TP.HCM cần tập trung 'vá lỗ hổng' trong phòng chống dịch sởi

Hiện nay, tỷ lệ tiêm sởi tại Thành phố Hồ Chí Minh ước đạt 96% mũi thứ 1 và 80% mũi thứ 2, còn cách khá xa so với mục tiêu đạt 95% độ bao phủ tiêm chủng đối với bệnh sởi.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thăm hỏi người dân đi khám bệnh tại Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

Ngày 9/3, Đoàn công tác của Bộ Y tế do Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến dẫn đầu đã kiểm tra công tác phòng chống dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh, nơi đang có số ca mắc bệnh sởi tăng cao bất thường từ cuối năm 2018 đến nay.

Báo cáo với Đoàn công tác, ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết từ năm 2018 đến hết tháng 2/2019, thành phố ghi nhận 4.327ca sởi, trong đó riêng 2 tháng đầu năm 2019 có đến hơn 2.600 ca.

Dù hiện nay số ca sởi đang có xu hướng giảm nhưng vẫn còn rất cao so với những năm trước. Bệnh sởi xuất hiện ở 285/319 phường xã, chiếm 89%, riêng những quận, huyện giáp ranh các tỉnh và có khu công nghiệp thì số ca mắc sởi tăng cao.

Qua phân tích tình hình, Sở Y tế thành phố ghi nhận 97% trường hợp mắc sởi không được tiêm chủng hoặc tiêm chủng không đầy đủ. Hiện nay, tỷ lệ tiêm sởi tại Thành phố Hồ Chí Minh ước đạt 96% mũi thứ 1 và 80% mũi thứ 2. Tỷ lệ này còn cách khá xa so với mục tiêu đạt 95% độ bao phủ tiêm chủng đối với bệnh sởi.

Trước tình hình đó, Sở Y tế thành phố đã thực hiện chiến dịch bổ sung tiêm vắcxin sởi-rubella cho trẻ từ 1-5 tuổi. Thành phố có khoảng 300.000 trẻ trong độ tuổi này chưa tiêm chủng hoặc chưa rõ lịch sử tiêm chủng. Tuy nhiên, sau thời gian triển khai tích cực, độ bao phủ vắcxin này của thành phố cũng mới chỉ đạt 85%.

Theo ông Nguyễn Hữu Hưng, một trong những khó khăn hiện nay là các địa phương vẫn chưa thể quản lý được tình trạng tiêm chủng của trẻ trong cộng đồng, nhất là những trẻ không đến trường, ở nhà ông bà giữ hoặc gửi người quen… Đây chính là những “lỗ hổng” khiến cho bệnh sởi gia tăng nhanh trong thời gian qua.

Liên quan đến những vấn đề khó khăn hiện nay, bác sỹ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm-Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho rằng Sở Y tế thành phố nên triển khai tiêm phòng vắcxin trong các bệnh viện nhi bởi hiện 3 bệnh viện nhi đồng của Thành phố Hồ Chí Minh mỗi ngày tiếp nhận số lượng lớn trẻ đến khám bệnh và điều trị.

Bên cạnh đó, thành phố cũng cần “đẩy” vắcxin sởi của Chương trình Tiêm chủng mở rộng vào các cơ sở tiêm chủng dịch vụ vì đặc điểm của cư dân đô thị là ưa chuộng vắcxin dịch vụ và sẵn sàng bỏ qua mũi sởi 9 tháng để chờ đến khi trẻ 12 tháng mới tiêm dịch vụ mũi tổng hợp sởi-quai bị-rubella.

Mặt khác, theo bác sỹ Trương Hữu Khánh, cần đẩy mạnh tuyên truyền đúng để người dân nâng cao nhận thức, không theo phong trào “anti vắcxin” (bài trừ vắcxin) trên mạng xã hội.

“Nếu trẻ không được chích ngừa sởi đầy đủ thì chắc chắn sẽ mắc sởi, năm nay không mắc thì thì năm sau sẽ mắc, vì thế quan trọng vẫn là phải vá ngay các lỗ hổng tiêm chủng,” bác sỹ Khanh nhận định.

Kiểm tra thực tế về công tác phòng chống dịch tại thành phố, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến chỉ đạo Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với ngành giáo dục, Ủy ban Nhân dân các quận, huyện tích cực triển khai các biện pháp đẩy mạnh điều tra tình trạng tiêm chủng trong cộng đồng, nhất là nhóm trẻ dưới 5 tuổi để vận động phụ huynh tiêm chủng cho trẻ đầy đủ.

[Bộ Y tế: Số trường hợp mắc bệnh sởi vẫn chưa có dấu hiệu giảm]

Bên cạnh đó, công tác tuyền thông trực tiếp tại những khu vực đông dân nhập cư, nhà trọ công nhân để họ hiểu đúng về tiêm chủng vắcxin cũng cần được chú trọng, kết hợp với tuyên truyền về phòng chống bệnh sốt xuất huyết.

Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu các trạm y tế cần nâng số ngày tiêm chủng từ 1 ngày như hiện nay lên thành 2-3 ngày, thậm chí là 4 ngày trong 1 tháng để tạo thuận lợi hơn cho người dân khi đưa trẻ ra tiêm chủng.

Đồng thời, Trung tâm Y tế Thành phố cần lập các đội tiêm chủng lưu động, tìm mọi cách "vá lỗ hổng” đang tồn tại trong tiêm chủng, sớm ngăn chặn dịch sởi lây lan ra cộng đồng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục