Trong báo cáo kết quả 3 năm thực hiện Nghị quyết 131/2020/QH14 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh gửi Bộ Nội vụ, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị cần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh khi thực hiện Nghị quyết để phù hợp với tình hình thực tiễn tại thành phố.
Theo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, sau 3 năm, Nghị quyết số 131/2020/QH14 từng bước đi vào chiều sâu. Việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức, bộ máy các cơ quan, đơn vị khi thực hiện tổ chức chính quyền đô thị được tiến hành khẩn trương, nghiêm túc, tinh gọn, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả hoạt động; công tác cán bộ về cơ bản hoàn thành tốt. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước được nâng lên, cải cách hành chính và cải cách chế độ công vụ, công chức có nhiều chuyển biến tích cực.
Thành phố Hồ Chí Minh đã nghiên cứu, vận dụng linh hoạt các nghị quyết, quy định của Trung ương vào tình hình thực tế để kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn, sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã đảm bảo phù hợp; ban hành các chế độ, chính sách hỗ trợ đối với số cán bộ dôi dư do sắp xếp, cán bộ có nguyện vọng nghỉ hưu trước tuổi.
Tuy nhiên, một số tồn tại, hạn chế đã phát sinh trong quá trình thực hiện chính quyền đô thị tại thành phố. Theo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, việc bố trí số lượng công chức và người hoạt động không chuyên trách tại phường chưa phù hợp với khối lượng công việc và quy mô dân số địa phương.
Một số nội dung về phân cấp của Trung ương cho chính quyền địa phương đã thực hiện nhưng còn quy định phải báo cáo xin ý kiến của bộ, ngành trước khi quyết định.
[Thực hiện chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh còn nhiều khó khăn]
Thành phố gặp khó khăn trong việc giải quyết hài hòa giữa số lượng biên chế, người làm việc cần đảm bảo đúng quy định trong khi yêu cầu về chất lượng, khối lượng công việc ngày càng lớn, tính chất phức tạp ngày càng cao hơn; việc sắp xếp, bố trí, kéo giảm số lượng cấp phó đúng theo quy định, trong khi nhiều trường hợp là cán bộ lãnh đạo, quản lý còn trẻ, được đào tạo bài bản, có nguyện vọng cống hiến lâu dài trong các cơ quan của hệ thống chính trị.
Khi thực hiện chính quyền đô thị, Ủy ban Nhân dân quận, phường thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị dự toán ngân sách, không còn nguồn kết dư, nguồn chi khác, dự phòng và tăng thu ngân sách (nếu có). Điều này dẫn đến Ủy ban Nhân dân quận, phường không còn sự chủ động trong công tác điều hành các nhiệm vụ phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cũng như gặp nhiều khó khăn trong việc đảm bảo kịp thời nguồn kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ cấp bách.
Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết thành phố là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện tổ chức chính quyền đô thị (không thí điểm) nên bước đầu còn gặp không ít khó khăn, lúng túng khi áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật trong việc triển khai thực hiện chính quyền đô thị.
Các văn bản pháp luật khác vẫn chưa được điều chỉnh một cách hệ thống, đồng bộ, chưa có quy định cụ thể để hỗ trợ cho việc triển khai tổ chức chính quyền đô thị.
Cùng với đó, số lượng công chức tại Thành phố chưa phù hợp với vị trí việc làm và khối lượng công việc từng vị trí việc làm, quy mô dân số, đặc điểm an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội; do đó, có ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.
Để sớm giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh khi thực hiện mô hình chính quyền đô thị, Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Bộ Nội vụ nghiên cứu, tham mưu trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 131 để trình Quốc hội; đồng thời, kiến nghị Bộ Nội vụ sớm hoàn thiện trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
Thành phố Hồ Chí Minh cũng đề xuất Trung ương nghiên cứu, ban hành quy định, hướng dẫn thực hiện chức năng, nhiệm vụ cấp ủy thành phố trong thành phố; đề xuất Bộ Nội vụ nghiên cứu, trình Chính phủ xem xét phê duyệt số lượng biên chế hành chính, sổ lượng người làm việc, số lượng hợp đồng lao động của Thành phố theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP cho phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương nhằm thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết 31-NQ/TW và Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị theo hướng: giao biên chế theo từng giai đoạn, không giao biên chế theo từng năm và việc giao biên chế có xét đến yếu tố dân số của từng địa phương.
Trước đó, trong báo cáo kết quả 3 năm thực hiện Nghị quyết số 1111/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh gắn với Nghị quyết số 131/2020/QH14, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết cho áp dụng có thời hạn trong giai đoạn sắp xếp đơn vị hành chính một số cơ chế, chính sách đặc thù thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội như: Quy định cụ thể những nội dung liên quan đến việc phân bổ ngân sách cho các đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp; trình tự, thủ tục đơn giản hơn trong việc đấu giá, xử lý tài sản, trụ sở làm việc dôi dư; giữ nguyên số lượng cấp phó của một số cơ quan khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành…
Thành phố cũng kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của chính quyền địa phương ở thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương nhằm cụ thể hóa mô hình thành phố thuộc thành phố, áp dụng vào thực tiễn tại thành phố Thủ Đức; Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép điều chỉnh, thành lập mới đối với các đơn vị hành chính đối với các đơn vị hành chính cấp xã có tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều dự án trọng điểm, quy mô dân số rất đông khi thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030./.