Mỗi người dân khi đến Thành phố Hồ Chí Minh học tập, làm việc, du lịch, tham quan, thành phố rất trân trọng, đón tiếp và chăm sóc để người dân có điều kiện tốt nhất.
Đối với những người lao động, thành phố càng trân trọng, vì chính người lao động đã góp phần tạo ra của cải vật chất, đóng góp vào sự phát triển của thành phố.
Nội dung này được ông Phạm Đức Hải, Phó Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh trong buổi họp cung cấp thông tin về tình hình phòng, chống dịch COVID-19 ngày 1/10.
Thực hiện chăm lo chu đáo cho người dân
Về việc lưu thông của người dân ở Thành phố Hồ Chí Minh, ông Phạm Đức Hải nhấn mạnh, người dân được quyền lưu thông trên đường, tuy nhiên phải đảm bảo theo quy định của Chỉ thị 18.
Cụ thể, người dân khi tham gia lưu thông sử dụng mã QR khai báo di chuyển của ứng dụng VNEID và mã QR có thể hiện lịch sử tiêm chủng của ứng dụng Y tế HCM hoặc Sổ sức khoẻ điện tử (đến khi ứng dụng PC-COVID chính thức đưa vào hoạt động).
Trường hợp không có mã QR, xuất trình giấy tờ sau: 1 - là F0 đã khỏi bệnh dưới 6 tháng; 2 - đã tiêm chủng (ít nhất 1 mũi đối với vaccine yêu cầu tiêm 2 mũi và sau 14 ngày) khi được cơ quan chức năng yêu cầu.
[Khu vực ngoài nhà nước là động lực tăng trưởng xuất khẩu của TP.HCM]
Liên quan đến việc người dân tự phát về quê, tập trung đông tại các chốt kiểm soát ở cửa ngõ ra vào Thành phố Hồ Chí Minh, Thượng tá Trần Thanh Giang, Phó Trưởng Phòng Tham mưu, Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, khi phát hiện người dân tập trung đông người tại các chốt cửa ngõ, lực lượng Công an đã tuyên truyền, vận động người dân ở lại, cùng tham gia vào quá trình phục hồi kinh tế của thành phố; cùng với đó là thực hiện quy tắc 5K, đảm bảo yêu cầu y tế.
Bên cạnh đó, đoàn người dân tập trung về quê có rất nhiều trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai nên việc di chuyển tập trung qua các điểm đông đúc sẽ xảy ra nguy cơ cao. Tuy nhiên, sau khi tuyên truyền, vận động, người dân vẫn quyết định về quê.
Vì vậy, lực lượng Công an thành phố phối hợp với Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh phân chia đoàn các đoàn và phát phiếu, thu thập thông tin nhân thân, kèm theo đó là yếu tố dịch tễ như tiêm vaccine, test nhanh COVID-19…
Sau khi trao đổi với Sở Giao thông Vận tải và Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh, lực lượng chức năng đã điều xe buýt đến để chở người và phương tiện của người dân về quê. Theo đó, xe của Cảnh sát Giao thông sẽ dẫn đường đưa người dân về địa phương để tiếp nhận, xử lý.
Đến 14 giờ ngày 1/10, Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã giải quyết, hỗ trợ khoảng 1.300 người dân về quê. Đa số người dân đều vui vẻ và phấn khởi.
Theo ông Phạm Đức Hải, khi thực hiện Chỉ thị 18 về tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Thành phố, Thành phố Hồ Chí Minh mong muốn người dân lao động tiếp tục ở lại thành phố.
Bởi từ ngày 1/10, nhiều dịch vụ, cửa hàng, nhà máy, doanh nghiệp đã bắt đầu hoạt động trở lại. Lúc này, thành phố đang rất cần người lao động. Về việc tạo điều kiện cho người dân ở lại làm việc, sinh sống trên địa bàn, thành phố tiếp tục có gói hỗ trợ đợt 3 nhằm chăm lo an sinh xã hội cho người dân.
Tính đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức 54 đợt với tổng hơn 37.000 người về quê. Theo nguyện vọng của nhân dân muốn về quê, ngay trong sáng 1/10, Thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp với các tỉnh thành để đưa người về quê chu đáo.
Việc này vừa đáp ứng đúng nguyện vọng của người dân, vừa đảm bảo sức khỏe, nhất là người già, phụ nữ, trẻ em, đồng thời đảm bảo công tác phòng, chống dịch của Thành phố Hồ Chí Minh cũng như các địa phương.
Trong ngày đầu nới lỏng giãn cách, theo Thượng tá Trần Thanh Giang, lực lượng Công an đã kiểm tra ngẫu nhiên việc lưu thông của hơn 3.000 phương tiện, chủ yếu kiểm tra quy định tham gia giao thông và điều kiện ra đường của công dân. Hiện, Công an mới nhắc nhở và chưa xử phạt những trường hợp này.
60% nhóm người trên 50 tuổi đã tiêm đủ hai mũi vaccine
Liên quan đến vaccine phòng COVID-19, theo ông Nguyễn Hồng Tâm - Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC), tính đến 30/9, trong kho của Trung tâm còn trên 600.000 liều Vero Cell, chưa kể số lượng đã phân bổ về 22 địa phương. Vì vậy, không có câu chuyện hết vaccine Vero Cell.
Về tỷ lệ tiêm chủng vaccine cho người trên 50 tuổi, ông Nguyễn Hồng Tâm cho biết, sau khi các địa phương rà soát lại dân số, số dân cao hơn thống kê ban đầu, do đó, tỷ lệ tiêm mũi 1 cho nhóm này giảm xuống 95%.
Về tỷ lệ tiêm mũi 2, đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh đã tiêm 60% mũi 2 cho nhóm người trên 50 tuổi. Như vậy, tỷ lệ tiêm hai mũi cho nhóm này đã tăng 15% so với hai ngày trước.
Liên quan đến giải pháp cho người lao động chống chỉ định tiêm vaccine trở lại làm việc, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai - Chánh Văn phòng Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tất cả chủ trương, chính sách của Nhà nước đều gắn với việc chăm sóc sức khỏe, quyền lợi cho người lao động. Vì vậy, việc tiêm vaccine nhằm đảm bảo an toàn cho người lao động trong môi trường làm việc trước tác động của dịch COVID-19.
Theo bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, nhóm đối tượng chống chỉ định tiêm vaccine hiện nay không nhiều. Do đó, việc người lao động được đi làm hay không còn phụ thuộc vào cá nhân người lao động và doanh nghiệp. Người lao động có thể được bố trí làm việc tại nhà.
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC), tính hết ngày 29/9, hơn 28.100 F0 đang cách ly điều trị tại nhà. Hơn 18.000 người đang cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung.
Gần 33.000 ca đang điều trị tại bệnh viện tầng 2- 3. Hơn 3.000 trẻ em dưới 16 tuổi đang điều trị; 261 phụ nữ mang thai đang điều trị. cộng dồn đến nay là gần 207.000 người đã xuất viện. Trong ngày, số ca tử vong còn 96 người, giảm xuống dưới mốc 100 ca/ngày.
Hỗ trợ hơn 3.000 sinh viên có hoàn cảnh khó khăn tại thành phố Thủ Đức
Ngày 1/10, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh đã tiếp nhận hơn 3.000 phần quà từ nhà hảo tâm tặng các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID -19 đang học tập tại các trường đại học trên địa bàn.
Tại buổi lễ, đại diện các nhà hảo tâm gồm Tập đoàn Giày Gia đình Vàng; Quỹ Nguyễn Gia Thảo và nhóm thiện nguyện Từ Tâm; Tập đoàn Bất động sản Thành Công… đã trao cho đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Thủ Đức 3.053 phần quà có tổng giá trị hơn 915 triệu đồng để chuyển tới các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đang học tập tại Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Sư phạm Kỹ Thuật Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Nông Lâm, Trường Đại học Ngân hàng và Trường Đại học Giao thông Vận tải.
Ngoài ra, Đại đức Thích Minh Đạo, trụ trì Chùa Nam Thiên Nhất trụ (thành phố Thủ Đức) đã trao tặng 10 phần quà cho 10 em sinh viên có hoàn cảnh khó khăn nhất, mỗi phần quà trị giá 1.300.000 đồng (bao gồm 1.000.000 đồng tiền mặt và phần quà là thực phẩm 300.000 đồng).
Cũng trong dịp này, Đại đức Thích Minh Đạo, trụ trì Chùa Nam Thiên Nhất trụ đã trao tặng Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 của thành phố Thủ Đức một xe ô tô phục vụ công tác tiêm vaccine và lấy mẫu lưu động trị giá hơn 1 tỷ đồng
Thay mặt lãnh đạo và nhân dân thành phố Thủ Đức, ông Trần Hữu Phước, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Thủ Đức gửi lời tri ân những tình cảm quý báu của các nhà tài trợ đã hỗ trợ, đồng hành cùng chính quyền thành phố Thủ Đức trong các công tác thiện nguyện và phòng, chống dịch COVID-19.
Theo ông Trần Hữu Phước, món quà của các nhà tài trợ trao tặng hôm nay có ý nghĩa rất to lớn góp phần động viên nhân dân thành phố Thủ Đức tiếp tục nỗ lực trong công tác phòng, chống dịch; góp phần chăm sóc, chia sẻ những khó khăn với học sinh, sinh viên, giúp các em an tâm vượt khó khăn trong mùa dịch để đạt thành tích cao nhất trong học tập./.