TP.HCM: Chung tay chăm sóc sức khỏe người dân hậu mắc COVID-19

Hội Đông y TP.HCM phối hợp cơ sở điều trị đánh giá mức độ hồi phục, phát hiện các bệnh lý, để kịp thời ngăn chặn các di chứng hậu COVID-19, đồng thời giúp giải quyết các vấn đề tâm lý sau điều trị.
Bệnh nhân được bác sỹ khám sức khoẻ, đo huyết áp hậu COVID-19. (Ảnh: Thu Hương/TTXVN)

Ngày 16/1, tại Viện Y dược học dân tộc Thành phố Hồ Chí Minh, Hội Đông Y Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Lễ phát động Chương trình Chung tay chăm sóc sức khỏe nhân dân hậu mắc COVID-19 với Chủ đề “Sức khỏe nhân dân - Nụ cười thầy thuốc.”

Phát biểu tại buổi lễ, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Hữu Hiệp cho rằng, đây là chương trình có ý nghĩa thiết thực, nhân văn.

Trong thời gian qua, Ban Dân vận Thành ủy phối hợp với Hội Đông Y Thành phố Hồ Chí Minh trao 20.000 túi thuốc Đông Y cho các bệnh nhân F0 chưa có triệu chứng, triệu chứng nhẹ đang điều trị tại nhà.

Thành phố cũng tặng 100.000 phần quà là các sản phẩm y học cổ truyền cho người bệnh tại các bệnh viện dã chiến của quận, huyện và thành phố Thủ Đức. 

Trên cơ sở đó, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu Hội Đông Y tiếp tục phát huy vai trò trong thời gian tới với mục tiêu sức khỏe người dân là trên hết.

[Hỏi đáp COVID-19: Khi nào người khỏi bệnh cần đi khám di chứng]

Trong đó, phối hợp với các đơn vị, cơ sở điều trị tiếp tục đánh giá mức độ hồi phục, đồng thời phát hiện ra các bệnh lý, để kịp thời ngăn chặn các di chứng hậu COVID-19; cũng như tiếp nối các giai đoạn điều trị, hỗ trợ phục hồi sức khỏe người mắc COVID-19 một cách toàn diện, trở lại trạng thái sức khỏe bình thường.

Đồng thời trợ giúp người bệnh giải quyết các vấn đề về tâm lý sau quá trình điều trị bệnh. 

Ở góc độ chuyên môn, bác sỹ Huỳnh Nguyễn Lộc, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Đông Y Việt Nam, Chủ tịch Hội Đông Y Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng với phương châm “Sức khỏe nhân dân - Nụ cười thầy thuốc,” chương trình mong muốn chia sẻ, đem lại niềm vui, những gì tốt nhất có thể cho sức khỏe người dân hậu COVID-19. 

Chương trình diễn ra từ ngày 16/1 đến ngày 29/4, được chia làm 2 giai đoạn với mục tiêu khám, tầm soát bệnh và sàng lọc, tư vấn tâm lý cho 12.000 người.

Trong đó có 6.000 người là đảng viên cao tuổi, các gia đình có công với cách mạng, các lực lượng tuyến đầu hậu mắc COVID-19; 6.000 người dân có hoàn cảnh khó khăn thuộc 21 quận, huyện và thành phố Thủ Đức. 

Đây là chương trình miễn phí các hoạt động khám bệnh tầm soát, sàng lọc, tư vấn tâm lý hậu COVID-19, chụp X-quang tim phổi, đo điện tim (ECG), siêu âm.

Đặc biệt người đến thăm được tặng quà và các sản phẩm y học cổ truyền từ dược liệu; được hướng dẫn biện pháp nâng cao thể trạng như tự xoa bóp, dưỡng sinh, ăn uống… và các biện pháp theo dõi sức khỏe, phòng ngừa tái nhiễm. 

Theo thống kê của Hội Đông Y Thành phố Hồ Chí Minh, trong đợt dịch thứ 4 vừa qua, hơn 80% bệnh nhân F0 đều có hội chứng hậu COVID-19.

Đặc biệt, một số trường hợp có hiện tượng bị xơ phổi có thể phục hồi được theo thời gian hoặc kéo dài vài tháng và cũng có thể trở thành xơ hóa vĩnh viễn.

Nhìn chung, các hội chứng hậu COVID-19 xuất hiện với bệnh nhân nằm viện từ 3-6 tháng sau khi âm tính trở lại, hoặc điều trị tại nhà. Nằm viện càng lâu bệnh càng nặng và di chứng hậu COVID-19 ngày càng cao, ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống người bệnh. 

Đơn cử như trường hợp bà L.T.T (64 tuổi, quận Phú Nhuận), khi mắc COVID-19, bà T. đã điều trị 12 ngày tại Bệnh viện thu dung và điều trị COVID-19 số 3 và được xuất viện. Sau khi về nhà, bà T. liên tục bị đau nhức cơ thể, lo âu, rụng tóc, đãng trí... khiến bà vô cùng lo lắng cho sức khỏe của mình. 

Tiến sỹ Ngô Xuân Điệp, Trưởng Khoa Tâm lý - Trường Đại học Khoa học - Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh cho biết trường hợp của bà T. chỉ là một trong số 482 trường hợp được thăm khám và điều trị tại Viện Y dược học dân tộc Thành phố Hồ Chí Minh trong ngày 15/1.

Đa phần những người bệnh khi tới đây đều gặp phải các triệu chứng hậu COVID-19 như rối loạn tâm thần nặng, các trường hợp này được các chuyên gia tâm lý tư vấn, tham vấn và giới thiệu đến các cơ sở điều trị tâm lý chuyên sâu hơn.

Theo Tiến sỹ Ngô Xuân Điệp, đơn vị tham gia chương trình này với 5 Tổ Tâm lý lâm sàng được đặt ở Viện Y dược học dân tộc Thành phố Hồ Chí Minh. Tại đây, ngoài thăm khám điều trị về sức khỏe thể chất, người dân sẽ được tư vấn, tham vấn trị liệu tâm lý về sức khỏe tinh thần hậu COVID-19.

Ngoài ra, chương trình còn tổ chức chăm lo cho các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn do cha mẹ bị ảnh hưởng dịch COVID-19. Tại buổi lễ, Ban Tổ chức trao 50 phần quà cho trẻ em ở quận Phú Nhuận có hoàn cảnh khó khăn để phần nào hỗ trợ, giúp đỡ các em và gia đình vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch.

Viện Y dược học dân tộc Thành phố Hồ Chí Minh gửi tặng 50 thẻ bảo hiểm y tế đến người có công với cách mạng, đảng viên cao tuổi, người già neo đơn, người dân có hoàn cảnh khó khăn tại quận Phú Nhuận./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục