Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, số ca mắc mới có xu hướng tăng trở lại trong tuần qua, ngành y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã củng cố lại hệ thống y tế cơ sở, các trạm y tế lưu động nhằm hỗ trợ hiệu quả cho F0 cách ly, điều trị tại nhà.
Đây là nội dung được Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố thông tin tại buổi họp báo ngày 15/11.
Ông Phạm Đức Hải, Phó Trưởng Ban phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh cho biết kết quả đánh giá cấp độ dịch của toàn thành phố trong 1 tuần qua đang ở cấp độ 2; ở cấp quận, huyện, 10 địa phương ở cấp độ 1 (giảm 3 so với trước đó), 11 địa phương cấp độ 2 (tăng 4 địa phương so với trước đó), riêng huyện Cần Giờ đang ở cấp độ 3.
Như vậy, cấp độ dịch của Thành phố Hồ Chí Minh vẫn giữ nguyên. Tuy nhiên, trong tuần qua, thành phố ghi nhận số ca mắc COVID-19 có xu hướng tăng hơn trước đó, tập trung ở một số khu vực như huyện Hóc Môn, Nhà Bè, Quận 12, thành phố Thủ Đức. Trung bình mỗi ngày có trên 1.100-1.300 ca nhập viện, trong khi đó số ca được xuất viện chỉ ở mức 700-800 ca/ngày.
Hiện các bệnh viện trên địa bàn đang điều trị cho 12.179 bệnh nhân, trong đó có 646 trẻ em dưới 16 tuổi, 258 bệnh nhân nặng đang thở máy, 11 bệnh nhân can thiệp ECMO. Số ca tử vong những ngày gần đây cũng có xu hướng tăng, trong ngày 14/11 là 45 ca.
[Vẫn có cơ sở y tế chưa làm đúng chỉ định, thu phí xét nghệm COVID-19]
Do đó, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch khuyến cáo người dân không được lơ là, chủ quan, kể cả những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine.
Bác sỹ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết trước diễn biến mới của dịch COVID-19, ngành y tế thành phố đã chuẩn bị trước một bước, củng cố lại hệ thống y tế cơ sở, nhất là các khu vực có số F0 tăng cao.
Sở Y tế đề nghị thành lập 8 bệnh viện dã chiến cấp quận/huyện (tương đương với tầng điều trị thứ 2) với quy mô mỗi bệnh viện khoảng 300 giường.
Các bệnh viện này sẽ thay thế cho các bệnh viện dã chiến cấp thành phố đã đóng cửa trước đó trong việc thu dung, điều trị các F0 có triệu chứng. Song song đó, Sở Y tế tổ chức lại các trạm y tế lưu động ở cấp phường, xã tại khu vực có số F0 tăng cao.
Theo bác sỹ Nguyễn Hữu Hưng, mô hình trạm y tế lưu động đã phát huy hiệu quả trong việc theo dõi, hỗ trợ điều trị F0 tại nhà ở thời điểm dịch căng thẳng nhất.
Hiện nay, các trạm y tế lưu động có sự hỗ trợ lực lượng từ Trung ương và các địa phương khác đã rút bớt theo lộ trình, tuy nhiên, vừa qua khi số ca F0 tăng lên, Sở Y tế đã tổ chức tăng cường 70 trạm y tế lưu động ở các quận, huyện có diễn biến dịch phức tạp.
Tùy theo diễn biến dịch, ngành y tế Thành phố sẽ duy trì hoặc thành lập mới các trạm y tế lưu động ở cơ sở bằng nhân lực y tế của Thành phố, theo cơ cấu mỗi trạm 1 bác sỹ, 1-2 điều dưỡng và tình nguyện viên nhằm hỗ trợ tốt nhất cho các F0 cách ly, điều trị tại nhà.
Liên quan đến thông tin một số F0 cách ly tại nhà không liên hệ được với y tế địa phương và chậm phát các gói thuốc điều trị, lãnh đạo Sở Y tế cho biết Sở đã ghi nhận và yêu cầu chấn chỉnh đối với trường hợp nhân viên y tế cơ sở không nắm bắt kịp thời các ca mắc mới để hỗ trợ, nhưng có trường hợp do F0 chưa hiểu rõ các nguyên tắc điều trị tại nhà nên phản ánh thiếu chính xác.
Không phải tất cả F0 cách ly, điều trị tại nhà đều sử dụng thuốc điều trị COVID-19; các gói thuốc B, C chỉ dùng cho những người có triệu chứng và được bác sỹ chỉ định.
Hơn nữa, các bác sỹ phải cân nhắc xem bệnh nhân có thuộc nhóm chống chỉ định dùng thuốc điều trị COVID-19 hay không (bệnh nhân dưới 18 tuổi, phụ nữ mang thai, người có bệnh nền gan, thận….)
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh, địa bàn thành phố hiện có khoảng 47.000 F0 đang cách ly, điều trị tại nhà, chiếm 73% tổng số F0 đang điều trị./.