Hiện nay, hai nhóm đối tượng chưa được hỗ trợ dù gặp nhiều khó khăn là người lao động có hợp đồng lao động phải tạm ngừng do ảnh hưởng của COVID-19; người lao động hợp đồng thời vụ và tự nghỉ việc.
Ngoài ra, Thành phố Hồ Chí Minh bổ sung thêm một số đối tượng mới trong việc hỗ trợ đợt 2 gồm đạo diễn, diễn viên, họa sỹ và những người công tác trong ngành văn hóa.
Thông tin được ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra tại Hội nghị triển khai việc thực hiện gói an sinh xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố tổ chức ngày 5/8.
Theo ông Võ Văn Hoan, do tình trạng giãn cách kéo dài, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh quyết định “kích hoạt” gói hỗ trợ đợt 2, thành lập Trung tâm tiếp nhận và hỗ trợ hàng thiết yếu cho người dân. Việc hỗ trợ này phải hoàn thành trước ngày 10/8.
Gói an sinh xã hội đợt 2 tập trung vào người lao động nghèo, những đối tượng chưa, không nằm trong nhóm hỗ trợ đợt 1. Mỗi người sẽ được 1,5 triệu đồng, trong đó sử dụng từ ngân sách Thành phố Hồ Chí Minh 1 triệu đồng và tiền từ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh vận động xã hội hóa 500.000 đồng.
“Trong đợt 2, dự kiến có 250.000 người được hưởng gói hỗ trợ. Tuy nhiên, số tiền hỗ trợ lần này chỉ có thể giúp bà con mua thực phẩm sử dụng khoảng 2 tuần. Vì vậy theo tình hình thực tế, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ xem xét các gói hỗ trợ thêm để người dân không ai bị thiếu đói," ông Võ Văn Hoan nói.
[Hỗ trợ hộ nghèo, người lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19]
Để gói an sinh lần này đến đúng đối tượng, ông Võ Văn Hoan yêu cầu chính quyền từng địa phương phải có trách nhiệm rà soát, thẩm định thông tin, lập danh sách. Trường hợp gia đình có người thuộc nhiều nhóm đối tượng sẽ được hưởng gói chính sách có giá trị cao nhất, một hộ chỉ được hưởng một chính sách.
Bên cạnh đó, các địa phương cần chuẩn bị nguồn lực lâu dài để tiếp tục thực hiện công tác hỗ trợ người dân một cách linh hoạt.
Đồng quan điểm, bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị các địa phương và thành phố Thủ Đức cần sát sao, tuyên truyền, vận động tất cả lực lượng tham gia; phát huy cao nhất vai trò của lãnh đạo địa phương, lãnh đạo khu phố và các đảng viên trong việc thực hiện gói an sinh xã hội lần này.
Về trường hợp người dân tại huyện Bình Chánh đăng tải trên mạng xã hội phản ánh việc không có thực phẩm để cầm cự qua ngày, ngay khi người này chia sẻ, lực lượng chức năng đã nhanh chóng đến hỗ trợ kịp thời.
Tuy nhiên, khi lực lượng chức năng có mặt đã thấy gạo, mì và nhiều nhu yếu phẩm có sẵn trong nhà.
Bà Tô Thị Bích Châu cho rằng trong quá trình hỗ trợ người dân không tránh khỏi việc xảy ra tình trạng nơi có nhiều, nơi sẽ thiếu.
Hiện, Thành phố Hồ Chí Minh đang đặt hàng một đơn vị để thiết kế phần mềm trên ứng dụng điện thoại nhằm quản lý và phân phối nguồn hàng hợp lý nhất.
Trước mắt, phần mềm này sẽ thí điểm tại quận 5, quận 12 và quận 7. Nhờ phần mềm, lực lượng chức năng có thể biết tại quận nào thiếu rau củ, thiếu gạo để có thể điều phối.
Đến nay, ở gói hỗ trợ lần 1, Thành phố Hồ Chí Minh đã hoàn thành 100% việc hỗ trợ tiền cho các nhóm đối tượng lao động tự do, hộ dân nằm trong khu phong tỏa, người tham gia tuyến đầu chống dịch và các gia đình có bệnh nhân COVID-19 với tổng số tiền tương ứng là 426 tỷ đồng./.