Đánh giá về sự ra đời của Nghị định số 07/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2021/NĐ-CP ngày 08/11/2021 về quản lý trang thiết bị y tế và Nghị quyết 30/NQ-CP về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế, lãnh đạo Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh và giám đốc các bệnh viện nhận định một phần vướng mắc trong công tác mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế đã được giải quyết, song vẫn chưa bao quát được hết toàn bộ vấn đề, cần có những hướng chính sách lâu dài, căn cơ hơn.
Bệnh viện thở phào, lãnh đạo Sở Y tế vui mừng
Từ năm 2018, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu sử dụng kỹ thuật ECMO (tim phổi nhân tạo) trong cứu chữa các ca bệnh nguy kịch, hiểm nghèo.
Hiện đơn vị có hệ thống ECMO của 2 hãng Terumo và Maquet. Theo nguyên tắc, máy của hãng nào thì sẽ đi kèm cùng các dụng cụ, vật tư tiêu hao của hãng đó.
Thời gian qua, do giấy phép nhập khẩu hết hạn nên các dụng cụ máy ECMO của hãng Maquet tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố không thể sử dụng được.
[Thiếu hóa chất, trang thiết bị y tế: Những nút thắt dần được tháo gỡ]
Tuy nhiên, Nghị định 07 ra đời đã quy định giấy phép nhập khẩu trang thiết bị y tế cấp từ đầu năm 2018 đến năm 2021 được tiếp tục sử dụng đến hết năm 2024. Ngay lập tức, khó khăn được hóa giải.
“Nhờ việc gia hạn giấy phép nhập khẩu mà trong khoảng 10 ngày nữa, các dụng cụ, thiết bị của hệ thống máy ECMO sẽ được cung cấp cho bệnh viện,” bác sỹ Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố thông tin.
Cùng tâm trạng, Tiến sỹ, bác sỹ Diệp Bảo Tuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh cho hay: “Chúng tôi rất mừng vì Nghị quyết 30 mới ban hành đã tháo gỡ được nhiều vướng mắc. Đặc biệt là vật tư, trang thiết bị, thuốc, hóa chất trong xét nghiệm, trong đó có nhiều máy mượn, máy đặt và đặc biệt là gia hạn tự động các loại thuốc cũng được tháo gỡ.”
Theo bác sỹ Tuấn, việc bỏ 3 báo giá trong đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế, đặc biệt đối với bảo trì, sửa chữa máy móc đã gỡ “vướng” rất nhiều cho các cơ sở y tế.
“Cả ngành y tế đều vui và phấn khởi bởi đã giải quyết được nhiều vướng mắc mà các bệnh viện gặp phải trong thời gian qua. Đây là cơ sở pháp lý mà ngành y tế rất cần để không xảy ra tình trạng thiếu trang thiết bị, vật tư trong công tác chăm sóc, điều trị người bệnh,” Phó Giáo sư, Tiến sỹ, bác sỹ Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh nhìn nhận sau khi Nghị định 07 và Nghị quyết 30 của Chính phủ được ban hành.
Theo ông Thượng, trước đó Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã kiến nghị Bộ Y tế 7 nội dung nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong công tác khám, chữa bệnh, trong đó có kiến nghị tiếp tục thanh toán chi phí các dịch vụ kỹ thuật theo hình thức máy đặt cho đến khi cơ quan có thẩm quyền quy định, hướng dẫn; xem xét, chấp thuận hình thức máy đặt theo kết quả trúng thầu hóa chất, vật tư y tế được thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu để đảm bảo trang thiết bị cho cơ sở y tế. Hai kiến nghị này đã được giải quyết trong Mục 1,2 của Nghị quyết 30.
Bên cạnh đó, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị bổ sung quy định về căn cứ xác định giá gói thầu với các gói thầu mua sắm trang thiết bị, dịch vụ phi tư vấn (sửa chữa bảo trì bảo hành với trang thiết bị đặc thù, riêng biệt).
Vấn đề này đã được giải quyết trong Mục 3 của Nghị quyết 30. Ngoài ra, với kiến nghị Bộ Y tế sớm cấp giấy phép nhập, khẩu, giấy chứng nhận đăng ký lưu hành của trang thiết bị, khoản 18, Điều 1, Nghị định 07 đã gia hạn giấy phép nhập khẩu cũng như giấy chứng nhận lưu hành trang thiết bị, có hiệu lực đến ngày 31/12/2024.
Vẫn chưa bao quát hết vấn đề
Đánh giá tích cực khi Nghị định 07 và Nghị quyết 30 đã tháo gỡ được khó khăn, chỉ cần 1 báo giá thay vì phải 3 báo giá như trước đây, song Tiến sỹ, bác sỹ Phan Văn Báu, Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 Thành phố Hồ Chí Minh băn khoăn làm sao các bệnh viện biết được công ty báo giá có sát với giá nhập khẩu hay không? Cách lấy báo giá như thế nào để sau này không bị quy kết sai phạm về giá?
Cùng chung ý kiến đó, bác sỹ Châu Văn Đính, Giám đốc Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, cần có cơ quan chủ trì định mức giá để bảo vệ người làm công tác đấu thầu, mua sắm bởi thanh tra, kiểm tra sau này hầu hết đều xoay quanh vấn đề giá.
Nếu không có cơ quan chủ trì giá thì các bệnh viện không thể biết được giá trị thực của các máy móc, cũng như có bị mua bán lòng vòng, đẩy giá lên hay không.
Theo các giám đốc bệnh viện, hiện nay việc sửa chữa các trang thiết bị y tế lớn và giá trị cao như máy CT, MRI bị hư hỏng, bắt buộc phải có trong kế hoạch trung hạn 5 năm.
Sau đó, các cơ sở y tế phải làm báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, trình cấp có thẩm quyền thông qua Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, Nghị quyết 30 chưa đề cập đến vấn đề này.
Chia sẻ băn khoăn với các lãnh đạo bệnh viện, Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh Tăng Chí Thượng cho rằng, do Nghị định 07 và Nghị quyết 30 tập trung giải quyết những khó khăn trước mắt nên vẫn còn xảy ra tình trạng mỗi nơi hiểu theo một cách và vận dụng khác nhau.
Do đó, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã có buổi họp bàn thống nhất triển khai áp dụng 2 văn bản cho các đơn vị. Sở Y tế thành lập tổ theo dõi diễn biến mua sắm hóa chất vật tư của các bệnh viện và sẽ tiếp tục kiến nghị nếu có phát sinh trong quá trình thực hiện, không để việc thiếu trang thiết bị, thuốc, hóa chất ảnh hưởng đến công tác chăm sóc sức khỏe người dân.
Hàng tuần, Sở Y tế sẽ tổ chức họp trực tuyến để các bệnh viện báo cáo tình hình mua sắm theo tinh thần Nghị định 07 và Nghị quyết 30.
“Các quy định mới được ban hành để giải quyết vướng mắc trước mắt trong chăm sóc sức khỏe người bệnh ở các cơ sở y tế công lập, đặc biệt là công tác mua sắm. Về lâu dài, chúng tôi kỳ vọng Bộ Y tế và nhất là các bệnh viện sẽ tiếp tục đóng góp ý kiến để xây dựng các chính sách phù hợp nhất với tình hình thực tế.” ông Tăng Chí Thượng mong mỏi./.