TP.HCM cho đi học trở lại từ 9/3, mở rộng các khu cách ly tập trung

Ý thức phòng bệnh và giữ gìn vệ sinh của học sinh còn hạn chế do đó, việc bảo đảm sức khỏe cho học sinh và giáo viên là ưu tiên hàng đầu hiện nay của Thành phố.
Phun thuốc khử khuẩn lớp học. Ảnh minh họa. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Thành phố Hồ Chí Minh phải chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất và nhân lực để ứng phó với tình huống xấu nhất trong bối cảnh dịch bệnh do virus SARS-CoV-2 gây ra (COVID-19) đang lan nhanh và diễn biến phức tạp ở nhiều quốc gia.

Đây là nội dung chỉ đạo của ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, tại cuộc họp khẩn với các sở, ngành về công tác phòng chống dịch, chiều tối 29/2.

An toàn của học sinh, giáo viên là ưu tiên hàng đầu

Mở đầu cuộc họp, ông Nguyễn Thành Phong yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành thành phố và 24 quận/huyện tiếp tục quán triệt sâu sắc tinh thần “chống dịch như chống giặc,” thực hiện nghiêm các giải pháp phòng chống dịch theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.

Đặc biệt, các cơ quan, đơn vị phải thực hiện nghiêm các giải pháp về quản lý, kiểm soát, phòng chống dịch trong các hoạt động hàng không, du lịch, vận chuyển hàng hóa, đồng thời tăng cường biện pháp rà soát, kiểm tra, giám sát chặt chẽ người nhập cảnh từ vùng có dịch.

Mặc dù tình hình dịch bệnh ở Việt Nam nói chung và ở Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng đang được kiểm soát tốt nhưng trong bối cảnh diễn biến dịch ở các nước diễn biến phức tạp, thành phố phải tính toán đến những phương án ứng phó xấu nhất.

[Thành phố Hồ Chí Minh không còn ca nghi ngờ nhiễm dịch COVID-19]

Theo ông Nguyễn Thành Phong, trên địa bàn Thành phố hiện có 2.000 trường học với 1,9 triệu học sinh và giáo viên, chưa tính các trường đại học, cao đẳng.

Bên cạnh đó, ý thức phòng bệnh và giữ gìn vệ sinh của học sinh còn hạn chế nên nếu có trường hợp nhiễm bệnh thì mức độ lây lan sẽ rất nhanh. Do đó, việc bảo đảm sức khỏe cho học sinh và giáo viên là ưu tiên hàng đầu hiện nay của Thành phố.

Trong khi đó, nếu quyết định theo từng tuần cho học sinh nghỉ học thì rất khó cho việc chủ động bố trí sinh hoạt và công tác của các gia đình có con nhỏ nên chính quyền Thành phố đã đề xuất cho học sinh nghỉ học đến hết tháng 3.

Tuy nhiên, với lịch thi Trung học phổ thông quốc gia do Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra thì học sinh lớp 12 không thể nghỉ học đến hết tháng 3 vì không đủ thời gian để học bù, vì vậy thành phố đã quyết định cho học sinh khối này đi học trở lại từ ngày 9/3.

“Sắp tới 73.000 học sinh và giáo viên lớp 12 đi học trở lại, Thành phố phải tính toán đủ số lượng khẩu trang, còn nếu không đeo khẩu trang đến trường thì phải có biện pháp đảm bảo an toàn cho học sinh và giáo viên như đo thân nhiệt, vệ sinh khử khuẩn... Những học sinh, giáo viên có dấu hiệu bất thường phải được nghỉ để chăm sóc sức khỏe,” ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.

Tại cuộc họp, ông Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, bày tỏ sự lo ngại về việc cho sinh viên đi học trở lại. Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh có 75.000 sinh viên của 7 trường thành viên, trong đó số lượng sinh viên đang ở ký túc xá là khoảng 45.000 người.

“Khi sinh viên đi học trở lại thì đây sẽ là môi trường tập trung rất đông người. Nếu một sinh viên bị nhiễm bệnh COVID-19 thì cả trường học và người dân (xung quanh) đều bị ảnh hưởng. Thời gian tốt nghiệp đại học chậm lại một chút cũng không sao cả,” ông Đạt lập luận.

Chính vì vậy, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị cho sinh viên tất cả các trường đại học tại thành phố được nghỉ học cho đến hết tháng 3/2020.

Đề nghị thành lập trung tâm điều hành nhân lực

Tính riêng trong ngày 28/2, Thành phố Hồ Chí Minh có 13 chuyến bay đến từ Hàn Quốc với hơn 1.200 hành khách. Từ ngày 29/2, số lượng chuyến bay từ Hàn Quốc tới thành phố sẽ giảm xuống còn 10 chuyến/ngày với lưu lượng hơn 1.000 khách.

Ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết những người về từ Hàn Quốc phải khai báo y tế, sau đó Trung tâm Y tế sẽ sàng lọc lại để có hồ sơ dịch tễ chính xác hơn.

Những người không có dấu hiệu dịch tễ sẽ được thành phố hỗ trợ điều xe đưa về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật địa phương tại nơi cư trú.

Hiện nay, Trung tâm cách ly tập trung tại Củ Chi đang thực hiện cách ly 226 người, trong đó có 41 người Hàn Quốc, 2 người Việt Nam về từ vùng dịch.

Để đáp ứng mức độ dịch bệnh và số lượng người về từ Hàn Quốc, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã chủ động triển khai mở rộng nhiều khu cách ly tập trung.

Theo báo cáo của Sở Y tế, hiện nay, toàn thành phố có 1.478 giường đủ điều kiện tiếp nhận người được cách ly, trong đó, tại cấp độ Thành phố là 720 giường, tại 24 quận huyện là 758 giường.

Đến ngày 29/2, Trung tâm cách ly tập trung Nhà Bè đã cơ bản chuẩn bị xong 120 giường, ngoài ra còn có 100 giường dự bị ở Quận 7, Bệnh viện 175 cơ sở Gò Vấp chuẩn bị 200 giường.

Dự kiến, khu cách ly tập trung Củ Chi sẽ được mở rộng, nâng cấp lên 470 giường, nâng tổng số giường bệnh lên 650 giường, đáp ứng nhu cầu đối với người từ Hàn Quốc về gia tăng cũng như khách quốc tế trong thời điểm hiện nay.

Đồng thời, Quân khu 7 và Bộ tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh sẽ bố trí 1.500 giường ở Trường quân sự Quân khu tại Quận 12 và Sư đoàn 317 ở huyện Hóc Môn.

Tuy nhiên, với khoảng 22.000 người Việt Nam đang làm việc, học tập tại Hàn Quốc, trong đó, ước tính có hơn 7.000 người có hộ khẩu thường trú tại các tỉnh phía Nam, thì nếu tình hình dịch bệnh tại Hàn Quốc không được kiểm soát, Thành phố Hồ Chí Minh cần tính toán đến khả năng ứng phó trong trường hợp phải sơ tán công dân Việt Nam tại Hàn Quốc về nước.

Ông Nguyễn Thành Phong yêu cầu Sở Y tế thành phố tính toán phương án chuẩn bị thêm khoảng 1.500 giường cách ly, đồng thời đề nghị thành lập thêm trung tâm cách ly tập trung quốc gia để hỗ trợ các địa phương chưa có điều kiện tiếp nhận, cách ly lao động trở về từ vùng dịch.

Trong thời gian sinh viên nghỉ học, nếu cần thiết có thể mượn ký túc xá của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh làm khu cách ly tập trung.

Theo thống kê, toàn Thành phố có 18.881 bác sỹ, 2.424 bác sỹ của bệnh viện tuyến trung ương nhưng chỉ có 349 bác sỹ, 966 điều dưỡng tại khoa nhiễm.

Trong khi đó, theo tính toán, 1 người nhiễm phải có 12 người phục vụ, nếu 1.000 người mắc bệnh thì phải có trên 10.000 nhân viên y tế phục vụ.

Để chuẩn bị tốt về nhân lực ứng phó với với dịch bệnh, ông Nguyễn Thành Phong yêu cầu Sở Y tế thành phố thành lập trung tâm điều hành nhân lực, tổ chức các lớp tập huấn ngắn hạn cho bác sỹ chuyên ngành khác để trong trường hợp dịch bệnh lan rộng thì có thể huy động thêm nhằm hỗ trợ cho khoa nhiễm.

Ông Nguyễn Thành Phong cũng yêu cầu Sở Y tế Thành phố phải cam kết đảm bảo phương án an toàn cho những bác sĩ, cán bộ y tế tham gia công tác chống dịch, kiên quyết không để nhân viên y tế vì làm nhiệm vụ mà nhiễm bệnh.

Song song đó, Sở Y tế phải gấp rút đề xuất gói kinh phí bồi dưỡng hỗ trợ cho các y, bác sĩ tham gia chống dịch và kinh phí trang bị cơ sở vật chất, thiết bị, phải bố trí ca trực, thời gian làm việc phù hợp, đảm bảo sức khỏe cho các bác sĩ và nhân viên y tế.

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 tại Hàn Quốc và một số quốc gia khác, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị Sở Ngoại vụ thông báo ngay cho Lãnh sự quán Hàn Quốc và các nước, vùng lãnh thổ có dịch COVID-19 về các biện pháp phòng, chống dịch mà Việt Nam đang áp dụng để phối hợp thực hiện đồng bộ và hiệu quả./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục