TP.HCM cơ cấu hơn 384.000 tỷ đồng nợ vay cho doanh nghiệp

Các ngân hàng trên địa bàn TP.HCM hỗ trợ giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp và giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới với lãi suất thấp cho 230.700 khách hàng bị ảnh hưởng dịch COVID-19.
Đại diện các ngân hàng tham gia ký kết hỗ trợ cho các doanh nghiệp phục hồi sản xuất sau dịch COVID-19. (Ảnh: Hứa Chung/TTXVN)
Đại diện các ngân hàng tham gia ký kết hỗ trợ cho các doanh nghiệp phục hồi sản xuất sau dịch COVID-19. (Ảnh: Hứa Chung/TTXVN)

Cơ cấu hơn 384.000 tỷ đồng nợ vay do ảnh hưởng COVID-19 là thông tin tại Hội nghị Kết nối hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh sau dịch COVID-19, do Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chiều 2/7.

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, tính đến ngày 29/6, các ngân hàng trên địa bàn thành phố đã thực hiện hỗ trợ cho doanh nghiệp thông qua việc giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp và giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới với lãi suất thấp cho 230.700 khách hàng bị ảnh hưởng dịch COVID-19, với tổng dư nợ là 384.610 tỷ đồng.

Các ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 168.668 khách hàng, với dư nợ 64.215 tỷ đồng; miễn giảm lãi cho 17.419 khách hàng với dư nợ 49.971 tỷ đồng; thực hiện cho vay mới luỹ kế từ 23/01/2020 cho 44.613 khách hàng, với doanh số đạt 270.425 tỷ đồng.

Đây cũng là chương trình hỗ trợ doanh nghiệp theo nội dung Thông tư 01/2020-TT-NHNN (Thông tư 01) ngày 13/3/2020 của Ngân hàng Nhà nước về cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi suất, phí và giữ nguyên nhóm nợ đối với doanh nghiệp, khách hàng bị ảnh hưởng dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng đã trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cụ thể từng trường hợp theo danh sách doanh nghiệp phản ánh qua các sở, ngành, quận, huyện và hiệp hội doanh nghiệp. Cụ thể, các ngân hàng đã xử lý, tập trung vào việc giảm lãi suất và cơ cấu lại nợ giữ nguyên nhóm nợ cho 539 trường hợp.

[Gần 224.000 doanh nghiệp, hộ kinh doanh được hỗ trợ sau dịch COVID-19]

Riêng chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp, năm 2020, Thành phố Hồ Chí Minh có 12 thương hiệu ngân hàng đăng ký tham gia gói tín dụng, với tổng dư nợ 274.450 tỷ đồng. Đến nay, chương trình này đã thực hiện hỗ trợ cho 6.393 khách hàng, với dư nợ trên 129.519 tỷ đồng.

Tại hội nghị, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá cao sự hỗ trợ của ngành ngân hàng trong việc cơ cấu lại nợ, cung ứng vốn với lãi suất ưu đãi cho doanh nghiệp qua chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp trong thời gian qua, nhất là trong bối cảnh doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19 hiện nay.

TP.HCM cơ cấu hơn 384.000 tỷ đồng nợ vay cho doanh nghiệp ảnh 1Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Hứa Chung/TTXVN)

Để phát huy hơn nữa vai trò hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh lưu ý chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp phải được thực hiện xuyên suốt ở từng quận, huyện, từng ngân hàng, hiệp hội doanh nghiệp. Đồng thời, tổ công tác hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp khắc phục khó khăn do dịch COVID-19 của từng sở, ngành phải sâu sát hơn nữa để ghi nhận đầy đủ kiến nghị của các doanh nghiệp và ngân hàng, nhằm giải quyết những khó khăn phát sinh trong quá trình kết nối.

Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cam kết ngành ngân hàng sẽ tiếp tục chia sẻ, đồng hành với Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và các doanh nghiệp phục hồi sau dịch, vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, giữ ổn định lãi suất và tỷ giá, cân đối các chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng với lạm phát và các chỉ số vĩ mô của nền kinh tế.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng hoàn thiện nền tảng công nghệ số, xây dựng đối mới các sản phẩm, dịch vụ tài chính ngân hàng trong thanh toán, dịch vụ ngân hàng số… để tạo ra nền tảng thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp tiết giảm chi phí, tiết giảm thời gian giao dịch.

Riêng đối với các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước sẽ nhanh chóng sửa đổi, bổ sung Thông tư 01 theo hướng kéo dài thời gian hỗ trợ có thể đến hết năm 2020 hoặc lâu hơn tùy theo diễn biến và ảnh hưởng của dịch bệnh.

Dịp này, đại diện 16 tổ chức tín dụng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã tham gia ký kết hỗ trợ (gia hạn nợ, giảm lãi vay cũ và cho vay mới) cho hơn 17.000 doanh nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ bị ảnh hưởng dịch COVID-19, với tổng dư nợ trên 87.000 tỷ đồng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục