Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh vừa có tờ trình gửi Ủy ban Nhân dân Thành phố về việc phê duyệt Đề án Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2020-2030; trong đó, tổng kinh phí dự kiến đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông khoảng 952.547 tỷ đồng.
Cụ thể, giai đoạn 2020-2025 dự kiến đầu tư 428.976 tỷ đồng và giai đoạn 2026-2030 là 523.571 tỷ đồng.
Theo đó, nhu cầu đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn này gồm 639km đường bộ; 78 dự án cầu; 18 dự án nút giao thông; 32 dự án giao thông tĩnh; 5 dự án thuộc Chương trình đô thị thông minh; 211,9km đường sắt đô thị, BRT; 379km đường thủy nội địa.
Dự kiến kinh phí đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Thành phố là 457.704 tỷ đồng, nguồn vốn khác (vốn Trung ương, ODA, đầu tư theo hình thức đối tác công tư…) khoảng 494.843 tỷ đồng.
Theo Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, nguồn vốn từ ngân sách thành phố dự kiến đầu tư các dự án chuyển tiếp thuộc Chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông giai đoạn 2016-2020 và các dự án trọng điểm, cấp bách ngành giao thông vận tải năm 2020.
[Hà Nội tập trung xử lý các điểm đen ùn tắc và tai nạn giao thông]
Đồng thời, chi trả giải phóng mặt bằng các dự án sử dụng vốn vay ODA, tham mưu thực hiện dự án theo phương thức đối tác công tư, các dự án giao thông kết nối khu vực Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất và cảng Cát Lái, cảng Hiệp Phước…
Trong khi đó, các nguồn vốn khác dự kiến sẽ dành để đầu tư cho các dự án đường bộ gồm vành đai 3, vành đai 4, các dự án cao tốc, cầu Cát Lái, cầu Cần Giờ…; các dự án đường sắt đô thị, BRT; các cảng đường thủy nội địa và cảng cạn; cải tạo, mở rộng và xây dựng mới các bến xe liên tỉnh, bến xe hàng và bến hàng hóa.
Đề án do Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế Giao thông Vận tải phía Nam (TEDI SOUTH) triển khai xây dựng, với mục tiêu nghiên cứu nhằm đề ra các giải pháp mang tính đột phá và xây dựng lộ trình phù hợp triển khai đầu tư phát triển hệ thống kết cầu hạ tầng giao thông hiện đại, đồng bộ, tính kết nối cao, từ đó giảm ùn tắc-tai nạn giao thông và đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội.
Đối tượng nghiên cứu tập trung chủ yếu vào mạng lưới đường cơ sở là các trục xuyên tâm, quốc lộ có năng lực lớn, các đường vành đai và tuyến kết nối liên vùng; các tuyến đường bộ nối vào các khu đô thị mới, khu công nghiệp dịch vụ ưu tiên phát triển của thành phố; các tuyến trục chính đô thị kết nối các khu đô thị mới, khu công nghiệp, cảng đường thủy, cảng hàng không.
Trong giai đoạn 2016-2020, thành phố đã hoàn thành 51/172 dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn (đạt 29,65%); trong đó, các công trình đã đưa vào sử dụng gồm có cầu Phú Hữu trên đường Vành đai Đông, đường Phạm Văn Đồng, dự án nâng cấp, mở rộng đường vào cảng Phú Hữu, cầu vượt nút giao thông đường Trường Sơn-đường nối Tân Sơn Nhất-Bình Lợi-Vành đai ngoài, hầm chui nút giao thông An Sương; hầm chui Mỹ Thủy, nút giao thông Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh…/.