TP.HCM: Đảm bảo phòng, chống dịch và khôi phục, phát triển KT-XH

TP.HCM vừa ban hành kế hoạch triển khai chương trình phòng, chống dịch COVID-19 ở thành phố năm 2022-2023 với phương châm tiếp tục bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt và khôi phục, phát triển KT-XH.
Sản xuất linh kiện điện tử. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)

Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; phòng, chống dịch theo phương thức quản lý rủi ro, chuyển từ mục tiêu kiểm soát số ca mắc sang kiểm soát số ca nhập viện có nguy cơ cao, rất cao và tử vong; sẵn sàng kịch bản ứng phó cho mọi tình huống dịch bệnh; hài hòa giữa các biện pháp phòng, chống dịch và biện pháp khôi phục, phát triển kinh tế-xã hội.

Đây là mục tiêu trọng tâm trong kế hoạch triển khai chương trình phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh năm 2022-2023 vừa được Ủy ban Nhân dân thành phố ban hành.

Để thực hiện mục tiêu này trong lĩnh vực y tế, Thành phố Hồ Chí Minh xác định các giải pháp chủ yếu gồm bao phủ vaccine; nâng cao năng lực của hệ thống y tế sẵn sàng ứng phó với dịch COVID-19; tăng cường năng lực kiểm soát dịch bệnh; tăng cường năng lực khám bệnh, chữa bệnh; bảo đảm nguồn nhân lực và chế độ cho người làm công tác phòng, chống dịch.

Đối với hoạt động bao phủ vaccine, thành phố triển khai việc tiêm vaccine bảo đảm tiến độ nhanh nhất có thể; tăng cường vận động người dân đi tiêm phòng, với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để tránh bỏ sót. Thành phố tổ chức tiêm an toàn, khoa học, hiệu quả cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi ngay khi có vaccine; triển khai tiêm mũi thứ 4 cho người lớn và mũi thứ 3 cho trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 18 tuổi, tiêm chủng cho trẻ em từ 3 tuổi đến 5 tuổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Trong công tác điều trị, Thành phố Hồ Chí Minh tập trung đổi mới cấu trúc và quy trình hoạt động của bệnh viện, bảo đảm thích ứng với trạng thái “bình thường mới.” Các bệnh viện bảo đảm thực hiện 2 chức năng vừa sẵn sàng thu dung, điều trị người mắc COVID-19, vừa bảo đảm khám bệnh, chữa bệnh thông thường; phát hiện sớm trường hợp mắc bệnh lý giai đoạn hậu COVID-19…

Thành phố duy trì bệnh viện dã chiến 3 tầng số 13, 14, 16, với 10.000 giường điều trị, trong đó 1.000 giường hồi sức tích cực. Ngoài ra, thành phố sẵn sàng kích hoạt lại các bệnh viện dã chiến tạm ngưng hoạt động khi dịch bệnh bùng phát trở lại.

[TP.HCM tập trung thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2022]

Để đảo đảm vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế-xã hội và ổn định đời sống nhân dân, Ủy ban Nhân dân thành phố yêu cầu, các địa phương tiếp tục triển khai Kế hoạch thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ, thực hiện nhất quán theo quy định, hướng dẫn của các bộ, ngành.

Các địa phương phát huy tính chủ động, sáng tạo trong kiểm soát tình hình dịch bệnh, tạo điều kiện khôi phục sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế-xã hội, đưa đời sống sinh hoạt của nhân dân dần trở lại trạng thái bình thường mới. Ủy ban Nhân dân thành phố yêu cầu không để tình trạng cục bộ, cát cứ trong ban hành, thực hiện các giải pháp trên mức cần thiết gây ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội.

Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chủ động xây dựng và tổ chức thực hiện hiệu quả kế hoạch phòng, chống dịch gắn với phương án hoạt động sản xuất, kinh doanh tại địa phương (đến tận xã, phường, tổ dân phố), cập nhật, báo cáo kết quả đánh giá.

Trong công tác giáo dục và đào tạo, thành phố tiếp tục triển khai biện pháp phòng, chống dịch khoa học, an toàn, hiệu quả tại cơ sở giáo dục và đào tạo khi học sinh, sinh viên học trực tiếp; căn cứ tình hình dịch bệnh tổ chức hình thức dạy học phù hợp, không để học sinh, sinh viên học trực tuyến kéo dài...

Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh năm 2022-2023 cũng tập trung triển khai các giải pháp về đảm bảo an sinh xã hội; an ninh, trật tự và an toàn xã hội; về tài chính, hậu cần; truyền thông, công nghệ thông tin; hợp tác quốc tế, ứng dụng công nghệ mới, đổi mới sáng tạo và nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực phòng, chống dịch, bảo vệ sức khỏe nhân dân…

Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh đến giải pháp tăng cường sự lãnh đạo, sự chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, trong đó xác định nâng cao hơn nữa trách nhiệm người đứng đầu đơn vị, địa phương; bảo đảm tính chủ động, linh hoạt, tự chịu trách nhiệm; thực hiện quan điểm thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo đi đôi với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong tổ chức thực hiện, bảo đảm nguồn lực và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ; phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng y tế, lực lượng tuyến đầu trong phòng, chống dịch COVID-19.

Cùng với đó là phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 phường, xã, thị trấn; thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ,” đặc biệt là chỉ huy, điều phối, phối hợp tại chỗ để đáp ứng có hiệu quả các tình huống dịch bệnh theo kịch bản phòng, chống dịch./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục