Nhiều vấn đề về công tác phòng, chống dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh được dư luận quan tâm như việc tổ chức học trực tiếp vẫn đảm bảo an toàn phòng dịch cho học sinh lớp 9 và 12 trên địa bàn; việc thu gom, xử lý rác thải trong hộ gia đình có người nhiễm COVID-19; huy động nhà thuốc tư nhân tham gia tư vấn đối với người nhiễm COVID-19... đã được thông tin tại cuộc họp báo định kỳ về tình hình phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh do Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức vào chiều tối 13/12.
Chưa phát hiện ca nhiễm trong trường học
Theo ông Dương Trí Dũng, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, sáng 13/12, tỷ lệ học sinh lớp 9 đến trường trở lại đạt 90,69% trên tổng số 80.927 em.
Tỷ lệ học sinh lớp 12 đến trường đạt 93,62% trên tổng số 60.566 em. Về khối giáo dục thường xuyên, học sinh lớp 9 đến lớp đạt 73,6%; học sinh lớp 12 đạt 91,17%.
Trước đó, khảo sát ban đầu cho thấy tỷ lệ phụ huynh, học sinh đồng ý đến trường trở lại là 79% nhưng trong ngày đầu trở lại trường học, tỷ lệ học sinh các khối đến lớp đều đạt trên 90%.
Ông Dương Trí Dũng cũng cho biết, ngành giáo dục và y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp để hướng dẫn các đơn vị trường học xây dựng tình huống, giải pháp ứng phó trong trường hợp phát hiện học sinh nhiễm hoặc nghi nhiễm COVID-19, bảo đảm an toàn trong việc dạy và học.
Cụ thể, khi xuất hiện các ca nhiễm/ca nghi ngờ, nhà trường sẽ phối hợp với y tế địa phương để tầm soát, xét nghiệm nhanh cho học sinh; chi phí xét nghiệm sẽ do từng đơn vị trường học chi trả. Về lâu dài, Sở Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản đề xuất Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cấp các bộ xét nghiệm nhanh cho các cơ sở y tế quận/huyện/thành phố để phối hợp với trường học tiến hành xét nghiệm theo quy định.
[Học sinh lớp 9, lớp 12 ở Thành phố Hồ Chí Minh trở lại trường]
Sáng 13/12, ngành giáo dục và y tế thành phố đã tổ chức 5 đoàn công tác đến kiểm tra việc tổ chức cho học sinh đi học trực tiếp tại các đơn vị trường học tại các quận 3, 4, 5, 10 và Gò Vấp.
Ngoài ra, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng chủ động tổ chức các đoàn của các phòng chuyên môn kiểm tra phòng, chống dịch an toàn trên 22 quận, huyện. Theo ông Dương Trí Dũng, đến thời điểm này, thành phố chưa ghi nhận ca nhiễm COVID-19 xuất hiện trong trường học.
Vận động nhà thuốc tư nhân tham gia tư vấn cho người nhiễm COVID-19
Về kế hoạch huy động nhà thuốc tư nhân tại Thành phố Hồ Chí Minh tham gia tư vấn cho người mắc COVID-19, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết Sở Y tế đã ban hành văn bản gửi đến 6.500 nhà thuốc về vấn đề này.
Theo bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, nhà thuốc thường tập trung ở khu dân cư đông đúc, chợ, khu công nghiệp nên việc huy động nhóm này tham gia chống dịch là rất thiết thực. Hoạt động đầu tiên nhà thuốc có thể phối hợp là cung ứng đầy đủ vật dụng, thuốc cần thiết để chăm sóc sức khỏe tại nhà cho người bị mắc COVID-19. Nhà thuốc sẽ cung cấp thuốc không kê đơn hoặc thuốc đã được trạm y tế, mạng lưới thầy thuốc đồng hành kê đơn.
Các nhà thuốc được yêu cầu phải bán đúng giá và đảm bảo chất lượng, đồng thời có thể cung cấp sinh phẩm và các bộ xét nghiệm nhanh được Bộ Y tế cho phép lưu hành với giá cả phù hợp, đã đăng ký.
Ngoài ra, các nhà thuốc còn có thể đăng ký phân phối các loại trang thiết bị y tế, như máy SpO2, nhiệt kế... hoặc một số thiết bị phục vụ chăm sóc sức khỏe cho người nhiễm COVID-19 tại nhà.
Các nhà thuốc có thể tham gia hoạt động truyền thông, tư vấn, chăm sóc cho người nhiễm COVID-19 điều trị tại nhà theo phương châm “mỗi nhà thuốc là một tình nguyện viên.” Người dân có triệu chứng như sốt, ho, khó thở, nhà thuốc có trách nhiệm hướng dẫn người dân đến trạm y tế lưu động để được chăm sóc.
Các nhà thuốc cũng có thể làm cầu nối giữa người nhiễm COVID-19 và tổ chăm sóc COVID-19 cộng đồng, như: cung cấp thông tin về trạm y tế, trạm y tế lưu động cho người dân. Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh sẽ lựa chọn một số nhà thuốc để cung cấp những túi thuốc A, B, C miễn phí cho người dân. Tùy theo địa bàn, phòng y tế phối hợp với cơ quan chức năng để lựa chọn nhà thuốc phù hợp trong việc chăm sóc người nhiễm.
Về biến chủng Omicron, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết, theo chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân thành phố, các cơ quan chức năng vẫn đang giám sát chặt chẽ, đặc biệt với nhóm người nước ngoài nhập cảnh thông qua đường hàng không, đường thủy.
Ba ngày qua, Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận 1.597 người nước ngoài đến và tất cả được khám sàng lọc, ngành y tế đã phát hiện 9 trường hợp dương tính với SARS-C0V-2. Tất cả được giải mã trình tự gene và chưa phát hiện chủng mới Omicron.
Ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đến hết ngày 12/12, tổng số mũi vaccine bổ sung, mũi nhắc đã được triển khai là hơn 14,8 triệu liều. Trong đó, có hơn 7 triệu mũi 1 và hơn 6 triệu mũi 2, trên 11.700 liều bổ sung, nhắc lại.
Đối với tiến độ của chiến dịch bảo vệ những người thuộc nhóm nguy cơ trên địa bàn thành phố, ông Nguyễn Hồng Tâm cho hay, công tác khảo sát và lập danh sách người trên 65 tuổi, có bệnh nền hiện vẫn chưa hoàn thành.
Theo dự kiến, việc lập danh sách diễn ra từ ngày 7 đến 12/12; tuy nhiên, hoạt động còn mới và gặp nhiều khó khăn. Sở Y tế đã nhắc nhở các quận, huyện sớm khảo sát nhóm đối tượng này.
Liên quan hoạt động tiêm vaccine cho người lao động quay lại Thành phố Hồ Chí Minh làm việc, ông Nguyễn Hồng Tâm cho biết thành phố đang có chiến dịch “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tìm ra đối tượng chưa tiêm, từ đó sàng lọc và tiêm sớm cho họ.
Về tình hình thực hiện các quy định phòng, chống dịch, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng Phòng tham mưu Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, công an các quận, huyện và thành phố Thủ Đức tiếp tục duy trì tốt công tác tuần tra, kiểm soát lưu động để vừa đảm bảo an ninh trật tự, vừa phát hiện, xử lý, chấn chỉnh vi phạm phòng chống dịch.
Theo thống kê của Công an Thành phố Hồ Chí Minh, từ ngày 1/10 đến nay, các lực lượng đã tổ chức trên 126 lượt tuần tra kiểm soát, xử lý trên 87.000 trường hợp vi phạm Nghị định 100, phạt tiền trên 100 tỷ đồng; nhắc nhở, xử lý 251 trường hợp vi phạm nghị định 117, trong đó chủ yếu lỗi ra đường không đeo khẩu trang.
Công an Thành phố Hồ Chí Minh cũng chỉ đạo công an các quận, huyện và thành phố Thủ Đức tăng cường tuần tra, xử lý tình trạng bán hàng rong không đúng nơi quy định nhằm không để xảy ra tình trạng chợ tự phát. Sau một tuần ra quân, từ ngày 8/12 đến nay, lực lượng chức năng đã xử phạt hành chính 57 trường hợp bán hàng rong không đúng nơi quy định.
Ngoài ra, Công an Thành phố Hồ Chí Minh đang phối hợp với Sở Y tế thành phố để tổ chức tập huấn, trang bị kiến thức, kỹ năng y tế cơ bản và công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 cơ bản cho lực lượng cảnh sát khu vực nhằm nâng cao khả năng xử lý các sự cố y tế và phòng chống dịch tại cơ sở./.