Sau khi có phản ánh về việc nhiều phòng khám, khoa, trung tâm điều trị di chứng "hậu COVID-19" tăng giá dịch vụ, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã có văn bản khẩn gửi giám đốc các đơn vị trực thuộc về việc chấn chỉnh, tổ chức khám sức khỏe "hậu COVID-19."
Theo văn bản, Sở Y tế yêu cầu các đơn vị không tăng giá các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh kể cả các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu; không lạm dụng các chỉ định cận lâm sàng khi khám sức khỏe cho người bệnh "hậu COVID-19" trong trường hợp không cần thiết; không gợi ý, ép buộc người bệnh tham gia các gói dịch vụ khám sức khỏe "hậu COVID-19" với giá khám theo yêu cầu.
Trường hợp người bệnh có thẻ Bảo hiểm y tế và khám chữa bệnh các bệnh lý thuộc danh mục và phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế, thu theo giá Thông tư số 13/2019 của Bộ Y tế, còn không có thẻ Bảo hiểm y tế, thu theo giá Thông tư số 14/2019 của Bộ Y tế. Tuy nhiên, nếu người bệnh lựa chọn dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu: thu giá khám chữa bệnh theo yêu cầu đã thực hiện kê khai với Sở Y tế và thực hiện công khai giá để người dân lựa chọn.
Trước đó, nhiều bệnh viện trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai các phòng khám "hậu COVID-19" với nhiều gói dịch vụ tầm soát "hậu COVID-19" với mức giá dao động từ vài trăm ngàn cho tới vài triệu đồng.
[TP.HCM: Chung tay chăm sóc sức khỏe người dân hậu mắc COVID-19]
Còn trường hợp người bệnh lựa chọn dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu, các đơn vị thu giá khám chữa bệnh theo yêu cầu đã kê khai với Sở Y tế và công khai giá để người dân lựa chọn.
Trước thực tế này, nhiều bác sỹ cho rằng trong số những người đến bệnh viện khám “hậu COVID-19” trong thời gian gần đây, có không ít người không có triệu chứng gì nhưng do lo lắng bị “hậu COVID-19” nên muốn kiểm tra sức khỏe sau thời gian nhiễm bệnh. Tuy nhiên, các bác sỹ nhấn mạnh, không phải bệnh nhân nào từng mắc COVID-19 cũng bị di chứng "hậu COVID-19."
Theo ông Phùng Thế Nguyên, Trưởng Khoa COVID-19, Bệnh viện Nhi đồng 1, Thành phố Hồ Chí Minh, khi tâm lý người dân hoang mang do vấn đề "hậu COVID-19" tình trạng lạm dụng các chỉ định và dịch vụ không cần thiết rất dễ xảy ra. Do đó, việc chỉ định này phải thực hiện theo tùy tình trạng bệnh lý của người đến khám.
Tương tự, bác sỹ chuyên khoa II Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Chợ Rẫy, Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng việc chỉ định người bệnh thực hiện các cận lâm sàng như xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh... dựa vào nhiều yếu tố tình trạng khi mắc COVID-19, mức độ tổn thương, triệu chứng hậu nhiễm. Nếu người bệnh có triệu chứng cụ thể, khám như bệnh lý thông thường, bảo hiểm y tế sẽ thanh toán theo quy định. Trường hợp bị tổn thương nhưng không biểu hiện ra bên ngoài và cần tầm soát, theo quy định hiện tại, bảo hiểm y tế lại không chi trả cho việc tầm soát bệnh.
“Nếu chưa có quy định rõ ràng về tầm soát di chứng "hậu COVID-19," có thể đây sẽ là mảnh đất màu mỡ để một số người lợi dụng,” bác sỹ Phạm Thanh Việt nhận định./.