TP.HCM đặt hàng các mô hình ứng dụng AI phục vụ quản lý nhà nước

Các mô hình, sản phẩm dự kiến phải đảm bảo yêu cầu giao diện thân thiện, tương tác tốt với người dùng; cho phép đặt câu hỏi và nhận được phản hồi tự nhiên nhanh chóng, chính xác.
Quang cảnh sự kiện kết nối sáng tạo với chủ đề: “Nghiên cứu, xây dựng ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) phục vụ công tác quản lý nhà nước”. (Ảnh: Thanh Vũ/ TTXVN)

Mô hình ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong thực hiện hỏi đáp thông tin, trả lời các thông tin từ người dân, doanh nghiệp; trả lời thông tin từ công chức, viên chức hay mô hình AI hỗ trợ công việc - soạn văn bản - tạo báo cáo, tham luận - phân tích dữ liệu - hỗ trợ ra quyết định - tích hợp OCR, Voice…

Đây là các mô hình mà Thành phố Hồ Chí Minh đặt hàng các chuyên gia, viện, trường, doanh nghiệp công nghệ thông tin thực hiện tại Sự kiện Kết nối sáng tạo với chủ đề “Nghiên cứu, xây dựng ứng dụng trí tuệ nhân tạo phục vụ công tác quản lý nhà nước” do Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chiều 18/7.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Sương, Quyền Trưởng Phòng Quản lý Khoa học, Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, các mô hình, sản phẩm dự kiến phải đảm bảo yêu cầu giao diện thân thiện, tương tác tốt với người dùng; cho phép đặt câu hỏi và nhận được phản hồi tự nhiên nhanh chóng, đặc biệt thông tin trả lời chính xác dựa trên dữ liệu đã được cung cấp.

"Mô hình có khả năng mở rộng để có thể xử lý nhiều loại câu hỏi và yêu cầu khác nhau; tự học dựa vào các câu hỏi đầu vào; khả năng học nhanh các dữ liệu mới được cập nhật. Đồng thời, mô hình đảm bảo tính bảo mật và an toàn thông tin; có khả năng tích hợp, tương thích, hướng tới chuyển giao cho khu vực công thành phố (thông qua cung cấp các API)," bà Nguyễn Thị Thu Sương khuyến nghị.

[Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong chẩn đoán hình ảnh ở TP.HCM]

Khái quát thực trạng công tác quản lý nhà nước ở công sở và nhu cầu của người dân thành phố hiện nay, ông Lê Thanh Minh, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố nhấn mạnh kế hoạch thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo trong khu vực công giai đoạn 2022-2025 nói chung và chuyển đổi số nói riêng của Thành phố Hồ Chí Minh.

Đây là động lực chính nhằm cải thiện, nâng cao chất lượng cung cấp các dịch vụ cho người dân thông qua việc ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong các hoạt động quản lý nhà nước của chính quyền và nâng cao năng lực quản lý, sáng tạo của các cán bộ công chức, viên chức Thành phố.

Theo ông Lê Thanh Minh, để thực hiện có hiệu quả chương trình cần có sự gắn kết giữa cơ quan quản lý, chuyên gia và cộng đồng khởi nghiệp về trí tuệ nhân tạo.

Chương trình phải đảm bảo hướng đến mục tiêu xây dựng và triển khai hệ thống công nghệ ứng dụng trí tuệ nhân tạo cung cấp thông tin tự động cho người dân, doanh nghiệp; hỗ trợ công tác quản lý nhà nước và cải tiến hoạt động công chức, viên chức, người lao động trong nâng cao đời sống kinh tế, xã hội của người dân hoặc giải quyết các vấn đề khu vực công của các sở, ban ngành, quận, huyện, thành phố Thủ Đức.

Cùng quan điểm, Tiến sỹ Nguyễn Hữu Huấn, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Công nghệ Promete nhìn nhận, công nghệ trí tuệ nhân tạo là một bước tiến lớn của con người.

Vì ngoài các hoạt động lặp lại đơn giản, giờ đây, AI có thể thực hiện các công việc phức tạp mà chỉ có con người mới có thể làm được.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Huấn chia sẻ về giải pháp trợ lý ảo Milu (sản phẩm của Công ty Cổ phần Công nghệ Promete) để hiểu hơn các ứng dụng AI - trong quản lý nhà nước, qua đó khẳng định trí tuệ nhân tạo có tiềm năng rất lớn trong việc cung cấp các giải pháp thông minh, tối ưu hóa quy trình và cung cấp thông tin quan trọng cho công tác quản lý.

Theo các chuyên gia công nghệ thông tin, hiện nay, người dân tìm kiếm thông tin thường tra cứu Google, Bing hay trang thông tin điện tử cơ quan, đơn vị hay điện thoại tới cơ quan, đơn vị; gửi email, công văn, gặp trực tiếp và gọi hỏi thông tin.

Các công chức tìm kiếm thông tin trên Google, trang thông tin điện tử cơ quan, đơn vị; văn bản; thực hiện công vụ soạn văn bản, bài tham luận, bài phát biểu, phân tích, đánh giá, ra quyết định thông qua các giải pháp về công nghệ…

Trước mắt, đây là kênh thông tin duy nhất, tương đối đầy đủ, kịp thời và chính xác… Song về lầu dài, cần có những mô hình ứng dụng trí tuệ nhân tạo để hiện thực hóa một số hoạt động, trong đó có các hoạt động phục vụ công tác quản lý nhà nước.

Trí tuệ nhân tạo đang nổi lên như một công nghệ đột phá với tiềm năng về việc cải thiện và nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước, cùng khả năng xử lý rủi ro trong bối cảnh bùng nổ công nghệ như hiện nay.

Đây là một lĩnh vực nghiên cứu đang thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia và nhà khoa học. AI có thể cung cấp những giải pháp thông minh, tự động hóa giúp tối ưu hoạt động và tăng cường khả năng ra quyết định./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục