Trong thời gian qua, chương trình bình ổn thị trường là công cụ quan trọng góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định thị trường, đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa.
Để tiếp tục phát huy hiệu quả, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai chương trình này trong năm 2014 và Tết Ất Mùi 2015. Chương trình lần này tập trung vào bốn nhóm mặt hàng gồm lương thực-thực phẩm thiết yếu, sữa, các mặt hàng phục vụ mùa khai giảng và dược phẩm thiết yếu.
Ưu tiên hàng Việt
Theo bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, chương trình bình ổn thị trường của thành phố sẽ tiếp tục gắn kết chặt chẽ với cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Tổ chức sản xuất, kinh doanh tham gia chương trình phải tuân thủ đúng kế hoạch tạo nguồn hàng và cung ứng hàng hóa đảm bảo số lượng, đồng thời đạt tiêu chuẩn chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải tích cực phát triển mạng lưới phân phối, tăng số lượng điểm bán hàng bình ổn thị trường, chú trọng phát triển tại khu chế xuất-khu công nghiệp, quận, huyện ven, khu vực ngoại thành, chợ truyền thống, bếp ăn tập thể, khu lưu trú công nhân, trường học, bệnh viện.
Nguồn vốn cho Chương trình bình ổn thị trường được thực hiện với phương thức sử dụng nguồn vốn vay tại các ngân hàng đăng ký tham gia chương trình, còn doanh nghiệp triển khai thủ tục vay vốn và giải ngân theo hướng dẫn cụ thể về quy định thủ tục của các ngân hàng, tổ chức tín dụng này.
Chương trình bình ổn thị trường năm 2014 và Tết Ất Mùi 2015 thu hút 76 doanh nghiệp tham gia, tăng 12 doanh nghiệp so với năm 2013. Tổng hạn mức tín dụng của các ngân hàng đăng ký dành cho chương trình đạt hơn 8.300 tỷ đồng, tăng 6.340 tỷ đồng so với năm trước, trong đó có 2.800 tỷ đồng vay vốn ngắn hạn (lãi suất 5,5-6%/năm), 2.150 tỷ đồng vốn trung và dài hạn (lãi suất 7-10%/năm).
Đặc biệt, có 3.350 tỷ đồng hỗ trợ cho doanh nghiệp gắn với doanh nghiệp trực tiếp tham gia chương trình, chủ yếu ưu tiên cho những hợp tác xã sản xuất nông sản, thực phẩm...
Nhằm đảm bảo tính minh bạch và mục tiêu hàng đầu của Chương trình bình ổn thị trường, doanh nghiệp tham gia chương trình tự xây dựng và kê khai giá bán tại Sở Tài Chính theo nguyên tắc xác định đầy đủ, chính xác cơ cấu tính giá bao gồm những yếu tố hình thành giá và phải thấp hơn giá thị trường của sản phẩm cùng quy cách, chủng loại, chất lượng tại thời điểm kê khai ít nhất từ 5-10%.
Trường hợp thị trường biến động tăng hoặc giảm đối với giá nguyên vật liệu, chi phí đầu vào làm ảnh hưởng đến cơ cấu giá thành sản xuất, doanh nghiệp sẽ điều chỉnh giá bán bình ổn sau khi Sở Tài chính thẩm định, chấp nhận bằng văn bản. Ngoài ra, doanh nghiệp có trách nhiệm xây dựng kế hoạch chuẩn bị nguồn nguyên liệu, sản xuất, dự trữ hàng hóa đầy đủ, ổn định để cung ứng và giữ ổn định giá bán trong thời gian hai tháng trước và sau Tết Ất Mùi 2015.
Đáp ứng 25-70% nhu cầu thị trường
Theo Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, nắm bắt xu hướng thị hiếu tiêu dùng của người dân và khả năng cung ứng của doanh nghiệp, Sở đã xây dựng sản lượng hàng hóa của chương trình bình ổn thị trường năm 2014 và Tết Ất Mùi 2015 đáp ứng từ 25-70% nhu cầu thị trường.
Năm nay, các mặt hàng thuộc lĩnh vực lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ bình ổn thị trường trên địa bàn thành phố chiếm 25-30% nhu cầu thị trường (tăng bình quân 30-35% so với năm 2013), gồm 9 mặt hàng gạo, đường, dầu ăn, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ và thủy hải sản.
Những mặt hàng phục vụ mùa khai giảng có tập vở, cặp-ba lô-túi xách, đồng phục học sinh, giày sẽ chiếm từ 35-45% nhu cầu tiêu dùng (tăng 10-15%). Mặt hàng sữa tham gia bình ổn thị trường với số lượng sữa bột đạt hơn 3.387 tấn (tăng 53,5%), chủ yếu là sản phẩm sữa dành cho trẻ em, người cao tuổi, người bệnh, dinh dưỡng cho gia đình...
Chương trình năm nay có thêm nét mới là lần đầu tiên logo hàng bình ổn chính thức được đưa vào sử dụng, nhằm giúp người tiêu dùng nhận diện và tăng cường trách nhiệm của cơ quan quản lý, doanh nghiệp...
Về phát triển mạng lưới phân phối hàng bình ổn, Ủy ban Nhân dân thành phố đặc biệt khuyến khích các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường tập trung đầu tư, phát triển các loại hình bán lẻ hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện lợi... Ủy ban Nhân dân thành phố cũng khuyến khích doanh nghiệp đẩy mạnh mở rộng, nâng cao chất lượng hoạt động, tăng thêm lượng hàng hóa cho chuỗi cửa hàng liên kết thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ.
Mặt khác, các quận, huyện đẩy mạnh rà soát những mặt bằng đang quản lý, sử dụng không hiệu quả, không đúng mục đích để giới thiệu cho doanh nghiệp đầu tư phát triển điểm bán hàng bình ổn./.