TP.HCM cần hạn chế công trình cao tầng tại "túi chứa nước" phía Nam

Thời gian tới, thành phố nên phát triển về phía Đông và Tây Bắc có vùng đất cao, còn vùng đất thấp phía Nam - vốn được coi là túi chứa nước - sẽ hạn chế xây dựng các công trình cao tầng, quy mô lớn,
TP.HCM cần hạn chế công trình cao tầng tại "túi chứa nước" phía Nam ảnh 1Triều cường gây ngập nước trên đường Hồ Học Lãm, quận Bình Tân. (Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN)

Thành phố Hồ Chí Minh cần chọn hướng phát triển ít rủi ro, phát triển rừng ngập mặn để bảo vệ thành phố từ phía biển, trả lại các diện tích bị lấp trong quá trình đô thị hóa nhanh, quy hoạch cô lập vùng ngập để giải quyết dứt điểm, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong giữ gìn vệ sinh môi trường…

Đây là những giải pháp được các chuyên gia và nhà khoa học đưa ra tại Hội thảo khoa học "Các giải pháp giảm ngập nước, ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng" do Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước Thành phố Hồ Chí Minh và Trung tâm Quản lý nước và biến đổi khí hậu (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) phối hợp tổ chức ngày 8/4.

Theo cảnh báo của các chuyên gia, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nước biển dâng, lượng mưa có nhiều thay đổi thì tình hình ngập tại Thành phố Hồ Chí Minh sẽ ngày càng có diễn biến phức tạp và khó kiểm soát hơn.

Với diện tích rộng 2.100km2, gần 12 triệu dân sinh sống thì giải pháp xóa ngập như hiện nay chắc chắn không hiệu quả. Cuộc chạy đua sẽ không có hồi kết bởi cái vòng luẩn quẩn nâng đường, nâng nhà sẽ càng khiến nước ngập chảy dồn về nơi thấp hơn. Khi đó hẻm sẽ thành suối, đường thành sông và nhà dân thì thành ao hồ.

Để ứng phó với ngập nước, phó giáo sư - tiến sỹ Nguyễn Minh Hòa (Khoa Đô thị học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, về lâu dài, Thành phố Hồ Chí Minh nên thay đổi hướng phát triển chính.

Thời gian tới, thành phố nên phát triển về phía Đông và Tây Bắc có vùng đất cao, còn vùng đất thấp phía Nam - vốn được coi là túi chứa nước - sẽ hạn chế xây dựng các công trình cao tầng, quy mô lớn, dành đất dự trữ, đề phòng ngập sâu và thường trực.

“Cần thực hiện các giải pháp bảo vệ hệ thống rừng ngập mặn Cần Giờ đã được hình thành từ hàng trăm năm nay. Bức tường xanh rộng 75.740ha này có tác dụng làm giảm mạnh độ cao của sóng biển, làm yếu lực đập của nước và phân tán rộng nước triều trên diện tích rộng. Khu rừng ngập mặn này không chỉ bảo vệ thành phố từ phía biển mà còn giúp đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn ra với tốc độ nhanh và quy mô ngày càng lớn,” phó giáo sư - tiến sỹ Nguyễn Minh Hòa chia sẻ.

Nhiều chuyên gia dự hội thảo cho rằng, bên cạnh biến đổi khí hậu gây nên hiện tượng nước biển dâng thì quá trình đô thị hóa nhanh, mất kiểm soát của Thành phố Hồ Chí Minh cũng là một nguyên nhân góp phần gây nên tình trạng ngập nước nghiêm trọng.

Ông Hoàng Minh Trí, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, việc san lấp kênh, rạch (kể cả làm cống hộp để thay thế) và san lấp các khu vực trũng, thấp chứa nước tự nhiên (ao, đầm…) để xây dựng các công trình, dự án phát triển đô thị đã làm mất đi các khu vực có chức năng điều tiết nước tạm thời khi có mưa lớn và nước triều dâng cao khiến tình trạng ngập nước ở thành phố trở nên trầm trọng hơn.

Từ những thực tế trên, các chuyên gia cho rằng, để cứu vãn tình hình ngập nước, cần kiên quyết trả lại chức năng thoát nước cho hệ thống kênh rạch; phải khơi thông hệ thống kênh, rạch, vừa để phục vụ giao thông thủy, vừa để thoát nước.

Đối với những công trình đã xây dựng có thể giải quyết ngập bằng cách gom nước về một chỗ, sử dụng bơm chuyền, làm hầm chứa nước, sử dụng công nghệ “móc lõm” tại các khu dân cư, đồng thời chú ý phát triển các công trình trữ nước bằng cách giảm bêtông hóa, tăng diện tích và năng lực thấm nước của đất tại các khu vực công cộng và ngay tại nhà dân...

Bên cạnh đó, người dân cũng cần có nhận thức và hành động tốt hơn trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục