TP.HCM chú trọng chăm lo, điều trị cho người dân hậu COVID-19

Một số bệnh viện lớn tại Thành phố Hồ Chí Minh đã thành lập khoa điều trị hậu COVID-19 như Bệnh viện Nhi đồng 1 khám cho trẻ em; Bệnh viện Lê Văn Thịnh, Bệnh viện Chợ Rẫy… khám cho người lớn.
TP.HCM chú trọng chăm lo, điều trị cho người dân hậu COVID-19 ảnh 1Tiêm vaccine ngừa COVID-19. (Nguồn: TTXVN)

Điều trị cho người dân hậu COVID-19, kế hoạch tiêm mũi 3, cung ứng lao động dịp Tết Nhâm Dần 2022... là các nội dung nổi bật được đưa ra trong cuộc họp thông tin về phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế định kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 10/1.

Nhiều bệnh viện lập khoa điều trị hậu COVID-19

Về ghi nhận nhiều di chứng tim, phổi, rối loạn tâm thần ở người bệnh sau khi mắc COVID-19, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết ngành y tế rất quan tâm tới nhóm người bệnh này. Thành phố đang tiến hành tiêm vaccine cho người dân thuộc các nhóm này.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, sau khi xuất viện, các F0 khỏi bệnh có thể tiêm ngay vaccine mũi bổ sung. Bên cạnh đó, các bệnh viện đã có phòng khám hậu COVID-19 để tư vấn cho các F0 khỏi bệnh từ vấn đề tâm lý đến thể chất.

Một số bệnh viện lớn tại Thành phố Hồ Chí Minh đã thành lập khoa điều trị hậu COVID-19 như Bệnh viện Nhi đồng 1 khám cho đối tượng là trẻ em trong khi Bệnh viện Lê Văn Thịnh, Bệnh viện Phục hồi chức năng Thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Chợ Rẫy… khám cho người lớn.

Mới đây, Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã xây dựng sổ tay "Cẩm nang phục hồi sau COVID-19" trong Bộ môn Kỹ thuật Phục hồi chức năng nhằm hỗ trợ cho nhóm này.

Theo ông Huỳnh Nguyễn Lộc, Chủ tịch Hội Đông Y Thành phố Hồ Chí Minh, trong năm 2022, Hội Đông Y Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tổ chức chương trình “Chung tay, chăm sóc sức khỏe nhân dân hậu mắc COVID-19” với chủ đề “Sức khỏe nhân dân-Nụ cười thầy thuốc."

[TP Hồ Chí Minh rút ngắn thời gian cách ly F0 tại nhà còn 10 ngày]

Chương trình sẽ diễn ra xuyên suốt 5 tháng (từ 14/1 đến 29/4), do Ban chỉ đạo Thành phố Hồ Chí Minh, Hội Đông Y và các đơn vị cùng phối hợp, thực hiện. Giai đoạn 1, Hội tập trung chăm lo cho khoảng 6.000 người có công với cách mạng, đảng viên cao tuổi thuộc 22 quận, huyện, thành phố Thủ Đức. Giai đoạn 2, Hội Đông Y Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục chăm lo cho 6.000 người khó khăn hậu nhiễm SARS-CoV-2 trên địa bàn.

Theo kế hoạch, người dân thăm khám được tầm soát bệnh miễn phí, sàng lọc tư vấn tâm lý hậu COVID-19 miễn phí, chụp X quang tim, phổi; đo tim; siêu âm miễn phí. Đồng thời, Hội cũng phát tặng các sản phẩm y học cổ truyền từ dược liệu cho 12.000 người tham gia chương trình.

Bổ sung lực lượng y tế phù hợp với tình hình số ca nhiễm

Liên quan đến việc bổ sung các trạm y tế lưu động, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết ngoài 310 trạm y tế cơ bản, Thành phố Hồ Chí Minh đã lập thêm 391 trạm y tế lưu động. Số trạm y tế lưu động tùy thuộc vào số F0 đang điều trị tại nhà. Từ trước tới nay, các tổ quân y đã đảm trách 168 trạm với 406 người, tăng giảm tùy giai đoạn.

Sau khi lực lượng quân y rút đi, nguồn này được bổ sung bằng lực lượng bác sỹ mới ra trường. Cụ thể, Sở Y tế đang vận động lực lượng sinh viên vừa ra trường của Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch xung phong thực hiện công việc tại trạm y tế lưu động. Trạm này sẽ tập huấn và có cơ chế, chính sách phù hợp, đảm bảo hoạt động cho các sinh viên ở trạm.

Bên cạnh đó, lực lượng sinh viên từ Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh có thể huy động hơn 300 người làm tình nguyện viên, hỗ trợ thăm hỏi, chăm sóc hoặc lấy mẫu xét nghiệm. Đây là nhóm tương đối ổn định, có thể đưa vào nhân sự của trạm y tế lưu động. Tùy theo tình hình và số ca F0, số lượng trạm y tế có thể tăng lên hoặc giảm xuống.

Song song với đó, Ủy ban Nhân dân quận, huyện, thành phố Thủ Đức cũng bố trí lực lượng y tế gồm trạm y tế đã cố định, có thể chia sẻ hoặc huy động thêm lực lượng y tế tư nhân. Ngoài ra, lực lượng nhà thuốc cũng đang đồng hành cùng công tác phòng, chống dịch; cùng với các hội, đoàn như Hội Đông y, Hội Chữ thập Đỏ và tình nguyện viên địa phương.

Dự kiến hoàn thành mũi 3 trước Tết Nhâm Dần 2022

Về việc triển khai tiêm vaccine mũi 3, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC) cho biết tiến độ tiêm diễn ra theo tuần tự, tuy nhiên vẫn chưa có quận, huyện nào hoàn thành 100% mũi 3. Theo thống kê, có một số quận, huyện đạt 90% tiến độ. Nếu duy trì 200.000 mũi tiêm/ngày như hiện nay, thành phố sẽ hoàn thành kế hoạch phủ mũi 3 trước Tết Nhâm Dần 2022.

“Trong năm 2022, thành phố vẫn tiếp tục triển khai kế hoạch tiêm cho người chưa đủ liều, người hoãn tiêm từ những đợt tiêm trước vì lý do sức khỏe. Sắp tới, thành phố sẽ tổ chức tiêm vét những đối tượng này," ông Nguyễn Hồng Tâm nói.

Theo số liệu từ Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, số ca tử vong do dịch ở Thành phố Hồ Chí Minh trong 3 ngày liên tiếp đều dưới con số 20 (tính từ ngày 7/1 đến 9/1). Đồng thời, số ca nhiễm, ca bệnh nặng duy trì xu hướng giảm, ca xuất viện cao hơn ca nhập viện.

Hiện, Thành phố Hồ Chí Minh đang điều trị 4.602 bệnh nhân, trong đó, 91 trẻ em dưới 16 tuổi, 305 bệnh nhân nặng đang thở máy, 18 bệnh nhân can thiệp ECMO. Trong ngày 9/1, có 257 bệnh nhân nhập viện, 282 bệnh nhân xuất viện, 19 trường hợp tử vong. Tính đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh đã tiêm hơn 421.000 mũi vaccine bổ sung và hơn 2,55 triệu mũi vaccine nhắc lại.

Từng là điểm nóng của Thành phố Hồ Chí Minh khi dịch bùng phát nhưng hơn ba tháng qua, Quận 8 liên tục duy trì “vùng xanh” (cấp độ 1).

Theo ông Nguyễn Thanh Sang, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận 8, quận đề ra tiêu chí “4 không”: Không để F0 tử vong tại nhà; không để người bệnh điều trị tại nhà và không có thuốc; không để người dân nào không được chăm lo; không để xảy ra điểm nóng về an ninh trên địa bàn. Trong 4 ngày gần đây, số ca F0 tại quận này ghi nhận chưa tới 20 ca. Riêng ngày 9/1, chỉ có 11 ca F0. Thống kê trong hai tháng nay, quận không xảy ra trường hợp tử vong tại nhà.

Ông Nguyễn Thanh Sang cho biết trong đợt dịch vừa qua, quận 8 có 30 trường hợp thuộc tuyến đầu tham gia chống dịch đã tử vong trong quá trình làm nhiệm vụ. Hiện, quận đã lập danh sách các trường hợp này và đề xuất Thủ tướng tặng bằng khen.

Cần 45.000 lao động sau Tết Nhâm Dần 2022

Về việc điều phối nguồn nhân lực sau Tết Nhâm Dần 2022, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết sau Tết, thành phố dự kiến cần khoảng 45.000 lao động lành nghề tập trung các ngành kinh doanh thương mại, da giày, cơ khí…

Để cung ứng đủ nguồn lực cho doanh nghiệp trên địa bàn, Sở đã chỉ đạo các trung tâm, đơn vị giới thiệu việc làm nắm bắt nhu cầu các doanh nghiệp và nhu cầu của người lao động trở lại thành phố làm việc sau Tết để kết nối giới thiệu việc làm. Đồng thời, ngay sau Tết, thành phố sẽ triển khai ngay sàn giao dịch việc làm với các tỉnh để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kết nối với nguồn lao động.

TP.HCM chú trọng chăm lo, điều trị cho người dân hậu COVID-19 ảnh 2Công nhân, người lao động mua sắm hàng hóa Tết tại 'Ngày hội công nhân-Phiên chợ nghĩa tình' Tết Nhâm Dần 2022. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Về chăm lo người lao động ở lại thành phố, ông Nguyễn Văn Lâm cho hay trong năm 2022, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã có kế hoạch gửi các đơn vị hướng dẫn tổ chức kinh phí chăm lo Tết Nhâm Dần đối với người lao động; có 23 diện được quan tâm, với tổng kinh phí là hơn 901 tỷ đồng. Thành phố chỉ đạo các sở, ngành quan tâm triển khai các hoạt động phù hợp tình hình dịch bệnh.

Đồng thời, Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị các chủ doanh nghiệp xem xét chi trả lương, Tết cho người lao động; xem xét doanh nghiệp khó khăn để hỗ trợ; tặng 15.000 phần quà cho công nhân tại các khu chế xuất; triển khai tấm vé nghĩa tình (vé xe, sân bay) để người dân về quê./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục