Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã chỉ đạo các bệnh viện cần lọc bệnh và cách ly ngay từ bên ngoài. Khi thấy trẻ có các triệu chứng sốt nghi mắc sởi hoặc tay chân miệng, phải có lối đi riêng dẫn đến phòng khám riêng, không thể để chung khu vực như hiện nay, nếu không sẽ không thể ngăn được dịch bệnh lây lan.
Tại buổi làm việc giữa lãnh đạo ngành Y tế và bệnh viện chiều ngày 12/10, đại diện Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, bệnh viện đang điều trị cho 46 ca bệnh tay chân miệng nặng, (trong đó đã có 1 ca tử vong) và 83 ca sốt phát ban nghi sởi.
Con số này tại bệnh viện Nhi đồng 2 tính đến sáng 12/10 là 84 ca điều trị nội trú tay chân miệng, trong đó 66 bệnh nhân mắc độ 2A, 12 bệnh nhân độ 2B, 1 bệnh nhân độ 3, 3 bệnh nhân độ 4 và 60% bệnh nhân từ tuyến tỉnh chuyển lên.
Còn tại Bệnh viện Nhi đồng thành phố hiện có khoảng 10 ca sốt xuất huyết, 4 ca mắc sởi và 47 ca tay chân miệng.
Nhìn chung các bệnh viện nhận định, số ca nhập viện do mắc tay chân miệng, sởi, sốt xuất huyết đang có dấu hiệu chững lại, không tăng ồ ạt như tháng 9 và những ngày đầu tháng 10.
Hiện nay, các bệnh viện nhi đồng tại Thành phố Hồ Chí Minh liên tục mở thêm phòng bệnh, giường bệnh để có điều kiện cách ly bệnh nhi tốt nhất. Cụ thể, Bệnh viện Nhi đồng 1 đã cải tạo khu căng tin cũ thành 3 phòng bệnh để tiếp nhận bệnh tay chân miệng nhẹ.
Bệnh viện Nhi đồng thành phố thành lập Khu điều trị trong ngày với 40 giường bệnh, tiếp nhận các bệnh nhân tay chân miệng từ độ 2A trở xuống để theo dõi trong ngày.
Nếu bệnh nhi tiến triển nặng sẽ cho nhập viện, ngược lại cho bệnh nhi về và tái khám những ngày kế tiếp, tránh lây nhiễm chéo trong bệnh viện.
[Phát động chiến dịch phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng, sởi]
Tại buổi làm việc, người đứng đầu ngành Y tế đã ghi nhận nỗ lực của các bệnh viện nhi đồng tuyến cuối tại Thành phố Hồ Chí Minh trong công tác điều trị, phòng chống dịch bệnh cho trẻ em thời gian qua.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến phê bình Bệnh viện Nhi đồng 2 chưa thực hiện tốt các quy trình cách ly, sàng lọc bệnh nhân.
Thực tế, tại khoa Khám bệnh của bệnh viện dù đã tổ chức lấy số khám bệnh tại quầy riêng đối với bệnh nhi có các triệu chứng như sốt, phát ban kèm ho, chảy nước mũi, đỏ mắt nhưng phòng khám vẫn nằm chung khu vực với các phòng khám khác.
Để hạn chế lây nhiễm chéo trong bệnh viện, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu, các bệnh viện đẩy mạnh, phân luồng bệnh nhân theo hướng 1 chiều, bệnh nhân đi vào và đi ra thẳng khỏi bệnh viện, không đưa trẻ nhỏ đi lại nhiều nơi trong bệnh viện dễ lây nhiễm chéo từ trẻ khác.
Thực tế ngay tại Bệnh viện Nhi đồng 2 đã có trường hợp trẻ đến khám bệnh hô hấp bị lây sởi. “Nếu không làm tốt việc cách ly, lọc bệnh thì khả năng lây nhiễm chéo, bệnh nặng sẽ còn tiếp diễn,” Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhận định.
Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng yêu cầu phải phân bệnh ngay từ tuyến dưới, không để bệnh nhẹ vẫn đổ dồn lên tuyến trên.
Các bệnh viện cần phát huy hơn nữa vai trò của bệnh viện vệ tinh, phòng khám vệ tinh tại tuyến bệnh viện quận, huyện; tuyên truyền, vận động người dân có con bị bệnh nhẹ đến khám và điều trị tại tuyến dưới; hạn chế thấp nhất tình trạng bệnh nhi chỉ mắc tay chân miệng độ 1 vẫn nằm điều trị nội trú ở các bệnh viện tuyến cuối tại Thành phố Hồ Chí Minh như hiện nay./.