TP.HCM cần chặn đứng chuỗi lây nhiễm liên quan hoạt động tôn giáo

Từ điểm nhóm sinh hoạt của Hội thánh truyền giáo Phục Hưng đã có hơn 200 ca dương tính, hơn 2.500 F1, F2 tại 22/24 quận huyện trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và 11 ca bệnh tại các tỉnh, thành khác.
Quang cảnh buổi làm việc. (Ảnh: Xuân Tình/TTXVN)

Thành phố Hồ Chí Minh cần chặn đứng chuỗi lây nhiễm của ổ dịch xuất phát từ điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo Hội thánh truyền giáo Phục Hưng, không để dịch tiếp tục lây lan ra cộng đồng; đồng thời có phương án tầm soát diện rộng, phát hiện sớm các ca mắc mới trong cộng đồng, vừa bảo vệ thành quả chống dịch vừa đảm bảo hoạt động sản xuất, nhất là tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Đây là nội dung được đặc biệt nhấn mạnh tại buổi làm việc của Đoàn công tác Chính phủ do Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình dẫn đầu với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh ngày 1/6.

Đề xuất hỗ trợ cung ứng vaccine

Ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết tính đến sáng 1/6, Thành phố Hồ Chí Minh có 538 trường hợp mắc bệnh.

Chỉ riêng từ ngày 26/5 đến nay, trên địa bàn ghi nhận 211 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Tất cả đều liên quan đến ổ dịch xảy ra tại điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo Hội thánh truyền giáo Phục Hưng.

Theo ông Bỉnh, Hội thánh truyền giáo Phục Hưng có 40 thành viên mắc COVID-19 và đã lây lan thành hơn 200 ca bệnh. Như vậy, trung bình 1 người lây cho 5 người khác.

Dự báo con số mắc trong chuỗi lây nhiễm này có thể lên đến 500 người bởi số lượng F1 liên quan đến chuỗi lây nhiễm này hiện nay đang được cách ly tập trung là rất lớn.

Cụ thể, Thành phố đã lấy mẫu xét nghiệm cho 3.028 F1, trong đó có 2.577 mẫu âm tính, 471 mẫu chờ kết quả.

Số F2 được lấy mẫu là 15.200 người và xét nghiệm mở rộng cho 181.004 người, trong đó 67.619 mẫu đã âm tính,128.591 mẫu chờ kết quả. Đặc biệt, nhiều trường hợp F2 đã trở thành ca dương tính.

Hiện 20/22 quận, huyện trên địa bàn Thành phố có ca bệnh, ngoại trừ Quận 11 và huyện Cần Giờ.

Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Tấn Bỉnh báo cáo tại buổi làm việc. (Ảnh: Xuân Tình/TTXVN)

Các địa phương ghi nhận nhiều ca bệnh là Gò Vấp (52 ca), Quận 12 (23 ca), quận Bình Thạnh (22 ca), quận Tân Phú (22 ca), quận Tân Bình (22 ca)...

Các quận trên thuộc nhóm địa phương có dân số và mật độ dân số cao của Thành phố, là yếu tố nguy cơ cho dịch bệnh tiếp tục lây lan trong cộng đồng nếu không có biện pháp khoanh vùng dập dịch triệt để.

Trước tình hình đó, Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều biện pháp phòng dịch.

heo ông Nguyễn Tấn Bỉnh, trong tình hình dịch bệnh đã lây lan trong cộng đồng, việc tăng cường, mở rộng xét nghiệm kiểm tra để phát hiện người mắc COVID-19 và kịp thời xử lý dập dịch là rất cần thiết.

Thực tế nhiều người dân cũng có nhu cầu được chủ động làm xét nghiệm kiểm tra SARS-CoV-2. Do đó, Thành phố kiến nghị Chính phủ có cơ chế cho phép thực hiện xét nghiệm SAR-CoV-2 theo yêu cầu (thu phí) để đáp ứng mong muốn chính đáng của người dân, đồng thời hỗ trợ thêm nguồn lực cho Nhà nước trong hoạt động phòng, chống dịch bệnh.

Trước nguy cơ dịch bệnh lây rộng trong cộng đồng, ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh - cho rằng giải pháp kiểm soát hiệu quả dịch bệnh lâu dài là đảm bảo độ bao phủ tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân.

Tuy nhiên, hiện nay số lượng vaccine cung ứng cho Thành phố Hồ Chí Minh còn rất hạn chế. Số người trên 18 tuổi của Thành phố là 7.202.176 người, các nhóm đối tượng quy định tại Nghị quyết số 2/NQ-CP ngày 26/02/2021 của Chính phủ do ngân sách hỗ trợ được Thành phố đăng ký với Bộ Y tế là 1.211.641 người.

Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Xuân Tình/TTXVN)

Như vậy, số người trong diện còn lại phải tiêm từ kinh phí của Thành phố, bao gồm cả nguồn do các tổ chức, cá nhân sử dụng vaccine tự nguyện chi trả là khoảng 6 triệu người.

Vì thế, lãnh đạo Thành phố kiến nghị Chính phủ, Bộ Y tế hỗ trợ tìm nguồn cung vaccine (đàm phán, cấp phép) và cơ chế tài chính để có thể chủ động cung ứng vaccine cho người dân Thành phố.

“Chỉ thực hiện 5K thôi thì chưa đủ cần phải có thêm cả vaccine mới có thể giải quyết được tình hình,” ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.

Cần dập tắt ngay ổ dịch lớn, không để lây lan

Nhận định về tình hình dịch bệnh tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết ca bệnh đầu tiên khởi phát từ ngày 13/5 nhưng đến ngày 26/5 Thành phố Hồ Chí Minh mới phát hiện ra.

Như vậy, thời điểm phát hiện ra chuỗi ca bệnh bị chậm từ 13-14 ngày, tương đương với 4-5 chu kỳ.

Trong khi đó, chủng virus SARS-CoV-2 được phát hiện lần đầu tiên tại Ấn Độ là chủng có tốc độ lây lan nhanh, mỗi chu kỳ virus lại lây lan theo cấp số nhân.

“Có thể nói đây là một trong những ổ dịch nguy hiểm nhất, khó kiểm soát nhất trong phòng, chống dịch COVID-19 ở Thành phố Hồ Chí Minh từ trước đến nay,” Bộ trưởng Bộ Y tế nhận định.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Xuân Tình/TTXVN)

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng nhìn nhận trong thời gian tới Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục xuất hiện thêm các ca bệnh mới bởi dịch bệnh đã xâm nhập vào các văn phòng, công ty, khu công nghiệp...; đặc biệt, cần cảnh giác đối với các ca bệnh xâm nhập không rõ nguồn lây.

Do đó, Thành phố Hồ Chí Minh cần tập trung lực lượng để giảm tốc độ lây lan của dịch bệnh, đồng thời cần tập trung cao độ cho việc phòng dịch ở các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Bên cạnh đó, Thành phố Hồ Chí Minh cũng cần đánh giá nguy cơ lây nhiễm của từng khu vực theo các mức: Khu vực bình thường mới, khu vực nguy cơ, khu vực nguy cơ cao và khu vực nguy cơ rất cao; trong đó luôn luôn phải đặt mức độ nguy cơ cao hơn so với thực tế.

Liên quan đến vấn đề vaccine phòng COVID-19, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết trong thời gian tới sẽ tăng thêm nguồn vaccine phân bổ cho Thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời tạo điều kiện để Thành phố có thể chủ động mua vaccine từ các nhà sản xuất.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đánh giá cao nỗ lực của Thành phố Hồ Chí Minh trong công tác phòng, chống dịch bệnh thời gian qua.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu kết luận buổi làm việc. (Ảnh: Xuân Tình/TTXVN)

Phó Thủ tướng đánh giá, nguy cơ dịch bệnh tiếp tục gia tăng tại Thành phố Hồ Chí Minh là rất lớn và Thành phố cần có những giải pháp quyết liệt hơn, mạnh tay hơn để chặn đứng đà lây nhiễm của ổ dịch liên quan đến điểm sinh hoạt tôn giáo trên địa bàn.

“Mặc dù chúng ta vẫn ở trong thế chủ động kiểm soát nhưng nếu lơ là, mất cảnh giác thì hậu quả sẽ rất khó lường. Do đó chúng ta cần kiên quyết, chủ động phòng ngừa, tấn công, ngăn chặn, kiểm soát không để dịch lây lan. Thành phố Hồ Chí Minh cần dập tắt ngay ổ dịch lớn này,” Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chỉ đạo.

Rà soát lại các điểm, nhóm sinh hoạt tôn giáo

Liên quan đến vấn đề hoạt động của các điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo, ông Vũ Chiến Thắng - Thứ trưởng Bộ Nội vụ - cho biết điểm nhóm Hội thánh truyền giáo Phục Hưng là điểm nhóm đăng ký hoạt động cấp phường xã, chưa được công nhận là tổ chức tôn giáo, không phải là tổ chức tôn giáo.

Người đứng đầu điểm nhóm không phải mục sư. Mặc dù đây là điểm nhóm hoạt động hợp pháp, được cấp phường đăng ký theo đúng quy định nhưng do tính chất truyền giáo, đi lại nhiều, nên sau khi xảy ra dịch cộng với chủ quan của người đứng đầu điểm nhóm đã lây lan dịch bệnh, gây hậu quả nghiêm trọng.

Đến nay, từ điểm nhóm sinh hoạt của Hội thánh truyền giáo Phục Hưng đã có hơn 200 ca dương tính, hơn 2.500 F1, F2 tại 22/24 quận huyện trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và 11 ca bệnh tại các tỉnh, thành khác. Trong đó, Long An có 5 ca, Bình Dương 3 ca, Trà Vinh, Đắk Lắk, Bạc Liêu mỗi nơi 1 ca.

Trước mắt, Công an quận Gò Vấp (Thành phố Hồ Chí Minh) đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội “Lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” để tiến hành điều tra theo quy định của pháp luật.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ đề xuất Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạo Ủy ban Nhân dân Phường 3, quận Gò Vấp đình chỉ hoạt động của điểm nhóm này để phục vụ công tác điều tra. Tùy vào kết quả điều tra vụ án để đề xuất xử lý căn cứ vào mức độ vi phạm, có thể là rút giấy phép hoạt động, xóa tên điểm nhóm.

Cũng theo ông Vũ Chiến Thắng, toàn quốc hiện có khoảng 5.500 điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo với tính chất tương tự, riêng Thành phố Hồ Chí Minh có 145 điểm.

Các điểm nhóm này chủ yếu hoạt động độc lập, do cấp phường, xã quản lý. Do đó, các chỉ đạo không được truyền đạt trực tiếp xuống người đứng đầu, khó khăn trong tuyên truyền vận động.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ cũng lưu ý việc không gọi Hội thánh truyền giáo Phục Hưng là tổ chức tôn giáo, không gọi người đứng đầu là mục sư để tránh hiểu nhầm.

Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình lưu ý Thành phố Hồ Chí Minh cần rà soát lại vấn đề quản lý Nhà nước đối với các điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo, nhất là các điểm nhóm nhỏ, mang tính chất mê tín, cuồng tín, thiếu hiểu biết.

Trong đó cần phát huy sức mạnh hệ thống chính trị tại địa phương, sử dụng các lượng đoàn thể “đi từng ngõ, gõ từng nhà” phát hiện và ngăn chặn các điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo bất hợp pháp.

“Chúng ta không ngăn cản hoạt động tôn giáo mà chúng ta ngăn chặn các điểm nhóm mê tín, cuồng tín. Riêng việc khởi tố vụ án làm lây lan dịch bệnh là khởi tố hành vi vi phạm pháp luật, không phải khởi tố chức sắc, khởi tố tôn giáo,” Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình khẳng định./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục