TP.HCM: Bức xúc chuyện quản lý đất đai, ô nhiễm môi trường

Hàng loạt vấn đề dân sinh nóng bỏng liên quan trực tiếp đến cuộc sống của người dân đã được báo chí phản ánh tại buổi họp báo định kỳ do Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 3/7.
Một góc Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN)

Hàng loạt vấn đề dân sinh nóng bỏng liên quan trực tiếp đến cuộc sống của người dân, từ ô nhiễm môi trường, cho đến tái định cư, quản lý đất đai trên địa bàn đã được báo chí phản ánh tại buổi họp báo định kỳ do Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 3/7.

Phải chấm dứt công nghệ chôn lấp rác

Thời gian qua, người dân khu Nam Thành phố Hồ Chí Minh bức xúc phản ánh tình trạng bốc mùi hôi thối từ Khu xử lý rác Đa Phước nhưng vẫn chưa thể xử lý dứt điểm. Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh thông tin, hiện nay mỗi ngày thành phố phải xử lý hơn 8.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt và giao cho 4 đơn vị quản lý; trong đó riêng Khu xử lý chất thải rắn Đa Phước sử dụng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh với công suất 5.000 tấn/ngày.

"Tuy nhiên công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh cũng không thể xử lý dứt điểm và giải quyết ô nhiễm môi trường. Vì thế, trong thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường đã yêu cầu các đơn vị xử lý rác thải phải áp dụng ngay 10 giải pháp để giảm thiểu mùi hôi; trong đó có việc bơm xịt hoá chất khử mùi, bố trí lực lượng và thời gian giao rác hợp lý. Quan điểm của thành phố là đến năm 2020 phải giảm việc chôn lấp rác xuống dưới 50%," ông Nguyễn Toàn Thắng thông tin.

Còn theo ông Võ Văn Hoan, Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố đang đô thị hóa nhanh, dân số tăng, sản xuất, dịch vụ, xây dựng, du lịch đều tăng nhanh nên chất thải rắn sinh hoạt hằng ngày tiếp tục gia tăng. Vì vậy thành phố kêu gọi nhà đầu tư lựa chọn công nghệ xử lý rác hiện đại, chuyển đổi đốt thành năng lượng.

Về vấn đề này, tại kỳ họp đánh giá kinh tế, xã hội 6 tháng đầu năm 2018 được tổ chức cùng ngày 3/7, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thừa nhận, mỗi ngày thành phố phải xử lý hơn 8.000 tấn rác, chủ yếu vẫn là công nghệ chôn lấp. Hiện nay thành phố đang phê duyệt 3 đề án chuyển đổi công nghệ xử lý rác, phấn đấu đến năm 2019 kịp chuyển đổi xử lý 6.500 tấn rác/ngày. Có như vậy mới giải quyết được mùi hôi, còn nếu vẫn sử dụng công nghệ chôn lấp như hiện nay thì sẽ không giải quyết được.

Lãng phí quỹ đất tái định cư

Hiện nay trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn gần 14.000 căn hộ và nền đất tái định cư chưa sử dụng, gây lãng phí trong khi rất nhiều người không có nhà ở. Chia sẻ thêm thông tin này tại buổi họp báo, ông Võ Văn Hoan, Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong quá trình phát triển đô thị, càng về sau nhu cầu tái định cư của người dân có sự thay đổi, không chỉ nhận căn hộ tái định cư mà bằng nền đất hoặc tìm dự án mới phù hợp với môi trường sinh hoạt, làm việc.

"Vì vậy ở một số nơi có tình trạng thừa thiếu cục bộ, như dự án tái định cư Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Trước thực tế này thành phố đang tính toán, chuyển đổi mục đích sử dụng từ nhà ở xã hội, tái định cư thành nhà ở thương mại, đưa nhà dôi dư vào sử dụng có hiệu quả," ông Võ Văn Hoan nói.

Còn theo ông Lê Trần Kiên, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, vừa qua Sở Xây dựng đã có tờ trình Ủy ban Nhân dân thành phố thông qua kế hoạch xây dựng quỹ nhà và đất phục vụ tái định cư; trong đó có chương trình di dời nhà ở trên và ven kênh rạch. Đối với chương trình chỉnh trang đô thị có tới 21.850 hộ bị ảnh hưởng. Trong khi chiếm tới 2/3 hộ gia đình không có chủ quyền, giấy tờ nhà ở. Vì vậy thành phố phải xây dựng kế hoạch tạo quỹ nhà ở xã hội để bố trí cho những hộ không đủ điều kiện mua nhà ở thương mại.

Dự án khu dân cư quân nhân chưa được cấp phép xây dựng

Liên quan đến khu dân cư gia đình quân nhân nằm trên đường Tân Sơn, quận Tân Bình, liền kề sân bay Tân Sơn Nhất được triển khai làm dự án nhà căn hộ thương mại Golf View Place mà một số cơ quan báo chí phản ánh thời gian gần đây, ông Lê Trần Kiên, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định khu dân cư cư nói trên thuộc quản lý của Sư đoàn 367 và 370 thuộc Quân chủng Phòng không không quân, Bộ Quốc phòng.

Khu đất có diện tích gần 6ha, có mục tiêu sử dụng làm khu dân cư gia đình quân nhân của Sư đoàn 367, 370. Vào tháng 11/2015 khu đất được Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh công nhận chủ đầu tư và đến tháng 2/2017 được chấp thuận đầu tư. Qua kiểm tra hồ sơ tại Sở Xây dựng, dự án này chưa được cấp giấy phép xây dựng và chưa được cấp giấy phép bán nhà ở hình thành trong tương lai.

Trong khi đó, ông Võ Văn Hoan, Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định, ngay sau khi báo chí phản ánh dự án trên, Văn phòng Ủy ban Nhân dân thành phố đã có văn bản yêu cầu một số đơn vị thành phố báo cáo lại cho Ủy ban Nhân dân thành phố, xem xét hướng xử lý sắp tới. Theo ông Võ Văn Hoan, khu đất nói trên là của quân đội, thuộc quản lý của Bộ Quốc phòng. Thành phố chỉ quản lý quy hoạch và tư vấn giá. Còn mục tiêu sử dụng, chỉ tiêu quy hoạch, các bước triển khai dự án là do các cơ quan của Bộ Quốc phòng quyết định. Các cơ quan của thành phố sẽ nghiên cứu kỹ hồ sơ và thông tin lại cho báo chí./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục