TP.HCM chưa có kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi

Theo ông Phạm Đức Hải, Sở Y tế TP.HCM đang xin chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân thành phố, chứ thành phố chưa có kế hoạch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em trên địa bàn.
TP.HCM chưa có kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi ảnh 1Tiêm vaccine ngừa COVID-19. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

Nhiều vấn đề về công tác phòng, chống dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh được dư luận quan tâm như kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ em từ 12-17 tuổi, kế hoạch mở lại các dịch vụ ăn uống tại chỗ, việc người lao động trở lại Thành phố Hồ Chí Minh… đã được thông tin tại cuộc họp báo định kỳ về tình hình phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh do Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức vào chiều tối 18/10.

Về việc tiêm chủng cho trẻ em từ 12-17 tuổi, theo ông Phạm Đức Hải, Phó Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 14/10/2021, Bộ Y tế có văn bản số 8688/BYT-DP về việc tiêm phòng vaccine COVID-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, vừa qua, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã có tờ trình gửi Ủy ban Nhân dân thành phố về việc triển khai tiêm vaccine theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

“Như vậy có nghĩa là Sở Y tế đang xin chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân thành phố, chứ hiện nay thành phố chưa có kế hoạch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em trên địa bàn. Sau khi Bộ Y tế có những hướng dẫn cụ thể hơn, như tiêm loại vaccine nào, tiêm như thế nào, tiêm vào thời điểm nào…, Sở Y tế sẽ hoàn thiện tờ trình và Ủy ban Nhân dân thành phố sẽ ban hành kế hoạch tiêm theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế," ông Phạm Đức Hải cho biết.

Tại cuộc họp, ông Phạm Đức Hải cũng thông tin trong đợt bùng phát dịch COVID-19 vừa qua, Thành phố Hồ Chí Minh nhận được sự hỗ trợ tích cực từ các bộ, ngành, địa phương.

Thành phố Hồ Chí Minh luôn luôn trân trọng và biết ơn sự hỗ trợ của các đơn vị, nhờ đó thành phố có thêm điều kiện để phòng, chống dịch hiệu quả hơn.

Ông Hải cho biết theo kế hoạch, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ cử 15 ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố đến 32 tỉnh, thành phố để cảm ơn, thăm hỏi và cùng các địa phương trao đổi kinh nghiệm về phòng, chống dịch. Ngày 17/10 vừa qua, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đã đến thăm và làm việc tại tỉnh Sóc Trăng.

[Videographics] Có thể tiêm vaccine cho trẻ em 12-17 tuổi từ tháng 10

Đối với những lo ngại từ phía người dân về việc thành phố có thể tiếp tục đối mặt với các đợt bùng phát dịch mới trong thời gian tới, bác sỹ Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh thông tin ngày 12/10/2021, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 4800/QĐ-BYT về hướng dẫn chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19."

Các địa phương sẽ dựa trên 3 tiêu chính đánh giá về tỷ lệ ca mắc mới tại cộng đồng/số dân/thời gian; độ bao phủ vaccine và khả năng thu dung, điều trị của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh các tuyến để phân loại cấp độ dịch theo 4 cấp: nguy cơ thấp, nguy cơ trung bình, nguy cơ cao và nguy cơ rất cao. Tùy theo cấp độ dịch mà mỗi địa phương sẽ có biện pháp ứng phó thích hợp.

Theo bác sỹ Nguyễn Hồng Tâm, hiện Chính phủ đã chuẩn bị mọi phương án để đối phó với từng tình huống dịch xảy ra nên người dân không cần quá lo lắng.

Về việc mở lại dịch vụ ăn uống tại chỗ, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cho biết chủ trương của thành phố là các loại hình hoạt động dịch vụ có đủ điều kiện đảm bảo an toàn phòng, chống dịch thì các sở, ngành sẽ tham mưu với lãnh đạo thành phố cho mở lại, các loại hình có khả năng gây ra nhiều rủi ro thì phải cân nhắc, đánh giá kỹ tình hình. Loại hình ăn uống tại chỗ tập trung đông người nên hiện nay thành phố chưa có chủ trương mở lại, cần phải tính toán thêm.

Về kế hoạch và lộ trình mở cửa loại hình này trong thời gian tới, ông Nguyễn Nguyên Phương cho rằng tùy loại hình dịch vụ mà do các sở, ngành liên quan phụ trách, tham mưu để có lộ trình khác nhau. Dịch vụ ăn uống hiện nay do Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh phụ trách quản lý và tham mưu chính, Sở Công Thương không phải đơn vị quản lý trực tiếp nên chưa thể đưa ra câu trả lời chính xác.

Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, rất nhiều người dân Thành phố Hồ Chí Minh đều mong muốn các dịch vụ ăn uống được mở lại như điều kiện bình thường.

Tuy nhiên, hiện nay, Chỉ thị 18 chỉ mới cho phép các hàng quán bán phục vụ mang đi chứ chưa cho phép phục vụ tại chỗ. Do đó, nếu cơ sở ăn uống nào phục vụ khách hàng tại chỗ là làm trái quy định, các quận, huyện phải quản lý và xử phạt nếu phát hiện.

Ban Chỉ đạo hy vọng người dân kiên nhẫn, chấp hành đúng chủ trương, quy định về phòng, chống dịch của thành phố.

TP.HCM chưa có kế hoạch tiêm vaccine cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi ảnh 2Các nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại TP. Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Về việc chi hỗ trợ đợt 3 cho người dân Thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh cho biết theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân Thành phố, hỗ trợ đợt 3 sẽ kết thúc vào ngày 15/10.

Hiện nay, thành phố mới chi trả cho khoảng 5 triệu người, vẫn còn khoảng 1,5 triệu người chưa nhận trợ cấp vì có bộ phận người dân đăng ký nhận trợ cấp nhưng đã về quê và chưa có mặt ở địa phương để nhận hỗ trợ hoặc đang điều trị tại bệnh viện, khu phong tỏa, khu cách ly. Do đó, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã đề nghị và được Ủy ban Nhân dân thành phố chấp thuận kéo dài thời gian kết thúc hỗ trợ cho tới ngày 22/10.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Lâm cho biết quá trình chi hỗ trợ nếu có phát hiện trường hợp mới sẽ đề xuất bổ sung.

Về việc người lao động trở lại Thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Văn Lâm cho biết theo số liệu từ Ban Quản lý Khu công nghiệp, Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh, số người lao động trở lại đến nay thêm khoảng 135.000 người, số người trở lại các doanh nghiệp trên địa bàn quận, huyện khoảng 5.000 người.

Thời gian qua, số lượng người lao động ở Tây Nguyên trở lại làm việc khá đông cho thấy nguồn lao động sắp tới sẽ khả quan hơn.

Tại cuộc họp, bà Lê Thiện Quỳnh Như, Phó Chánh Văn phòng Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết Sở đã kiến nghị Ủy ban Nhân dân thành phố cho phép bệnh viện được tiếp nhận và triển khai mô hình bệnh viện dã chiến điều trị 3 tầng.

Cụ thể, các bệnh viện tại khu vực Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp nhận trung tâm hồi sức thuộc Bệnh viện Hữu nghị Việt-Đức, hiện đã tiếp nhận vào ngày 15/10.

Bệnh viện nhân dân Gia Định tiếp nhận trung tâm hồi sức thuộc Bệnh viện Bạch Mai. Bệnh viện Nhân dân 115 sẽ tiếp nhận trung tâm hồi sức thuộc Bệnh viện Trung ương Huế, dự kiến cuối năm 2021.

Ngoài ra, các bệnh viện dã chiến của thành phố cũng đã có lộ trình ngưng hoạt động. Cụ thể, đến ngày 31/10 sẽ ngưng hoạt động 5 bệnh viện: Bệnh viện dã chiến Củ Chi cơ sở 2 và 3; Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID số 1, 7, 9; đến ngày 30/11 sẽ ngưng hoạt động 5 bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 2, 4 10, 11 và 12; ngày 31/12 tiếp tục ngưng hoạt động 5 Bệnh viện dã chiến Củ Chi cơ sở 1, Bệnh viện dã chiến số 3, 5, 8./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục