TP.HCM: Chuyển biến tích cực trong ý thức tham gia giao thông nhờ NĐ168

Sau hơn 1 tuần áp dụng triển khai Nghị định 168, Công an Thành phố Hồ Chí Minh nhận thấy người dân đã nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc chấp hành nghiêm Pháp luật về giao thông.
Một trường hợp vi phạm lỗi không chấp hành đèn tín hiệu giao thông bị lực lượng cảnh sát giao thông dừng xe, kiểm tra và xử lý. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Nghị định 168/2024/NĐ-CP chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 quy định mức xử phạt khá nghiêm khắc đối với nhiều lỗi vi phạm luật giao thông. Việc áp dụng Nghị định đã tạo ra sự chuyển biến tích cực với ý thức, trách nhiệm khi tham gia giao thông của người dân.

Đây là khẳng định của Thượng tá Lê Văn Hải, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát Giao thông (PC08), Công an Thành phố Hồ Chí Minh tại cuộc họp về các vấn đề kinh tế-xã hội do Ban Tuyên giáo Thành ủy và Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chiều 9/1.

Theo Thượng tá Lê Văn Hải, từ ngày 1/1/2025 đến ngày 7/1/2025, lực lượng Cảnh sát giao thông Thành phố Hồ Chí Minh đã kiểm tra, phát hiện và xử lý 11.830 trường hợp vi phạm an toàn giao thông, tạm giữ 4.333 phương tiện (gồm 11 xe ôtô, 4.220 xe môtô cùng 102 phương tiện khác), tước giấy phép lái xe của 2.091 trường hợp, phạt tiền ước tính 42,5 tỷ đồng. So liền kề cùng kỳ năm trước, số tiền phạt về vi phạm an toàn giao thông ước tính tăng 11 tỷ đồng.

Hành vi vi phạm bị xử lý nhiều nhất là vi phạm về nồng độ cồn với 3.633 trường hợp, tiếp đến là vi phạm về tốc độ với 1.235 trường hợp. Một số hành vi vi phạm phổ biến khác là lưu thông không đúng phần đường, làn đường, đi trên hè phố (468 trường hợp); dừng đỗ không đúng quy định (805 trường hợp); không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông (389 trường hợp); không đội mũ bảo hiểm (878 trường hợp); xe không đảm bảo an toàn kỹ thuật (697 trường hợp).

Thượng tá Lê Văn Hải cho biết, sau hơn 1 tuần áp dụng triển khai Nghị định 168, Công an Thành phố Hồ Chí Minh nhận thấy tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn Thành phố đã có nhiều chuyển biến tích cực; người dân đã nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong việc chấp hành nghiêm Pháp luật về giao thông.

Theo đó, vào những khung giờ cao điểm trên các tuyến đường trọng điểm trên địa bàn Thành phố, hầu hết người điều khiển phương tiện tham gia giao thông dừng chờ đèn tín hiệu nghiêm túc, dừng đúng vạch quy định, có trật tự. Không còn tình trạng người tham gia giao thông điều khiển phương tiện lưu thông trên hè phố. Hành vi lưu thông không đúng phần đường, lưu thông ngược chiều cũng đã hạn chế.

Bên cạnh đó, người dân Thành phố đã có sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, đặc biệt là văn hóa không lái xe sau khi đã sử dụng rượu, bia dần được cải thiện. Đa số người dân dần tạo thói quen sử dụng hình thức phương tiện xe công nghệ sau khi đã sử dụng rượu bia.

Đối với việc người dân gửi hình ảnh về hành vi vi phạm giao thông đến Cảnh sát giao thông để nhận tiền thưởng, Thượng tá Lê Văn Hải cho biết, phong trào toàn dân tham gia phát hiện, cung cấp thông tin hình ảnh phản ánh về vi phạm trật tự an toàn giao thông qua trang ZOA của Phòng PC08 với phương châm "mỗi người dân là một chiến sỹ cảnh sát giao thông phát hiện hành vi vi phạm" đã được Công an Thành phố phát động từ tháng 6/2024.

Từ khi phát động phong trào đến lúc Nghị định 168 có hiệu lực, Phòng PC08 đã tiếp nhận 1.880 thông tin hình ảnh, chuyển cho các đơn vị Cảnh sát giao thông 1.041 thông tin để tiếp tục xác minh chủ phương tiện/người vi phạm đấu tranh xử lý. Các đơn vị đã rà soát, xác minh gửi 654 thông báo mời chủ phương tiện/người vi phạm và đã ra quyết định xử phạt 128 trường hợp với số tiền gần 500 triệu đồng, trong đó có 61 trường hợp tước giấy phép lái xe, ngoài ra còn 87 thông tin hình ảnh phản ánh đang đợi xác minh, xử lý.

Riêng đối với nội dung chi hỗ trợ cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin phản ánh hành vi vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông với mức chi không quá 10% số tiền xử phạt vi phạm hành chính, tối đa 5 triệu đồng mỗi vụ việc theo Nghị định 176/2024 của Chính phủ (có hiệu lực từ 1/1/2025), Thượng tá Lê Văn Hải cho biết, hiện nay Phòng PC08 chưa thực hiện việc chi trả do chưa có hướng dẫn cụ thể của Bộ Công an.

Phòng PC08 cũng chưa nhận được những thông tin phản ánh hay tố cáo về việc tiêu cực liên quan như tống tiền người vi phạm; bị đánh khi đi quay vi phạm giao thông.

Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho bản thân và cộng đồng, Công an Thành phố Hồ Chí Minh khuyến cáo người dân tuân thủ nghiêm Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; tham gia giao thông văn minh, lịch sự.

Đối với người dân cung cấp thông tin phản ánh hành vi vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông phải đảm bảo việc thu thập thông tin không gây ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của công dân và tôn trọng quyền riêng tư cá nhân, quyền tự do hình ảnh của công dân nơi công cộng. Mặt khác nếu thông tin có dấu hiệu làm giả, làm sai lệch thì người cung cấp thông tin sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục