt Nam đã giữ vững thị phần ở những thị trường trọng điểm, với 22 ngành hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 1 triệu USD, 13 ngành hàng đạt trên 2 tỷ USD gồm thủy sản, càphê, gạo, cao su, gỗ và sản phẩm gỗ, dệt may, giày dép.

Một số thị trường xuất khẩu tăng trưởng cao như EU (24,8%), châu Mỹ (21,9%), Hoa Kỳ (21%), châu Á (15,6%).../.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục